Đầu tư, quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn
Sáng 8-9, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang chủ trì buổi làm việc để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khắc phục hạn chế liên quan đến việc triển khai đầu tư, quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn năm 2023. Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 30 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn được đầu tư xây dựng, trong đó huyện Lâm Bình có 6 công trình, Na Hang 10 công trình, Chiêm Hóa 1 công trình, Hàm Yên 5 công trình, Yên Sơn 4 công trình, Sơn Dương 4 công trình. Các công trình được giao cho các đơn vị thuộc UBND cấp huyện làm chủ đầu tư (UBND xã, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện).
Đến ngày 5-9, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham gia ý kiến vào báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình cấp nước tập trung nông thôn đối với 22 công trình; không thực hiện lấy ý kiến 5 công trình và 3 công trình đang trong giai đoạn lập thủ tục hồ sơ, chưa hoàn thiện trình thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Đối với việc giao công trình cho các đơn vị khai thác, quản lý, đến nay UBND tỉnh đã có quyết định giao 19 công trình, trong đó Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tuyên Quang đã được tiếp nhận quản lý 5 công trình, đề xuất thanh lý 10 công trình, tiếp tục nhận bàn giao 2 công trình và 2 công trình còn lại sẽ đề xuất thực hiện sửa chữa, nâng cấp sau khi hoàn thành sẽ hoàn thiện thủ tục đề xuất giao theo quy định tại Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022.
Trong giai đoạn 2021-2022 có tổng cộng 21 công trình đã được Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất phương thức giao công trình gửi Sở Tài chính thẩm định nhưng chưa thực hiện được, trong đó UBND tỉnh đã tạm giao 14 công trình cho đơn vị quản lý, 7 công trình còn lại chưa được cấp có thẩm quyền giao hay tạm giao do UBND cấp xã đang trực tiếp quản lý.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phân tích làm rõ những tồn tại, hạn chế liên quan đến quản lý, sử dụng và khai thác cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh. Hiện nay một số công trình có quy mô nhỏ, công nghệ xử lý chưa phù hợp; chủ yếu giao cho UBND xã, thôn, bản quản lý nên việc quản lý vận hành duy tu, sửa chữa công trình; công trình được xây dựng nhưng hộ dân không sử dụng nước sạch hoặc tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch thấp; chưa phê duyệt giá nước…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang nhấn mạnh nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân ngày một tăng cao. Do đó, để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch trong giai đoạn phát triển mới, đồng thời phát huy hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước sạch nông thôn, đồng chí yêu cầu ngay sau buổi làm việc, các địa phương phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức đánh giá lại công tác quản lý, vận hành công trình cấp nước sạch nông thôn tại địa bàn quản lý; rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình vận hành cung cấp nước sạch của từng công trình, dự án để tổng hợp báo cáo chi tiết về UBND tỉnh làm cơ sở tham mưu cho lãnh đạo ban hành chính sách phù hợp với tình hình; tăng cường công tác kiểm tra về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, việc thực hiện các nội dung về nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị cấp nước trên địa bàn…Đồng chí yêu cầu các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh trong việc thực hiện chương trình.