Đầu tư nhân lực kỹ thuật số

Chuyển đổi số đang là điều bắt buộc với các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Nhật Bản. Để tận dụng triệt để các công nghệ liên quan và kinh doanh hiệu quả, sáng tạo hơn, Nhật Bản đang ưu tiên phát triển thêm 'lực lượng lao động số' thông thạo phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kế hoạch đào tạo kỹ thuật số cho sinh viên và người lao động, nhằm bổ sung khoảng 110.000 người thành thạo lĩnh vực kỹ thuật số đến năm tài chính 2024. Đây cũng là thời điểm nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo. Ước tính, hiện nay có khoảng 1 triệu lao động kỹ thuật số tại Nhật Bản. Chính phủ dự đoán sẽ thiếu 2,3 triệu người vào năm tài chính 2026.

Các mục tiêu được đặt ra nằm trong kế hoạch hành động của Thủ tướng Fumio Kishida, nhằm đảm bảo tổng cộng 3,3 triệu lao động kỹ thuật số vào cuối năm tài chính 2026, trong số lực lượng lao động 68 triệu người.

Đầu tư nhân lực, trong đó có nhân lực kỹ thuật số, là một trụ cột chính của chính sách cơ bản về cải cách và quản lý kinh tế và tài khóa của Chính phủ Nhật Bản. Chính phủ hy vọng các trường cao đẳng kỹ thuật và trường dạy nghề sẽ đóng vai trò cốt lõi nền tảng để phát triển lực lượng lao động kỹ thuật số, song song với các trường đại học.

Theo đó, Nhật Bản sẽ khuyến khích mở các khóa học dạy kiến thức và kỹ năng cần thiết; xem xét cho phép các công ty cử chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy trực tiếp. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ sẽ nỗ lực phát triển lực lượng lao động kỹ thuật số thông qua hợp tác giữa các công ty và trường đại học. Chính phủ cũng vạch ra các kế hoạch hỗ trợ đào tạo lại kỹ năng cho những ai đang làm việc muốn chuyển sang lĩnh vực kỹ thuật số.

Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ dành 450 triệu USD để nâng cấp 51 trường cao đẳng kỹ thuật nhà nước. Các quỹ này sẽ giúp thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực công nghệ. Tuy nhiên, vì chỉ có 57 trường cao đẳng kỹ thuật (cả công lập và tư nhân), nên Nhật Bản sẽ sử dụng khoảng 2.700 trường dạy nghề và chuyên nghiệp của quốc gia đang ưu tiên giáo dục kỹ thuật số.

Kế hoạch được triển khai trong bối cảnh Nhật Bản đang tụt hạng trong cuộc cạnh tranh kỹ thuật số toàn cầu. Trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh kỹ thuật số thế giới năm 2022 do Viện Phát triển Quản lý (IMD) của Thụy Sĩ công bố, Nhật Bản đứng thứ 29/63 nền kinh tế, trượt một bậc so với năm 2021, xuống vị trí thấp nhất kể từ khi có bảng xếp hạng này năm 2017. Bảng xếp hạng đánh giá một nền kinh tế dựa trên kiến thức, công nghệ và tính sẵn sàng trong tương lai. Nhật Bản bị thiệt hại nhiều nhất ở hạng mục tri thức kỹ thuật số.

Trong khi đó, số liệu nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Forrester (Mỹ) cho thấy, hơn 25% doanh nghiệp Nhật Bản đang trì hoãn quá trình chuyển đổi số, gần 10% doanh nghiệp hoàn toàn không áp dụng chuyển đổi số. Con số này cao hơn so với các quốc gia khác, như Malaysia chỉ có 2% số doanh nghiệp không áp dụng chuyển đổi số và Indonesia chỉ có 1% số doanh nghiệp không áp dụng chuyển đổi số.

PHƯƠNG NAM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dau-tu-nhan-luc-ky-thuat-so-post699769.html