Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục: Thị trường rộng mở, nhưng không dễ dàng

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, với quan điểm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tận dụng cơ hội này để mở cơ sở giáo dục tại Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ cơ hội mở cơ sở giáo dục tại Việt Nam

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ cơ hội mở cơ sở giáo dục tại Việt Nam

Quy định chặt chẽ

Trên cơ sở Nghị quyết số 29, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác song phương, đa phương (FTAs) về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo với các nước như Vương quốc Anh, Trung Quốc, Brazil…, mở ra cơ hội lớn cho nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục.

Trong vòng hơn 10 năm, tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực giáo dục nói chung đã đạt trên 4,57 tỷ USD, với khoảng 430 chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài được triển khai tại 65 cơ sở giáo dục đại học trong nước và 5 cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, gồm: Đại học RMIT Việt Nam, Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV), Đại học Mỹ tại Việt Nam (AUV), Fulbright Việt Nam, Y khoa Tokyo Việt Nam.

Các cơ sở này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đầu tư giáo dục đại học do một số lợi thế về điều kiện, chính sách thực hiện đối với phân khúc giáo dục đại học so với các phân khúc giáo dục phổ thông, mầm non và một số phân khúc khác.

Chính phủ đang đưa ra những chính sách cải tổ mạnh mẽ không chỉ về cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, mà còn tập trung cho các lĩnh vực phát triển, trong đó có giáo dục, đòi hỏi nhà đầu tư cần nâng cao năng lực đáp ứng các điều kiện, đồng thời cần có sức bền lâu dài của các nguồn lực thì mới có thể gặt hái được thành công.

Về khung pháp lý quốc gia (ngoài những FTAs nêu trên), Việt Nam đã cơ bản đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, từ luật hóa đến các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể, Luật Giáo dục năm 2019 dành một mục riêng với 4 điều quy định hợp tác quốc tế về giáo dục, trên cơ sở đó là các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định số 86/2018/NĐ-CP (Nghị định 86) và Nghị định số 124/2024/NĐ-CP (Nghị định 124) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86.

Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội không phải dễ. Các nhà đầu tư phải đối mặt với không ít thách thức của sự chặt chẽ trong trình tự, thủ tục để đưa một dự án giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Đó là việc phải tuân thủ quy trình đầu tư được điều chỉnh bởi nhiều luật, với ít nhất 4 bước, từ thủ tục đáp ứng các điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký đầu tư dự án theo quy định pháp luật về đầu tư, đăng ký doanh nghiệp thực hiện dự án theo quy định pháp luật doanh nghiệp; tiếp đó thực hiện thủ tục xin cấp phép thành lập cơ sở giáo dục đào tạo và xin cấp giấy phép hoạt động giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành, chưa kể đến các thủ tục công nhận Hiệu trưởng, Hội đồng trường và chương trình giáo dục mà cơ sở giáo dục phải đáp ứng.

Ngoài thủ tục, các chi phí về cơ sở vật chất, vốn đầu tư, thời gian thực hiện cũng là thách thức lớn với nhà đầu tư liên quan đến việc thành lập cơ sở giáo dục, đặc biệt là những chi phí, điều kiện, thủ tục cho việc có được một địa điểm phù hợp quy hoạch và các điều kiện về cơ sở vật chất đáp ứng mục tiêu giáo dục. Tại Nghị định 124 hiện hành, chi phí vốn đầu tư theo quy định đối với việc thành lập một phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam tối thiểu là 500 tỷ đồng, không bao gồm các chi phí sử dụng đất, tăng gấp đôi so với mức quy định tại Nghị định 86.

Đồng thời, bổ sung yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài phải được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, thuộc nhóm 500 cơ sở giáo dục đại học được xếp thứ hạng cao nhất trong các bảng xếp hạng cơ sở giáo dục đại học có uy tín trên thế giới của một trong 3 năm gần nhất.

Có thể thấy, về góc độ chính sách, Việt Nam có chủ trương mở cửa đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc thành lập các phân hiệu cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam, nhưng đi kèm với mong muốn thu hút đầu tư là sự thắt chặt các yêu cầu, điều kiện cơ bản về cơ sở vật chất, vốn đầu tư và chất lượng cơ sở giáo dục mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị thị trường giáo dục Việt Nam.

Chuyển dịch phương thức đầu tư

Thời gian gần đây, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực giáo dục của các nhà đầu tư nước ngoài đã có sự chuyển dịch. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài chuyển hướng dòng chảy sang M&A (mua bán - sáp nhập) với các đối tượng giao dịch được tập trung chủ yếu gồm các trung tâm đào tạo ngôn ngữ, điển hình là những thương vụ thành công như startup Edtech VUIHOC đầu tư chiến lược vào chuỗi trung tâm đào tạo The IELTS Workshop; Quỹ đầu tư Baring Private Equity Asia (BPEA) đầu tư trực tiếp vào Trung tâm Anh ngữ VUS và nắm quyền kiểm soát tại đây; các trường quốc tế với thương vụ đầu tư của Nutifood vào chuỗi Trường quốc tế Anne Hill…

Các chuyên gia đầu ngành giáo dục và M&A có cùng quan điểm rằng, với định hướng và chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài mạnh mẽ vào giáo dục, song hành với quy định không hạn chế tỷ lệ phần trăm sở hữu vốn đầu tư vào các cơ sở giáo dục của nhà đầu tư nước ngoài, thị trường M&A trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục trở nên hấp dẫn. Với xu hướng phát triển tất yếu của công nghệ, các doanh nghiệp, startup EdTech (công nghệ giáo dục) tại Việt Nam sẽ tiếp tục là tiêu điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia rót vốn đầu tư, góp mặt trên thị trường giáo dục.

Cũng lưu ý các nhà đầu tư nước ngoài cẩn trọng, theo khung pháp lý hiện hành của Việt Nam hiện nay, phương thức M&A chưa thực sự có quy định rõ ràng, cụ thể đối với thủ tục chuyển nhượng vốn 100% giữa chủ đầu tư trong nước cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc ngược lại, do đó, việc thực hiện các thủ tục cho việc chuyển giao chủ thể, điều chỉnh các giấy tờ pháp lý, giấy phép hoạt động của cơ sở giáo dục khi có nhà đầu tư mới tham gia, có thể phát sinh vấn đề pháp lý cần nhiều thời gian, chi phí để xử lý như đổi tên trường, thay đổi và công nhận Hội đồng trường mới, công nhận Hiệu trưởng là người nước ngoài...

Sức nóng của lĩnh vực giáo dục Việt Nam đang lan tỏa không chỉ với nhà đầu tư nước ngoài, mà các nhà đầu tư trong nước cũng ưu tiên lựa chọn giải pháp M&A để giảm bớt thủ tục, điều kiện để có thể sớm tham gia thị trường giáo dục, cho thấy trong tương lai, lĩnh vực giáo dục vẫn là thị trường đầu tư hấp dẫn và không kém phần cạnh tranh gay gắt giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước.n

(*) Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Việt Ấn

Dương Thị Mai Hoa(*)

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dau-tu-nuoc-ngoai-vao-linh-vuc-giao-duc-thi-truong-rong-mo-nhung-khong-de-dang-d261907.html