Đầu tư nâng cao chất lượng cho giáo dục vùng ven

Trong khu nhà 3 tầng còn nguyên màu sơn mới, các lớp học khang trang, rộng rãi với đầy đủ trang - thiết bị dạy học, cô giáo Đỗ Thị Sơn, Trường Tiểu học Thống Nhất (thành phố Lào Cai) đang hướng dẫn học sinh khối lớp 1 tập viết bằng học liệu điện tử. Cô Sơn tâm sự: Được giảng dạy trong điều kiện mới giúp giáo viên dễ ứng dụng công nghệ thông tin, dạy học tích hợp, học sinh đi học chuyên cần hơn.

Sau khi sáp nhập về thành phố, Trường Tiểu học Thống Nhất được đầu tư cơ sở vật chất khang trang.

Sau khi sáp nhập về thành phố, Trường Tiểu học Thống Nhất được đầu tư cơ sở vật chất khang trang.

Thầy giáo Nguyễn Đức Cường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thống Nhất cho biết: Thực hiện Nghị quyết 896 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2020, xã Thống Nhất được thành lập trên cơ sở 15 thôn của xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng) và một phần của phường Thống Nhất (thành phố Lào Cai). Trường Tiểu học Thống Nhất được sáp nhập vào thành phố Lào Cai với 1 điểm trường chính, 3 phân hiệu. Thời điểm mới sáp nhập, nhà trường còn thiếu thốn về cơ sở vật chất như không có phòng Tin học, lớp học cũ kỹ, không có khu bán trú để đưa học sinh từ điểm trường lẻ về điểm trường chính…

Sau hơn 2 năm, được sự quan tâm đầu tư của ngành giáo dục và đào tạo thành phố, diện mạo của trường đã có nhiều thay đổi. Trường được xây mới dãy nhà học 3 tầng với 12 phòng học; sân trường được bê tông hóa; khu vực bán trú được xây dựng, tạo điều kiện để trường đón 66 học sinh tại các điểm trường lẻ về học tập và sinh hoạt. Trường cũng được bổ sung 1 giáo viên dạy tiếng Anh. Đến nay, 100% giáo viên lên lớp vận dụng phương pháp mới, phát huy tối đa hiệu quả thiết bị đồ dùng dạy học, triển khai tốt các phần mềm soạn giáo án điện tử…

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thầy và trò nhà trường đã nỗ lực vươn lên, chất lượng học sinh tăng qua các năm, đã có học sinh tham gia các cuộc thi như viết chữ đẹp, Trạng nguyên tiếng Việt các cấp và đoạt giải. “Với bề dày truyền thống dạy và học, cùng với việc đầu tư xây mới cơ sở vật chất, trang - thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy học trong giai đoạn mới, chúng tôi phấn đấu trở thành trường chất lượng của thành phố”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thống Nhất nói.

Được giảng dạy trong điều kiện mới giúp giáo viên dễ ứng dụng công nghệ thông tin.

Được giảng dạy trong điều kiện mới giúp giáo viên dễ ứng dụng công nghệ thông tin.

Trường THCS Cốc San được sáp nhập về thành phố Lào Cai từ tháng 3/2020. Là một trong những trường thuộc vùng ven thành phố, thời điểm mới sáp nhập, nhà trường gặp nhiều khó khăn. Đa số đồ dùng, thiết bị đã cũ, hỏng, không sử dụng được. Do diện tích còn hẹp nên trường không có khu sân chơi, bãi tập để học sinh tập luyện thể thao. Một số phòng chức năng và phòng bộ môn chưa có. Số lượng giáo viên giảng dạy còn thiếu về cơ cấu bộ môn. Chất lượng giáo dục thường nằm ở nhóm dưới so với các trường học trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, với nỗ lực vượt khó của thầy và trò nhà trường, sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đến nay, Trường THCS Cốc San đã trở thành điểm sáng giáo dục ở vùng ven thành phố. Năm học 2020 - 2021, nhà trường có 1 học sinh lớp 9 đoạt giải Nhì môn Ngữ văn cấp tỉnh và thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Lào Cai. Năm học 2021 - 2022 có 1 học sinh lớp 9 đoạt giải Nhất môn Ngữ văn cấp tỉnh và được tuyển thẳng vào Trường THPT Chuyên Lào Cai.

Cở sở vật chất được đầu tư khang trang giúp chất lượng giáo dục nâng lên.

Cở sở vật chất được đầu tư khang trang giúp chất lượng giáo dục nâng lên.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường THCS Cốc San cho biết: Nhà trường đã nghiên cứu xây dựng kế hoạch, đề ra bước tiến để rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục so với các trường trung tâm thành phố. Đặc biệt, năm học 2022 - 2023, trường với vai trò cụm trưởng Cụm thi đua số 3 đã nhận được sự đồng thuận của 8 trường trong cụm cùng thực hiện những nhiệm vụ giáo dục chung của ngành và nhiệm vụ đặc thù của cụm, thường xuyên trao đổi, thảo luận, giúp đỡ lẫn nhau.

Bà Trần Thị Thùy Dung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai cho rằng, một trong những thành quả lớn nhất mà ngành giáo dục và đào tạo thành phố Lào Cai gặt hái được trong chiến lược đổi mới toàn diện và sâu rộng hệ thống giáo dục vùng ven là nâng cao trình độ của giáo viên đạt chuẩn, từ đó chất lượng giáo dục “mũi nhọn” có chuyển biến rõ. Trong đó, một số trường vùng ven có sự tiến bộ vượt bậc trong các cuộc thi, sân chơi quốc gia, quốc tế.

Xóa bỏ dần khoảng cách giáo dục giữa vùng ven và trung tâm thành phố là một trong những mục tiêu luôn được ngành giáo dục và đào tạo thành phố ưu tiên. Các xã, phường vùng cao, vùng ven được quan tâm. Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND thành phố điều tiết nguồn ngân sách ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các trường vùng ven.

Trong năm 2022, tất cả phòng học trên địa bàn thành phố được xây dựng kiên cố và đảm bảo đủ 1 phòng học/lớp theo quy mô hiện tại; 100% trường học có kết nối băng thông rộng cáp quang; các điểm trường lẻ được kết nối internet; giáo viên các cấp đều biết sử dụng các phần mềm trình chiếu trong giảng dạy, công tác…

Tính đến hết tháng 11/2022, thành phố có 22/58 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (chiếm 38%), duy trì 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia.

Những tiết học kết nối góp phần kéo gần khoảng cách giáo dục giữa vùng ven và trung tâm thành phố.

Những tiết học kết nối góp phần kéo gần khoảng cách giáo dục giữa vùng ven và trung tâm thành phố.

Theo bà Trần Thị Thùy Dung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai, để nâng cao chất lượng dạy học ở các trường vùng ven, ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã triển khai nhiều biện pháp như tổ chức hội thảo chuyên đề; tăng cường bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn ngắn hạn về chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên; xây dựng kho học liệu số, khuyến khích giáo viên phát huy năng lực tự nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, công tác...

Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã xây dựng bộ khung năng lực cán bộ quản lý các trường mầm non, phổ thông, dựa vào đó để các đơn vị chủ động xây dựng nội dung tự hoàn thiện.

Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND thành phố điều tiết nguồn ngân sách ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các trường vùng ven.

Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND thành phố điều tiết nguồn ngân sách ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các trường vùng ven.

Đưa giáo dục vùng ven gần hơn với giáo dục khu vực trung tâm thành phố còn được cụ thể hóa bằng các phong trào “Trường giúp trường”, “Phòng giúp phòng”, “3 - 2 - 1”...

Mục tiêu của các phong trào là kêu gọi các trường ở nơi thuận lợi chia sẻ, hỗ trợ về chuyên môn cũng như cải thiện điều kiện dạy học về cơ sở vật chất, giúp các trường ở vùng khó khăn nâng chất lượng bền vững, toàn diện hơn. Nhiều trường vùng ven được bổ sung cán bộ quản lý có năng lực, kinh nghiệm. Những trường thiếu giáo viên theo cơ cấu môn chuyên biệt được bố trí giáo viên tăng cường.

Với sự quan tâm của hệ thống chính trị và nỗ lực từ các trường, ngành giáo dục và đào tạo thành phố kỳ vọng đạt mục tiêu rút ngắn khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364871-dau-tu-nang-cao-chat-luong-cho-giao-duc-vung-ven