Đầu tư nhanh hạ tầng logistics để 'đánh thức' biển ĐBSCL

Kinh tế biển đang là động lực phát triển của các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cả ba mũi nhọn du lịch, nuôi biển và cảng biển của vùng chỉ phát triển mạnh được khi hạ tầng giao thông và logistics được đầu tư đúng mức.

Sau sáp nhập, ĐBSCL giảm từ 13 xuống còn 5 địa phương, gồm An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp và Vĩnh Long (tỉnh Long An nhập vào Tây Ninh thành tỉnh Tây Ninh mới thuộc vùng Đông Nam bộ) và tất cả đều tiếp giáp biển.

Nuôi biển và du lịch là "điểm sáng" kinh tế biển ở ĐBSCL. Trong ảnh là một góc Phú Quốc. Ảnh: K.A

Nuôi biển và du lịch là "điểm sáng" kinh tế biển ở ĐBSCL. Trong ảnh là một góc Phú Quốc. Ảnh: K.A

Điểm sáng từ nuôi biển và du lịch

Với hơn 700 km đường bờ biển, khu vực ĐBSCL có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế biển, trong đó, du lịch và nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển) có thể xem là những điểm sáng quan trọng.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết sản lượng khai thác và nuôi biển cả nước năm 2024 đạt 9,6 triệu tấn, trong đó, nuôi đạt 5,8 triệu tấn; kim ngạch xuất đạt 10,7 tỉ đô la Mỹ năm 2024 và kỳ vọng đạt 11 tỉ đô la Mỹ năm 2025.

Chiến lược ngành thủy sản Việt Nam là giảm khai thác, tăng nuôi trồng, trong đó, giai đoạn 2015-2024, tốc độ tăng trưởng nuôi đạt khá tốt và hiện chiếm khoảng 60% tổng sản lượng thủy sản cả nước. “Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 thế giới về sản lượng thủy sản nuôi và thứ ba thế giới về xuất khẩu thủy sản”, ông Luân dẫn chứng.

Riêng với ĐBSCL, xuất khẩu chiếm 70% tổng giá trị kim ngạch cả nước; chiếm 85% sản lượng tôm và 71% sản lượng cá nuôi cả nước. Cả nuôi và khai thác, ĐBSCL chiếm 56% sản lượng cả nước, trong đó sản lượng khai thác là 35%, con số này cho thấy vai trò của ĐBSCL là rất lớn.

Trong khi đó, ở khía cạnh du lịch biển, tỉnh An Giang mới (sáp nhập giữa Kiên Giang và An Giang) và đặc khu Phú Quốc (trước đây là thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang) là điểm sáng về thu hút khách du lịch ở ĐBSCL.

Tại tọa đàm “Phát triển kinh tế biển - động lực mới cho phát triển bền vững ĐBSCL” diễn ra theo hình thức trực tuyến mới đây, ông Phạm Đức Huy, Phó tổng giám đốc Sun Group miền Nam, cho biết nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đặt mục tiêu du lịch đóng góp 15-17% GDP của cả nước, trong đó, Phú Quốc là điểm sáng du lịch biển của ĐBSCL và Việt Nam.

Theo ông Huy, ngoài việc được xếp loại là đảo đẹp đứng thứ hai thế giới, thì chính sách miễn visa 30 ngày cho khách du lịch quốc tế cùng với khí hậu ôn hòa (200 ngày nắng/năm) là những lợi thế giúp Phú Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn. Năm 2024 Phú Quốc đón gần 6 triệu lượt khách du lịch và mục tiêu năm 2025 đón 7 triệu lượt khách, tăng khoảng 17% so với 2024.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, cho biết tỉnh Kiên Giang cũ thu hút được 42 triệu lượt khách trong giai đoạn từ 2019 đến nay, trong đó, có khoảng 2,55 triệu lượt khách quốc tế chiếm 6% tổng lượng khách đến địa phương, doanh thu từ du lịch đạt 82.800 tỉ đồng.

ĐBSCL cần phát triển cảng biển quốc tế để phát huy hạ tầng đang dần đồng bộ. Trong ảnh là vị trí dự kiến xây dựng cảng Trần Đề, thành phố Cần Thơ (tỉnh Sóc Trăng cũ). Ảnh: CMB

ĐBSCL cần phát triển cảng biển quốc tế để phát huy hạ tầng đang dần đồng bộ. Trong ảnh là vị trí dự kiến xây dựng cảng Trần Đề, thành phố Cần Thơ (tỉnh Sóc Trăng cũ). Ảnh: CMB

Hàng xuất khẩu từ cảng biển ĐBSCL còn quá ít

Trong khi đó, ở khía cạnh phát triển cảng biển và dịch vụ logistics, các địa phương khu vực ĐBSCL có nhiều cơ hội để phát triển.

Bà Hà Thị Ngọc Oanh, Trưởng ban kiểm tra của Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA), nhấn mạnh sau sáp nhập 5 địa phương ĐBSCL có cơ hội rất lớn để phát triển hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics, trong đó, Trần Đề được quy hoạch là cảng biển quốc tế quy mô lớn ở ĐBSCL.

Điều quan trọng hơn, theo bà Oanh, hệ thống hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL đang dần hoàn thiện, tạo sự kết nối ngày càng đồng bộ giữa các địa phương trong vùng với nhau, kể cả giữa ĐBSCL với TPHCM và Đông Nam bộ.

Ngoài ra, hệ thống đường bộ ven biển đang và sẽ được xây dựng ở các địa phương cũng góp phần đồng bộ hạ tầng, tạo động lực phát triển cảng biển và dịch vụ logistics ở ĐBSCL. “Tuyến đường sắt từ TPHCM đi Cần Thơ được định hướng xây dựng cũng là điều kiện phát triển logistics cho ĐBSCL”, bà Oanh cho biết.

Trung ương quan tâm nhiều hơn cho ĐBSCL khi rót 86.000 tỉ đồng vốn ngân sách giai đoạn 2021-2025, trong đó, riêng vốn xây dựng đường cao tốc chiếm 20% tổng vốn đầu tư của cả nước là tín hiệu tích cực, tạo cơ hội phát triển ĐBSCL.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là phải cụ thể hóa quy hoạch cảng Trần Đề ở thành phố Cần Thơ (tỉnh Sóc Trăng cũ) để tận dụng hạ tầng đang hình thành, giúp hàng hóa ĐBSCL có thể xuất khẩu trực tiếp ra thế giới.

Rõ ràng, đến thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 10% trong tổng số 21-22 triệu tấn hàng hóa/năm của ĐBSCL xuất khẩu trực tiếp từ cảng biển của vùng này hay nói cách khác 90% hàng hóa ĐBSCL phải trung chuyển về TPHCM để xuất khẩu. Đây là nguyên nhân khiến hàng hóa của vùng kém cạnh tranh do chi phí logistics cao.

Những gợi ý “đánh thức” biển ĐBSCL

Vấn đề đặt ra, đó là các địa phương ĐBSCL cần phải làm gì để khai thác hiệu quả hơn lợi thế vị trí địa lý cũng như sự quan tâm đầu tư của Chính phủ dành cho ĐBSCL?

Bà Oanh của VALOMA, cho biết ĐBSCL hiện có 1.461 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực logistics, chiếm 4,4% tổng số doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này của cả nước.

“Đối với logistics quốc tế, cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động, trong khi ĐBSCL gần như chưa có”, bà nêu thực trạng và gợi ý, tổ chức hệ thống logistics đáp ứng yêu cầu kết nối quốc tế, trong đó, đầu tư cảng Trần Đề cần ưu tiên để về đích đúng hoặc sớm hơn so với thời gian quy hoạch.

Dĩ nhiên, muốn hiện thực hóa cảng biển cho ĐBSCL, vấn đề vốn ngân sách Trung ương đầu tư vào cần phải tỉnh đến. Bởi lẽ, kinh nghiệm thành công của những dự án quy mô lớn tương tự đều có sự tham gia một phần vốn ngân sách, bên cạnh vốn tư nhân.

Ngoài cảng biển, phải nghiên cứu hình thành thêm các trung tâm logistics nhằm thu gom, trung chuyển hàng hóa về cảng đầu mối, giúp hoàn thiện chuỗi logistics của ĐBSCL cũng như tận dụng được hệ thống hạ tầng giao thông đang hình thành.

Trong khi đó, một trong những “nút thắt” của du lịch biển được ông Huy lưu ý tháo gỡ, đó là nhanh chóng mở rộng sân bay Phú Quốc, bởi công suất thiết kế 4 triệu khách/năm, trong khi năm ngoái sân bay này đã đón 5,5 triệu lượt khách và dự kiến đón 7 triệu lượt khách năm 2025.

Ông Luân của Cục Thủy sản và Kiểm ngư, gợi ý cần thay đổi công nghệ bảo quản để đảm bảo nguyên tắc “bắt ít nhưng giá trị cao, còn hơn bắt nhiều mà giá trị thấp”.

Đối với nuôi biển, cần sớm hoàn thiện quy định giao mặt nước cho người nuôi theo đúng quy định của pháp luật để tạo cơ hội phát triển. “Hiện nay, có rất nhiều chỗ đang tự phát nên không quản lý được, rủi ro với người nuôi là rất lớn”, ông Luân nói.

Liên quan đến hoạt động nuôi biển, ông Đặng Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, gợi ý nên tận dụng tiềm năng năng lượng tái tạo ở ĐBSCL để phát triển các dự án điện, nhất là điện mặt trời phục vụ phát triển thủy sản. Bởi lẽ, đây là nguồn năng lượng có giá rẻ hơn so với giá mua trực tiếp từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

PGS-TS Nguyễn Nguyên Minh đến từ Tổ chức CSIRO (Úc), lưu ý việc phát triển kinh tế biển của các địa phương phải tính đến chuyện phát triển cân bằng nhằm tránh gây ra các mối nguy ô nhiễm cho môi trường biển.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dau-tu-nhanh-ha-tang-logistics-de-danh-thuc-bien-dbscl/