Đầu tư nước sạch cho vùng nông thôn
Hiện nay, nhiều khu vực dân cư tại các huyện, thành phố trong tỉnh chưa có nước sạch sinh hoạt. Nguyên nhân là do thiếu công trình nước sạch hoặc công trình bị hư hỏng.
Ưu tiên đầu tư nước sạch cho vùng nông thôn hiện nay không chỉ đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao của tỉnh, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm.
* Nhiều khu vực “khát” nước sạch
Ấp 6, xã Tam An được chọn làm điểm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu của H.Long Thành. Nhiều công trình hạ tầng như: đường giao thông, đường điện, hệ thống mương thoát nước mưa đã được triển khai. Thế nhưng, mối quan tâm lớn của người dân là nước sạch chưa biết khi nào có.
Trong kế hoạch đầu tư công năm 2020, tỉnh dành 239 tỷ đồng để triển khai 7 dự án cấp nước sạch cho các huyện: Cẩm Mỹ, Định Quán, Vĩnh Cửu, Tân Phú và TP.Long Khánh. Trong năm 2020 sẽ triển khai 3 dự án và thời gian hoàn thành dự kiến từ 3-5 năm.
Ông Nguyễn Ngọc Lan, ấp 6, xã Tam An phản ảnh, tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô ở địa phương đã diễn ra nhiều năm nay. Các hộ dân rất muốn được cung cấp nước sạch và đã gửi đơn đăng ký cấp nước nhiều lần nhưng chưa được đáp ứng.
Nhiều năm qua, H.Cẩm Mỹ luôn là “tâm điểm” của tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt vào mùa khô. Ông Chế Văn Thành, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng H.Cẩm Mỹ cho biết, nguồn nước ngầm cạn kiệt, các hồ chứa nước nằm cách xa khu dân cư tập trung khiến chi phí đầu tư cao là lý do khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư công trình nước sạch sinh hoạt cho người dân.
“Bất cập hiện nay của địa phương là mặc dù có 5 công trình thủy lợi khai thác nước sinh hoạt đóng chân trên địa bàn nhưng chỉ có 3 công trình quy mô nhỏ đang phục vụ nước sạch cho huyện. Công trình thủy lợi lớn nhất là hồ Sông Ray do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khai thác và quản lý, công trình thủy lợi hồ Cầu Mới do Công ty CP Cấp nước hồ Cầu Mới khai thác và quản lý đang cấp nước sản xuất công nghiệp và sinh hoạt cho 2 huyện là Long Thành và Nhơn Trạch. Các công trình này đều chưa khai thác hết công suất nhưng rất khó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nước sạch cho người dân địa phương. Lý do là cao độ lớn và thói quen, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân chưa nhiều” - ông Thành cho hay.
Nhiều người dân ở xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) phản ảnh là họ ở rất gần Nhà máy Nước Thiện Tân (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) nhưng đến nay vẫn không được cấp nước sạch. Việc không có nước sạch sinh hoạt dẫn đến tình trạng khoan giếng tràn lan vào mùa khô, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Tại một số địa phương thuộc các huyện: Tân Phú, Định Quán, Nhơn Trạch, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh cũng chưa có nước sạch. “Chúng tôi ở sát khu công nghiệp, sử dụng nước giếng khoan sợ bệnh tật nhưng không còn cách nào khác. Chúng tôi mong sớm có nước sạch để sử dụng” - bà Nguyễn Thị Yến, KP.Long Đức 1, P.Tam Phước, TP.Biên Hòa chia sẻ.
* Giải pháp nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch cho nông thôn
Theo ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có 85 công trình cấp nước sạch ở vùng nông thôn với tổng công suất thiết kế hơn 21,7 ngàn m3/ngày đêm. Công suất khai thác thực tế là 24,1 ngàn m3/ngày đêm, đạt khoảng 56,5%. Hiện khoảng 78% dân số được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn QC02 của Bộ Y tế nhưng chỉ có khoảng 12% dân số sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung, còn lại là sử dụng nước giếng khoan, giếng đào hợp vệ sinh; sử dụng thiết bị lọc nước hộ gia đình.
Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương ưu tiên vốn đầu tư, nâng cấp các công trình cấp nước sạch tập trung; quản lý chặt hoạt động khai thác nước ngầm; vận động xã hội hóa đầu tư nước sạch; yêu cầu các đơn vị cung cấp nước sạch cho đô thị và sản xuất công nghiệp đầu tư thêm tuyến nhánh cấp nước cho các khu vực dân cư lân cận. Đây là các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch vùng nông thôn.
Khó khăn hiện nay là các công trình nước sạch có nguồn vốn từ chương trình 134 và 135 đã xuống cấp hoặc ngừng hoạt động, một số công trình thu không đủ chi sửa chữa nên chất lượng nước không đảm bảo; một số dự án nước sạch nông thôn dùng vốn ngân sách chậm tiến độ do điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh vốn; nhiều dự án vốn xã hội hóa chưa phát huy được hiệu quả do thói quen và nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nông thôn còn ít.
Trước tình trạng thiếu nước sạch ở một số vùng nông thôn, nhiều địa phương đã chủ động đầu tư các công trình cấp nước sạch cho người dân, trong đó ưu tiên các khu vực nông thôn, vùng có trữ lượng nước ngầm thấp.
Năm 2019, H.Định Quán đã đầu tư 3 công trình cấp nước với sản lượng thiết kế cho khoảng 1,3 ngàn hộ; trong năm 2020, huyện đầu tư thêm 3 dự án nước sạch để cung cấp nước cho khoảng 10 ngàn hộ dân. H.Cẩm Mỹ năm 2019 cũng đầu tư nâng cấp giếng khoan đảm bảo cung cấp nước sạch sinh hoạt cho khoảng 1,5 ngàn hộ dân, trong năm 2020 địa phương sẽ đầu tư thêm 3 công trình cấp nước sạch khác. Các địa phương khác cũng ưu tiên nguồn kinh phí đầu tư công trình nước sạch cho người dân.
Chia sẻ về vấn đề nước sạch sinh hoạt, ông Lê Văn Tiếp, Phó chủ tịch UBND H.Long Thành cho rằng, trên địa bàn huyện có 3 công trình cấp nước tập trung tại các xã: Bình Sơn, Bình An và Bàu Cạn. Tuy nhiên, công trình đã xuống cấp, chưa đạt hiệu quả do còn ít hộ dân sử dụng. Về phương án nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch nông thôn, ông Tiếp cho biết các phòng, ban của huyện đã làm việc với đơn vị cấp nước, đầu tư tuyến ống nhánh từ hệ thống nước sạch đô thị về các vùng nông thôn, huyện sẽ hỗ trợ 50% chi phí, người dân đóng góp 20% và vận động đơn vị cấp nước hỗ trợ 30%.