Đầu tư trạm sạc xe điện - giàu tiềm năng nhưng có 'dễ ăn'?

Hệ thống trạm sạc xe điện công cộng hứa hẹn vào giai đoạn bùng nổ tại Việt Nam với sự tham gia của cả doanh nghiệp và tư nhân. Song đầu tư vào lĩnh vực này cần tính toán kỹ lưỡng.

Nếu như trước kia, mạng lưới trạm sạc xe điện chủ yếu được phát triển bởi V-Green nhằm phục vụ riêng cho xe điện VinFast, thì hiện nay, có thêm hàng loạt doanh nghiệp tham gia, bao gồm cả các tập đoàn sản xuất và phân phối ôtô như Thaco Auto, TMT Motors.

Được đánh giá giàu tiềm năng, cũng như sẽ mang lại giá trị gia tăng cho các mặt bằng sẵn có mô hình kinh doanh như nhà hàng, quán cafe... tuy nhiên đây có phải là lĩnh vực "dễ ăn" cho mọi nhà đầu tư?

Trạm sạc xe điện “trăm hoa đua nở”

Hiện tại, dẫn đầu về độ phủ trạm sạc tại Việt Nam vẫn là V-Green. Theo số liệu doanh nghiệp này công bố, tính đến hết tháng 3, đã có 150.000 cổng sạc trên toàn quốc, đạt mật độ cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Trong 3 năm tới, V-Green đặt mục tiêu nâng lên 500.000 cổng sạc, đồng thời cam kết đầu tư 10.000 tỷ đồng.

 V-Green hiện dẫn đầu về số lượng trạm sạc công cộng tại Việt Nam, tuy nhiên chỉ phục vụ xe điện VinFast. Ảnh: V-Green

V-Green hiện dẫn đầu về số lượng trạm sạc công cộng tại Việt Nam, tuy nhiên chỉ phục vụ xe điện VinFast. Ảnh: V-Green

Cuối tháng 4, TMT Motors, nhà phân phối xe điện Wuling, công bố kế hoạch phát triển 30.000 trạm sạc (tương đương 60.000 súng sạc) trên toàn quốc từ nay đến năm 2030.

Giai đoạn một lắp đặt ở các thành phố lớn và dọc theo tuyến giao thông trọng điểm. Giai đoạn hai mở rộng về các tỉnh thành, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Thaco Auto, nhà sản xuất và phân phối hàng loạt thương hiệu ôtô như Kia, Mazda, Peugeot, BMW, mới đây cũng cho biết đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng các trạm sạc nhanh DC, cũng như phối hợp với các đối tác để mở rộng mạng lưới trạm sạc mới.

Trong năm 2025, Thaco Auto có kế hoạch mở các trạm sạc tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Cần Thơ, Nha Trang và Vinh.

Charge+, nhà cung cấp giải pháp sạc xe điện có trụ sở tại Singapore, cũng đang tích cực phát triển mạng lưới trạm sạc tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Công ty này đặt mục tiêu lắp 5.000 điểm sạc tại Việt Nam vào năm 2030, và hợp tác với một số hãng xe như Porsche hay BYD để phát triển trạm sạc. Từ nay đến năm 2027, Porsche và Charge+ sẽ phát triển các điểm sạc nhanh (DC) tại 17 tỉnh, thành.

Bên cạnh đó, hiện còn có hàng loạt doanh nghiệp khác tham gia phát triển trạm sạc, dưới cả hình thức độc lập đầu tư và theo mô hình nhượng quyền, ví dụ như EV One, EverCharge, Eboost, SolarEV, EVG...

Bài toán đầu tư không dễ giải

Hiện tại, trạm sạc nhượng quyền là mô hình được nhiều doanh nghiệp và cá nhân lựa chọn, nhờ chính sách chia sẻ doanh thu được xem là hấp dẫn.

Theo tìm hiểu, nhà đầu tư trạm sạc nhượng quyền đang có mức chia sẻ doanh thu phổ biến là 750 đồng/kWh (1 số điện), áp dụng cho đối tác của V-Green.

 Trạm sạc xe điện tại một đại lý BYD ở Hà Nội, tương thích với nhiều thương hiệu ôtô. Ảnh: Tư Vũ

Trạm sạc xe điện tại một đại lý BYD ở Hà Nội, tương thích với nhiều thương hiệu ôtô. Ảnh: Tư Vũ

Một số doanh nghiệp khác đưa ra mức chia sẻ lợi nhuận riêng biệt dành cho hình thức hợp tác kinh doanh chung trạm sạc, và hợp tác dưới dạng cho thuê mặt bằng.

Ví dụ như EVG, sẽ chia sẻ doanh thu cho các bên bỏ tiền đầu tư xây dựng trạm sạc dựa trên tổng lượng điện tiêu thụ của toàn bộ hệ thống trạm sạc trên toàn quốc, với mức tính là 1.500 đồng/kWh. Mức đầu tư tối thiểu 30 triệu đồng.

Với hình thức cho thuê mặt bằng, chủ mặt bằng sẽ hưởng từ 300 - 600 đồng/kWh, tùy theo chất lượng và vị trí mặt bằng, cũng như mức độ đầu tư.

Theo nhân sự phụ trách phát triển trạm sạc của một doanh nghiệp sở hữu nhiều đại lý ôtô chính hãng, mô hình hợp tác làm trạm sạc giúp tiết kiệm chi phí đầu tư.

Nếu mặt bằng đã có sẵn nhà hàng, quán cafe, siêu thị, trạm sạc sẽ là tiện ích tăng cường dành cho khách hàng, cũng như tạo thêm nguồn thu.

Song, trước khi đầu tư cần tìm hiểu mặt bằng có phù hợp không, khu vực xung quanh đã nhiều điểm sạc chưa, có được điện lực đồng ý hạ thế để cấp điện cho trạm sạc không...

 Mặt bằng kinh doanh trạm sạc cần đáp ứng các tiêu chí như diện tích, vị trí thuận tiện ra vào, không ngập nước, giấy tờ pháp lý rõ ràng... Ảnh: EverCharge

Mặt bằng kinh doanh trạm sạc cần đáp ứng các tiêu chí như diện tích, vị trí thuận tiện ra vào, không ngập nước, giấy tờ pháp lý rõ ràng... Ảnh: EverCharge

Anh N. Tùng (Hà Nội), phụ trách khảo sát cho dự án đầu tư trạm sạc của một doanh nghiệp, cho biết trên thực tế, đây là lĩnh vực cần sự tính toán kỹ lưỡng, nếu không sẽ lâu hoàn vốn và kéo theo nhiều bất cập.

Dự án do anh Tùng khảo sát có quy mô dự kiến 10 trạm, với 2 mức công suất là 60 kW và 120 kW. Giai đoạn đầu, doanh nghiệp chỉ đầu tư 2 trụ 60 kW để thử nghiệm.

Trước khi triển khai đã khảo sát 6 - 7 trạm sạc quanh khu vực, ghi nhận thời gian trụ có xe vào sạc đạt trung bình 55% trong một ngày, tức khoảng hơn 12 tiếng. Đây là mức tương đối cao.

Khi thử nghiệm vận hành thực tế, tỷ lệ có xe vào đỗ tại trạm đạt 60% thời gian trong ngày, nhưng hiệu suất tiêu thụ điện lại chỉ đạt khoảng 40%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc xe vào đỗ nhưng không sạc ngay hoặc không sạc được do gặp lỗi, bị chiếm chỗ...

“Mỗi trụ sạc 60 kW cho doanh thu khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng sau khi trừ hao hụt và thuế. Các khoản chi phí cố định như bảo vệ, vệ sinh, thuê mặt bằng, vốn đầu tư, bảo dưỡng... khoảng từ 5,5 - 6 triệu đồng.

Như vậy, trụ sạc cho lợi nhuận khoảng 5 triệu đồng/tháng. Với mức đầu tư khoảng 300 triệu đồng cho một trụ 60 kW. Nếu không tính toán kỹ, thời gian hoàn vốn có thể lên tới 5 năm hoặc hơn”, anh Tùng phân tích.

Không “dễ ăn”, song đầu tư trạm sạc vẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng khi hiện nay, tình trạng thiếu điểm sạc vẫn xảy ra, đặc biệt ở các thành phố lớn.

Anh Nguyễn Thành, người dùng ôtô điện tại Hà Nội, nhận định mật độ trạm sạc công cộng ở nhiều khu vực trong nội đô vẫn còn thưa thớt, ví dụ như quận trung tâm là Hoàn Kiếm chỉ có một điểm sạc với 2, 3 trụ.

Trong khi đó, nhiều tài xế taxi điện cho biết để tránh tình trạng chờ đợi, thường sẽ phải tìm đến các trạm sạc và khu đô thị ở rìa trung tâm, vào các cung giờ thấp điểm như sáng sớm hoặc đêm muộn.

Với quy mô hạ tầng trạm sạc hiện tại nghiêng hoàn toàn về thương hiệu ôtô nội địa VinFast, có thể thấy tương lai vài năm tới đây vẫn là cái tên thống trị phân khúc xe điện nói chung, cũng như có thể cân bằng với nhóm xe động cơ đốt trong.

Tư Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dau-tu-tram-sac-xe-dien-giau-tiem-nang-nhung-co-de-an-post1563906.html