Đầu tư trọng điểm xây dựng Thư viện số quốc gia
Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là chuyển đổi số ngành thư viện theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11.2.2022 phê duyệt 'Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030' của Thủ tướng Chính phủ, ngành thư viện có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, đáp ứng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Chính phủ số.
Môi trường hiện đại, thân thiện
Tại hội thảo “Chuyển đổi số trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch” sáng 26.10, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga cho biết, công nghệ thông tin (CNTT) được ứng dụng vào hoạt động của Thư viện Quốc gia Việt Nam khá sớm, bắt đầu năm 1986 và triển khai mạnh mẽ từ năm 2001. Đến nay, hạ tầng công nghệ của Thư viện Quốc gia Việt Nam tiếp tục được hoàn thiện theo hướng hiện đại, từ hệ thống mạng LAN, đường truyền internet, hệ thống máy tính, đến hệ thống thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác chuyên môn… “Tuy chưa thực sự đầy đủ, đạt chuẩn như các thư viện hiện đại, nhưng với hạ tầng công nghệ hiện có là nền tảng để Thư viện Quốc gia Việt Nam triển khai các ứng dụng, giải pháp công nghệ phục vụ tổ chức, quản lý, bảo đảm đúng vị trí, vai trò đối với ngành thư viện”.
Trải qua hơn 30 năm phát triển, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã xây dựng được nguồn tài liệu số hóa khá lớn phục vụ người đọc thông qua hai hình thức trực tuyến và mạng nội bộ. Thư viện đã thực hiện khai thác thư viện số, khai thác không gian chia sẻ tri thức, khai thác các cơ sở dữ liệu trực tuyến mua quyền truy cập. Đánh giá kết quả này, bà Kiều Thúy Nga cho rằng, Thư viện Quốc gia Việt Nam cơ bản đã xây dựng được hạ tầng kỹ thuật phần cứng phục vụ các hoạt động ứng dụng quản lý và thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ thư viện.
Song song với đó, thư viện số cũng giúp Thư viện Quốc gia Việt Nam đổi mới mô hình tổ chức, quản lý và hoạt động thư viện từ hình thức truyền thống sang hiện đại, từng bước xây dựng thư viện số hiện đại, thư viện thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu thư mục lớn với gần 1 triệu biểu ghi, tài liệu số hóa các bộ sưu tập chứa gần 170.000 tên (tương đương hơn 10 triệu trang). Thư viện số đã giúp Thư viện Quốc gia Việt Nam triển khai công tác phổ biến thông tin thuận lợi hơn, với nhiều hình thức, sản phẩm và dịch vụ đa dạng.
Phát triển đồng bộ và bền vững
Tuy nhiên, theo bà Kiều Thúy Nga, trước yêu cầu bức thiết trong công tác tổ chức thư viện và triển khai các hoạt động chuyên môn, Thư viện Quốc gia Việt Nam đang thiếu các phần mềm chuyên dụng chủ lực cần được cấp thiết đầu tư như: Hệ thống quản trị thư viện tích hợp (Integrated Library System), hệ thống quản trị thư viện số (Digital Library System), hệ thống tìm kiếm tập trung (OneSearch), hệ thống bảo quản số (Digital Preservation System), các phần mềm, ứng dụng (apps) cho hệ thống phân phối, phổ biến thông tin, nguồn nhân lực, tài nguyên thông tin, công tác an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu.
Xét từ thực tế, chính sách đầu tư của nhà nước cho hoạt động thư viện nói chung chưa theo kịp yêu cầu hiện nay. “Hoạt động thư viện đang đổi mới mạnh mẽ với việc xây dựng thư viện số thông minh đáp ứng yêu cầu của xã hội, đặc biệt để Thư viện Quốc gia Việt Nam thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, vị trí, vai trò của mình là thư viện trung tâm của cả nước, đầu mối tích hợp, chia sẻ dữ liệu, xây dựng Thư viện số quốc gia thì nhất thiết cần có chính sách đầu tư phù hợp, bảo đảm cho sự phát triển hiện đại, đồng bộ và bền vững, bao gồm cả chính sách đầu tư hạ tầng và nguồn nhân lực”, bà Kiều Thúy Nga nhấn mạnh.
Để Thư viện Quốc gia Việt Nam hoạt động hiệu quả theo quy định tại Luật Thư viện (2019) và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao, đại diện Thư viện đề xuất, cần tạo sự bứt phá về hạ tầng cho việc ứng dụng CNTT; đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT đồng bộ, hiện đại làm xương sống cho hoạt động xử lý, tích hợp, chia sẻ dữ liệu cho các thư viện toàn quốc, bảo đảm cho việc xây dựng thư viện số quốc gia, vận hành thư viện trung tâm, thư viện dùng chung, đầu mối tích hợp dữ liệu số, đồng thời là trung tâm bảo quản tài liệu số quốc gia, gồm cả phần cứng, phần mềm hệ thống và băng thông internet.
Có chính sách đầu tư trọng điểm để Thư viện Quốc gia Việt Nam xây dựng mục lục liên hợp trực tuyến. Đầu tư trang thiết bị số hóa, phát triển nguồn nhân lực, tạo cơ chế thu hút nhân lực CNTT có trình độ cao làm việc cho thư viện… nhằm xây dựng thành công Thư viện số quốc gia, trung tâm dữ liệu quốc gia, phấn đấu thực hiện hiệu quả các mục tiêu tại Quyết định số 206/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.