Đầu tư, mở rộng sản xuất: Doanh nghiệp lúng túng

Từ 1/1/2024, các doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện đang lúng túng vì thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng.

Doanh nghiệp mong muốn được thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế. (Ảnh minh họa - Nguồn: saigoneer.com)

Doanh nghiệp mong muốn được thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế. (Ảnh minh họa - Nguồn: saigoneer.com)

Thiếu hướng dẫn cụ thể

Tại Hội nghị “Triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP: Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp” mới đây, ông Nguyễn Thi, Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết, theo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020, việc thực hiện EPR với 2 mục tiêu lớn: Tạo ra nguồn tài chính để tái chế, xử lý; Tác động thay đổi thói quen sản xuất tiêu dùng. Doanh nghiệp (DN) thực hiện EPR sẽ đáp ứng được các tiêu chí của kinh tế tuần hoàn và thực hiện được 3/7 mô hình thực hiện kinh tế tuần hoàn. Đại diện Bộ TN&MT cũng lưu ý, EPR là bắt buộc, còn kinh tế tuần hoàn là tự nguyện.

Theo Luật BVMT 2020, có 2 loại EPR: Trách nhiệm tái chế (Điều 54); Và trách nhiệm xử lý (Điều 55). Về trách nhiệm tái chế: Tổ chức cá nhân, nhập khẩu có trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế; Được lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì (theo một trong các hình thức: Tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì; Đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì). Về trách nhiệm xử lý: Tổ chức cá nhân, nhập khẩu có trách nhiệm đóng góp tài chính đối với trường hợp sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý; Đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam.

Tại Hội nghị, bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, đến thời điểm hiện tại các cơ sở pháp lý để thực hiện (như định mức chi phí tái chế Fs) vẫn chưa ban hành. “DN đang rất lúng túng do chưa có khung pháp lý rõ ràng. Cơ chế xác định đánh giá tái chế như thế nào? Đến thời điểm này DN vẫn chưa tự tính và lên kế hoạch được…” - bà Vân Anh phản ánh.

Theo đại diện VBA, ngày 18/12/2023, Bộ TN&MT đã công bố danh sách các tổ chức được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì. Trong đó, 1 tổ chức được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế ắc quy, pin, săm lốp, dầu nhớt, phương tiện giao thông (khu vực phía Bắc) và 1 tổ chức được ủy quyền thực hiện tái chế bao bì (khu vực phía Nam theo Thông báo 782/TB-BTNMT). Ngày 20/2/2024, Bộ TN&MT công bố danh sách 24 đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì, khu vực phía Bắc 13 đơn vị, khu vực phía Nam có 11 đơn vị.

“Danh sách các nhà tái chế được đưa lên website quá ít và hạn chế không đáp ứng được nhu cầu, gây mất cân bằng thị trường, do đó phí tái chế sẽ được đẩy lên cao, từ đó không đạt được mục tiêu chính sách. Mà chính sách Bộ mong muốn là khuyến khích các DN tự tái chế chứ không phải nộp Quỹ BVMT…” - đại diện VBA phát biểu và đề nghị, các tiêu chí để đánh giá hoàn thành việc tái chế cho DN, cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện trách nhiệm tái chế cần rõ ràng và có hướng dẫn cụ thể hơn.

Kiến nghị sớm tháo gỡ vướng mắc

Tại Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ các vướng mắc về EPR. Cụ thể: DN được thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm cho cùng một loại bao bì, sản phẩm thải bỏ; DN nộp đóng góp tái chế trên cơ sở quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm và thời hạn nộp đến hết quý I của năm tiếp theo; và nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi đối với bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế.

Ông Nguyễn Hồng Uy, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) tham dự Hội nghị cho biết, Amcham đánh giá rất cao việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế, như tiếp tục giảm thuế VAT xuống 8%, chỉ đạo ngân hàng hạ lãi suất cho vay và mới đây nhất là Nghị quyết 02/NQ-CP chỉ đạo tháo gỡ các bất cập pháp lý trong đầu tư; tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm các điều kiện, thủ tục kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN, tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện trách nhiệm EPR và nhiều giải pháp cụ thể khác.

Tuy nhiên, đại diện của Amcham cho rằng đến thời điểm này chưa thấy thông tin từ Bộ TN&MT về thực hiện được các chỉ đạo này tại Nghị quyết 02. “Chúng tôi hy vọng Bộ TN&MT sớm có các hướng dẫn cụ thể để triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP, tháo gỡ các vướng mắc về EPR cho các DN, đúng như tinh thần quyết liệt của Chính phủ. Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ sẽ giám sát chặt chẽ kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết để bảo đảm chỉ đạo của Chính phủ được thực hiện…” - đại diện Amcham nói và cho biết sẽ theo dõi kết quả thực hiện Nghị quyết 02NQ/-CP để có các khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dau-tu-mo-rong-san-xuat-doanh-nghiep-lung-tung-post505256.html