Đầu tư PPP là giải pháp hiệu quả để phát triển hạ tầng
Đó là khẳng định của ông Ousmane Dione Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại buổi tọa đàm với chủ đề 'Phương thức đầu tư PPP – kinh nghiệm quốc tế và ý nghĩa chính sách đối với quản lý tài chính – ngân sách tại Việt Nam' được Bộ Tài chính phối hợp với WB tại Việt Nam tổ chức chiều ngày 15/01.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã tham dự và chủ trì buổi tọa đàm. Tham dự tọa đàm còn có đại diện Ủy ban Tài chính - ngân sách, Kinh tế, Pháp luật của Quốc hội, đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Giao thông vận tải (GTVT), UBND TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, đại diện các Vụ, Cục liên quan của Bộ Tài chính cùng đại diện các đối tác song phương tại Việt Nam như ADB, IMF, JICA…
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, chủ đề của buổi tọa đàm là một nội dung quan trọng, có liên quan đến việc quản lý tài chính, ngân sách của Chính phủ cũng như của Bộ Tài chính.
Thứ trưởng cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao chủ trì đầu tư xây dựng Luật đối tác công tư (PPP). Bản dự thảo đã được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Qua các ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến của các chuyên gia, các nhà kinh tế, Bộ Tài chính nhận thấy có một số vấn đề của Dự thảo Luật cần tiếp tục sửa đổi, nghiên cứu kỹ, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới.
Về vấn đề liên quan đến tài chính – ngân sách, Bộ Tài chính thấy rằng Dự thảo Luật đã kế thừa một số quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ, như các chính sách về hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dân tái định cư, công trình phụ trợ, góp vốn để hỗ trợ triển khai xây dựng công trình cùng các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Dự thảo luật có quy định mới về vấn đề cơ chế chia sẻ doanh thu. Những chính sách như vậy có tác động đến nghĩa vụ dự phòng của Ngân sách nhà nước, tuy nhiên, nghĩa vụ này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý nợ công năm 2017 và chưa được quy định rõ ràng, cụ thể trong Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
Thứ trưởng cho rằng, trường hợp phải sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, về nguyên tắc phải tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước và phải được Quốc hội phê duyệt. Chính vì vậy, để xây dựng Luật PPP cần phải xem xét, đánh giá một cách toàn diện và xem xét các văn bản pháp luật khác có liên quan chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi của Luật PPP.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Ousmane Dione Giám đốc WB tại Việt Nam cũng khẳng định ý nghĩa quan trọng của buổi tọa đàm. Theo ông Ousmane Dione, buổi tọa đàm được tổ chức vào thời điểm thích hợp khi mà Dự thảo Luật PPP đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Đây là luật nhận được sự trông đợi lớn từ Chính phủ tới các doanh nghiệp tư nhân. Mục tiêu của tọa đàm là tìm hiểu các cách thức để thể hiện một cách phù hợp, có ý nghĩa về chính sách về quản lý tài chính và tài khóa trong khuôn khổ PPP, giúp thúc đẩy tiến trình về phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược của Việt Nam.
Ông Ousmane Dione cho rằng, phương thức đầu tư PPP mang lại nhiều lợi ích khác nhau, nhưng vẫn còn nhiều thách thức khi triển khai; trong đó, rủi ro tài khóa là vấn đề quan trọng nhất, cần phải làm rõ. Bởi nhiều khi các bên hiểu đầu tư theo hình thức đối tác công tư là cách thức để có được cơ sở hạ tầng miễn phí, hay cách hiểu khác là cơ chế vượt qua thách thức về tài chính, công cụ để hiện thực hóa đầu tư công thường dành cho cơ sở hạ tầng lớn, công cộng…
Đồng thời, cần phải thống nhất rằng đầu tư theo hình thức đối tác công tư luôn luôn phát huy hiệu quả nếu như các bên đều sẵn sàng chấp nhận một số rủi ro. Bên cạnh đó, nếu Chính phủ đã chấp nhận rủi ro về tài khóa thì phải làm thế nào để đạt được sự cân bằng trong việc phân bổ rủi ro, giám sát và quản lý rủi ro phù hợp.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia của WB, ADB và Ernst&Young đã trình bày nhiều nội dung liên quan tới phương thức đầu tư PPP. Theo các chuyên gia, sử dụng phương thức đầu tư PPP được xem là giải pháp hiệu quả để phát triển hạ tầng cũng như trong các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao... trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn hẹp hiện nay.
Các chuyên gia cũng đã phân tích từng loại công cụ hỗ trợ, nhận diện đặc điểm, tác động về mặt tài chính, đề xuất cơ chế chính sách, gợi ý về vai trò của Bộ Tài chính trong từng công đoạn của PPP như: xây dựng danh mục, thẩm định, đấu thầu, ký kết, quản lý triển khai hợp đồng, chấm dứt hợp đồng… Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chia sẻ về các rủi ro doanh thu trong hợp đồng PPP và kinh nghiệm quốc tế để quản lý rủi ro tài khóa trong hợp đồng PPP.
Bộ Tài chính phối hợp với WB tổ chức tọa đàm chủ đề "Phương thức đầu tư PPP – kinh nghiệm quốc tế và ý nghĩa chính sách đối với quản lý tài chính – ngân sách tại Việt Nam" nhằm mục đích để có thêm thông tin về kinh nghiệm quốc tế trong việc thiết lập và thực thi cơ chế tài chính đối với dự án PPP. Đây là cơ hội tốt để các bên cùng nhau thảo luận, chia sẻ thêm kinh nghiệm quốc tế về cơ chế chia sẻ rủi ro và trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện dự án PPP, từ đó tiếp tục hoàn thiện Luật PPP để khi Luật ra đời đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch và có tính khả thi.