Đầu tư phát triển hạ tầng đi đôi với tổ chức giao thông
Trong bối cảnh lượng phương tiện cá nhân gia tăng một cách nhanh chóng, quỹ đất dành cho giao thông còn ít thì việc phát triển những dự án cấp bách, trọng điểm và tổ chức, phân luồng phương tiện hợp lý được xem là lời giải cho bài toán ùn tắc giao thông tại Hà Nội.
Nhiều tuyến đường trục chính, cửa ngõ ra vào Thủ đô thường xuyên ùn tắc đặc biệt vào dịp cuối tuần hay lễ Tết khi lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng cao. Ảnh: Quang Hùng
Tình trạng ùn tắc giao thông còn diễn biến phức tạp
Theo thống kê của liên ngành Giao thông vận tải và Công an TP.Hà Nội trong năm 2020, toàn Thành phố có 34 “điểm đen” thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Đến nay đã xóa được 8 điểm và hiện còn tồn tại 26 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm.
Đặc biệt vào dịp cuối tuần hay lễ Tết, lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng cao khiến các tuyến đường trên địa bàn Thành phố thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Các nhóm nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng ùn tắc giao thông như quá tải hệ thống hạ tầng, xung đột tại một số nút giao thông có mật độ cao, tiến độ một số dự án giao thông trọng điểm còn chậm so với yêu cầu, số lượng phương tiện gia tăng nhanh chóng.
Tỷ lệ đất đô thị dành cho giao thông tại Hà Nội còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu (theo yêu cầu, tỷ lệ này phải đạt từ 20% đến 26%). Hiện tốc độ tăng của ô tô khoảng 10,2%/năm, xe máy khoảng 6,7%/năm, vượt gấp nhiều lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng
Tại Hà Nội đang có tình trạng mất cân bằng giữa hai chiều lưu thông ra, vào trung tâm thành phố trong các khung giờ cao điểm sáng và chiều gây ra tình trạng ùn tắc trên các tuyến đường giao thông trục chính, cửa ngõ như đường Phạm Văn Đồng, Vành đai 3, Võ Chí Công,...
Bên cạnh đó, một số nhà xe, đơn vị kinh doanh vận tải vì lợi nhuận cố tình vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh; vô tư chạy “rùa bò”, dừng đỗ đón trả khách trên nhiều tuyến đường xung quanh khu vực các bến xe khách như Phạm Hùng, Giải Phóng, Nguyễn Xiển,...gây ra tình trạng mất trật tự, ùn tắc giao thông.
Ngoài ra tại nhiều tuyến đường phố của Hà Nội, ý thức của người dân còn chưa cao, nhiều vi phạm lấn chiếm hành lang giao thông để kinh doanh buôn bán; ô tô dừng, đỗ tùy tiện chiếm không gian lưu thông của các phương tiện.
Bác Long, một người dân sống tại quận Cầu Giấy bức xúc, tuyến đường Hoàng Quốc Việt vốn có rất đông các phương tiện lưu thông nhất là trong khung giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều. Nhưng nhiều ô tô vẫn vô tư dừng đỗ chiếm cả lòng đường, vỉa hè. Mặc dù đã có một số trường hợp bị xử lý tuy nhiên vi phạm vẫn diễn ra tràn lan.
Phát triển hạ tầng đi đôi với tổ chức giao thông hợp lý
Thông tin từ Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, để kéo giảm ùn tắc giao thông, Sở đã đề xuất UBND Thành phố một số nhóm giải pháp như xén hè mở rộng tối đa mặt đường, xây dựng cầu vượt tại một số nút giao thông quan trọng.
Nghiên cứu cho các phương tiện rẽ phải liên tục, cấm rẽ trái tại một số nút giao thông để hạn chế xung đột phương tiện. Bố trí lực lượng chức năng thường xuyên chốt trực để hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các vị trí có nguy cơ ùn tắc.
Phát triển hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại và phân luồng phương tiện hợp lý được xem là lời giải cho bài toán ùn tắc giao thông tại Hà Nội. Ảnh: Quang Hùng
Cùng với đó, liên ngành Giao thông vận tải và Công an TP.Hà Nội sẽ tiếp tục theo dõi, điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông theo lưu lượng phương tiện. Phân công rõ trách nhiệm của UBND cấp quận, phường và cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình ùn tắc để người dân chủ động việc di chuyển.
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, trong bối cảnh quỹ đất các quận trung tâm Hà Nội ngày càng cạn kiệt, việc tập trung vào xây dựng, phát triển các dự án hạ tầng giao thông mang tính đồng bộ, kết nối sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho vùng ven Thành phố.
Đồng thời đem lại nhiều tiềm năng phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại, giảm thiểu tình trạng quá tải và ùn tắc cho các quận “vùng lõi”. Sự tích hợp không gian đô thị và hạ tầng giao thông cần được xem xét ngay từ khi lên ý tưởng, lập quy hoạch.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, Hà Nội sẽ xây dựng mới 14 cầu qua sông Hồng và sông Đuống.
Đáng chú ý trong số này, Hà Nội dự kiến sẽ triển khai xây dựng tới 10 cây cầu lớn vượt sông Hồng gồm: Cầu Việt Trì - Ba Vì, cầu Vân Phúc, cầu Hồng Hà, cầu Thượng Cát, cầu Tứ Liên, cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở và cầu Phú Xuyên.
Ngoài ra quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 318km để kết nối với các đô thị vệ tinh và vùng ven.
Trước mắt Thành phố sẽ tập trung đưa vào khai thác 20km đường sắt trên cao và đẩy mạnh tiến độ thi công 4km, 4 ga ngầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Thực hiện được điều này sẽ tối ưu hóa các loại hình vận tải công cộng Metro với buýt thường, giúp giảm bớt phương tiện cá nhân, hạn chế ùn tắc giao thông.