Đầu tư nâng cao điều kiện cơ sở vật chất cho thể thao thành tích cao
Tăng cường, nâng cao điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ cho các huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) trong công tác tập luyện và thi đấu, được xác định là chìa khóa đem đến những kết quả tích cực cho thể thao thành tích cao Thanh Hóa trong giai đoạn 2024-2025.
Lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh kiểm tra điều kiện tập luyện và thăm, động viên đội tuyển Judo chuẩn bị tham gia các giải đấu lớn năm 2024.
Trong hơn 2 năm qua, đội tuyển điền kinh Thanh Hóa đã được tập luyện hàng ngày trong điều kiện tốt hơn khi đường piste sân vận động tỉnh được thay mới, hiện đại. Chất lượng các buổi tập của đội tuyển được nâng lên rõ rệt, nhất là đối với tuyến VĐV năng khiếu và VĐV trẻ. Đường chạy chất lượng đã góp phần giúp các VĐV không ngừng cải thiện về thành tích, nhất là ở các cự ly chạy thế mạnh của Thanh Hóa như 100m, 200m, 400m, 400m vượt rào, 800m, 1.500m, các nội dung chạy tiếp sức. Bên cạnh đó, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh cũng đã mua sắm trang thiết bị mới cho các VĐV ở các nội dung nhảy cao, nhảy xa, chạy 3.000m vượt chướng ngại vật, đặc biệt là nội dung nhảy sào nữ.
Những yếu tố nói trên đã giúp đội tuyển điền kinh Thanh Hóa cải thiện rõ rệt công tác huấn luyện, đào tạo VĐV hàng ngày. Nhờ đó, trong 3 năm qua, đội tuyển điền kinh Thanh Hóa thường xuyên góp mặt trong top 3 tại giải trẻ quốc gia.
Là bộ môn thể thao Olympic, những năm qua, đội tuyển xe đạp Thanh Hóa đã không ngừng tiến bộ khi giành được nhiều thành tích nổi bật tại giải trẻ và giải vô địch quốc gia cả ở nội dung địa hình và đường trường với lứa VĐV tài năng như Nguyễn Văn Lãm, Lê Thị Huyền, Trần Thị Mai... Để có được thành tích nói trên, đội tuyển xe đạp Thanh Hóa không chỉ phải nỗ lực hết mình về chuyên môn, còn phải vượt qua khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất. Toàn đội hiện có hơn 10 chiếc xe đạp, trong đó phần lớn đã cũ, chỉ có 1 chiếc xe đạp địa hình mới được mua vào năm 2022 để phục vụ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Trên thực tế, đã có không ít lần đội tuyển xe đạp Thanh Hóa phải mượn xe để thi đấu. Thầy trò đội tuyển xe đạp Thanh Hóa còn kiêm luôn thợ sửa xe khi chưa có xe mới. Trước những khó khăn trên, đội tuyển xe đạp Thanh Hóa đã linh hoạt, vượt khó khi mua thêm những chiếc xe đạp từ nguồn xã hội hóa để tham gia các giải đấu như HTV Cup, Cúp xe đạp nữ Bình Dương, giải trẻ quốc gia, giải vô địch quốc gia ở cả nội dung đường trường và địa hình để đem về thành tích cao cho tỉnh nhà.
Trong khi đó, các sàn tập của các bộ môn võ thuật đã được Trung tâm Huấn luyện bố trí, sắp xếp lại song song với việc tiến hành sửa chữa, nâng cấp tòa nhà chính. Cùng với việc đầu tư mua thảm tập mới, các đội tuyển vovinam, karate, teakwondo, judo, pencak silat, vật... đã có nơi tập tốt hơn so với trước kia. Điều này đã giúp ban huấn luyện và VĐV các đội tuyển yên tâm, nỗ lực cao nhất trong tập luyện, thi đấu. Một số bộ môn khác như cử tạ, cầu mây, bóng chuyền nữ đang từng bước được cải thiện, nâng cao điều kiện tập luyện. Dù vậy, vẫn còn đó nhiều bộ môn khó khăn về cơ sở vật chất, điển hình là bơi và lặn. Hai đội tuyển này hiện vẫn phải tập luyện tại bể bơi thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh đã có tuổi đời hơn 40 năm. Bể bơi không đạt chuẩn đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng công tác tập luyện và thi đấu. Ngoài ra, đội tuyển bắn súng vẫn thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu đạn, đội tuyển đấu kiếm phải mượn kiếm...
Nhìn một cách tổng thể, Thanh Hóa hiện có 31 bộ môn với gần 700 VĐV, tuy vậy điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thể thao thành tích cao xuống cấp, lạc hậu so với yêu cầu hiện nay.
Để phát huy tiềm năng, yếu tố con người và thành tích đã đạt được, tận dụng các điều kiện thuận lợi, khắc phục các khó khăn, tồn tại đối với thể thao thành tích cao, thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu cho tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm dụng cụ, trang thiết bị thể thao thành tích cao đạt tiêu chuẩn, hiện đại; mua sắm phương tiện chăm sóc sức khỏe, hồi phục thể lực cho các VĐV.
Đối với các công trình lớn như Nhà thi đấu TDTT tỉnh, bể bơi thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh và một số hạng mục khác, ngành sẽ có đề xuất sửa chữa, nâng cấp. Với các VĐV tài năng, ngành sẽ có cơ chế hỗ trợ đặc biệt về trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, thi đấu, tạo điều kiện tốt nhất để tham gia đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia, được tập huấn tại các trung tâm huấn luyện quốc gia và các địa điểm khác trong nước có cơ sở vật chất tốt hơn.