Đầu tư luồng Cửa Lở, gỡ điểm nghẽn hạ tầng, giảm cước vận tải biển
Cục Hàng hải và Đường thủy VN vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đầu tư xây dựng luồng Cửa Lở, tỉnh Quảng Nam.
Nhà đầu tư đề xuất lập dự án theo hình thức BT
Theo Cục Hàng hải và Đường thủy nội địa VN, Nghị định số 58/2017/NĐ-CP quy định rõ việc quyết định chủ trương đầu tư luồng hàng hải sử dụng nguồn vốn đầu tư công được thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công.
Với luồng hàng hải không thuộc trường hợp sử dụng nguồn vốn đầu tư công được thực hiện theo quy định của Luật đầu tư.

Cảng biển Quảng Nam được định hướng phát triển thành cảng biển loại I, tiếp nhận tàu tải trọng lớn tới 50.000 DWT. Ảnh minh họa.
Các dự án thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng).
Việc đầu tư xây dựng luồng hàng hải phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển đã được phê duyệt và tuân thủ các quy định có liên quan của pháp luật.
Từ đây, Cục Hàng hải và Đường thủy VN khẳng định nếu đầu tư luồng hàng hải Cửa Lở không sử dụng nguồn vốn đầu tư công, việc quyết định chủ trương đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật đầu tư.
Trường hợp UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng luồng Cửa Lở theo hình thức hợp đồng Xây dựng chuyển giao, việc quyết định chủ trương đầu tư được thực hiện tuân thủ quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Theo thông tin của Báo Xây dựng, trước đó, tỉnh Quảng Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án theo hình thức BT.
UBND tỉnh cho biết đã nhận hồ sơ đề xuất của Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh về việc được chấp thuận lập hồ sơ đề xuất đầu tư luồng Cửa Lở, cầu kết nối khu bến Tam Hiệp -Tam Hòa và đường nối KCN Việt Hàn với đường Võ Chí Công, theo hình thức BT nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, kết nối đồng bộ với hạ tầng hàng hải.
Theo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (Luật số 95/2015/QH13), luồng hàng hải là vùng nước giới hạn bởi hệ thống báo hiệu hàng hải và các công trình phụ trợ để bảo đảm an toàn cho hoạt động tàu thuyền. Vì vậy, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam đề nghị Bộ Xây dựng có ý kiến đến Bộ Tài chính, làm rõ phạm vi dự án đầu tư xây dựng luồng Cửa Lở phù hợp với quy định hiện hành.
Được biết, tại Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ, dự án do nhà đầu tư đề xuất gồm tuyến luồng dài khoảng 6 km, rộng 140 m, độ sâu nạo vét đến -13,2 m (theo hải đồ). Tổng khối lượng nạo vét ước tính hơn 20,9 triệu m³, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 6.648 tỷ đồng.
Hai hạng mục còn lại gồm cầu kết nối khu bến Tam Hiệp - Tam Hòa, dài khoảng 1.540 m, tĩnh không 100x36,5 m, rộng 17,5 m cho 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 1.286 tỷ đồng; Tuyến đường nối KCN Việt Hàn với đường Võ Chí Công, dài 3,5 km, lộ giới 22 m, đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng.
Phương án thanh toán linh hoạt
Về phương án thanh toán hợp đồng BT, nhà đầu tư đề xuất thanh toán bằng các quỹ đất để thực hiện dự án đối ứng, bao gồm: khu phi thuế quan, bến cảng Tam Hòa (797 ha); khu dân cư - đô thị Tam Hòa - Tam Tiến (1.755 ha) và khu Long Thạnh Tây (32 ha).
Trường hợp giá trị các quỹ đất đối ứng và sản phẩm cát nạo vét không đủ thanh toán, phần còn lại sẽ được cân đối từ nguồn vốn đầu tư công của địa phương.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, cảng biển của tỉnh được định hướng phát triển thành cảng loại I, tiếp nhận tàu trọng tải 50.000 DWT. Dự báo đến năm 2030, lượng hàng hóa thông qua cảng Quảng Nam đạt 8,5 -10,3 triệu tấn, trong đó container đạt 0,6 - 0,8 triệu Teu. Cảng sẽ đóng vai trò trung tâm logistics của miền Trung - Tây Nguyên, kết nối ra biển Đông cho Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.
Tuy nhiên, hiện tuyến luồng Kỳ Hà chỉ đáp ứng tàu 15.000 DWT đủ tải, hoặc 20.000 DWT giảm tải, chưa tương xứng với quy mô hạ tầng cảng đã đầu tư và tốc độ tăng trưởng hàng hóa. Kết nối đường bộ đến cảng cũng còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả vận chuyển.
Mở lối ra biển lớn cho Quảng Nam
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, đầu tư luồng Cửa Lở tiếp nhận tàu 50.000 DWT là hạ tầng hàng hải công cộng quan trọng, mang tính quyết định đến định hướng phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai và tỉnh Quảng Nam.
Cùng với đó, cầu kết nối và tuyến đường đến KCN Việt Hàn sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ – hàng hải, bảo đảm vận chuyển hàng hóa thông suốt.
"Hiện cảng Chu Lai chỉ vận chuyển hàng đến các cảng ngắn tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, chưa khai thác được các tuyến dài hơn như đến Mỹ, châu Âu. Giá cước vận tải còn cao so với khu vực. Sau khi đầu tư luồng Cửa Lở, sẽ khai thác các tuyến dài hơn, hướng đến giá cước tương đương Cảng Đà Nẵng và các cảng lớn hai miền Nam – Bắc", lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, dự án cũng tạo thêm việc làm cho lao động ngành dịch vụ vận tải, thu hút đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai, tăng thu ngân sách địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam.
Từ những phân tích trên, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận giao UBND tỉnh Quảng Nam là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án theo hình thức đối tác công tư, làm cơ sở để địa phương triển khai đầu tư dự án đúng quy định pháp luật.