Xây dựng đô thị Nha Trang hiện đại, thông minh
UBND tỉnh vừa phê duyệt Chương trình phát triển đô thị TP. Nha Trang đến năm 2040. Đây là cơ sở quan trọng để địa phương đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, từng bước hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn còn thiếu, hướng tới xây dựng đô thị Nha Trang hiện đại, thông minh.
Hơn 193.737 tỷ đồng thực hiện chương trình
Chương trình phát triển đô thị TP. Nha Trang nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển hệ thống đô thị theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình bám sát các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo sự phát triển đô thị gắn với tăng trưởng kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, bảo tồn giá trị lịch sử - văn hóa và bảo vệ môi trường. Mục tiêu xuyên suốt là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan đồng bộ, hiện đại.
Ông Lê Tiến Vĩnh - Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị TP. Nha Trang cho biết, triển khai thực hiện chương trình, thành phố sẽ tiến hành rà soát tổng thể các tiêu chí kinh tế - xã hội và hạ tầng đô thị. Từ đó, xây dựng kế hoạch, lộ trình khắc phục những tiêu chí còn thiếu hoặc chưa đạt chuẩn. Trên cơ sở đó, thành phố đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng, phát huy vai trò động lực của đô thị Nha Trang trong tăng trưởng kinh tế địa phương, tận dụng hiệu quả các lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên và quỹ đất.

Một góc TP. Nha Trang.
Theo Chương trình phát triển đô thị TP. Nha Trang, đến năm 2025, thành phố phấn đấu hoàn thiện một số tiêu chí chưa đạt theo chuẩn đô thị loại I; các xã ngoại thành sẽ hướng tới đạt các tiêu chuẩn phát triển hạ tầng để đủ điều kiện thành lập phường. Giai đoạn 2026 - 2030, thành phố đặt mục tiêu hoàn thiện 100% tiêu chí đô thị loại I, chính thức chuyển các xã đủ điều kiện lên phường nội thành. Đến năm 2040, Nha Trang tiếp tục nâng cao tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại I - là thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phát huy vị thế là thành phố du lịch biển mang tầm quốc gia và quốc tế, hỗ trợ phát triển dịch vụ hậu cần hàng hải, thương mại - dịch vụ, tài chính, hướng đến trở thành trung tâm kinh tế - tài chính khu vực Đông Nam Á. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho chương trình và các đề án liên quan đến năm 2030 ước tính hơn 193.737 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.
Sẽ rà soát khi sắp xếp đơn vị hành chính
Ông Lê Tiến Vĩnh cho biết, định hướng đến năm 2030, toàn bộ các xã của Nha Trang sẽ chuyển lên phường. Mục tiêu này không thay đổi, vì vậy, khi có quyết định chính thức về sắp xếp đơn vị hành chính, thành phố sẽ rà soát các tiêu chí, xây dựng lộ trình đầu tư nhằm đảm bảo các chỉ tiêu còn thiếu được bổ sung kịp thời.
Lộ trình thực hiện chương trình được chia theo từng giai đoạn. Theo đó, giai đoạn đến năm 2025, thành phố phấn đấu đạt các tiêu chuẩn như: Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 15%; tuyến phố văn minh đô thị đạt 50%; có ít nhất 1 công trình xanh được chứng nhận; quy hoạch 4 khu chức năng đô thị, đô thị mới theo mô hình đô thị xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh.
Giai đoạn 2026 - 2030: Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 3.000 người/km2 trở lên; mật độ dân số khu vực nội thành đạt từ 12.000 người/km2; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt 24,4%; diện tích nhà ở bình quân nội thành 33,5m2/người; cây xanh bình quân toàn đô thị đạt 10m2/người; tỷ lệ nước thải được xử lý đạt chuẩn từ 60% trở lên; đất giao thông đạt 4,5% đất xây dựng; mật độ đường giao thông đạt 2km/km2; đất giao thông bình quân 6,25m2/người; vận tải công cộng đạt 20%; tuyến phố văn minh đạt 60%; ít nhất 2 công trình xanh được chứng nhận; 4 khu chức năng đô thị, đô thị mới theo mô hình đô thị xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh.
Giai đoạn sau năm 2031 đến năm 2040: Tiếp tục duy trì và nâng cao các chỉ tiêu nêu trên, trong đó, tỷ lệ tuyến phố văn minh đạt 100%; đất xây dựng đô thị chiếm 32,1% diện tích đất tự nhiên; đất giao thông bình quân đạt 13m2/người; mật độ đường giao thông đạt 8km/km2; vận tải công cộng đạt từ 20% trở lên; diện tích cây xanh công cộng nội thành đạt từ 6m2/người trở lên...