Đầu tư và khai thác thế nào khi phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô?
Ngày 28-11, Sở Du lịch TP Đà Nẵng tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các cơ quan chức năng để hoàn chỉnh báo cáo trình UBND thành phố Đà Nẵng xem xét phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô. Đề án có tổng kinh phí 25,7 tỷ đồng, trong đó chủ đầu tư của Khu du lịch sinh thái Nam Ô tài trợ 9,9 tỷ đồng và nguồn kinh phí ngân sách là 15,8 tỷ đồng. Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở ngành và UBND Q. Liên Chiểu cũng đề nghị đại diện Cty Trung Thủy làm rõ phương án vận hành, khai thác, phục vụ cộng đồng các khu vực mà đơn vị này tài trợ đầu tư.
Đánh thức lợi thế du lịch khu vực Tây Bắc
Theo lãnh đạo Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, hiện tại khu vực Tây Bắc thành phố còn nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng nhưng chưa có chiến lược khai thác để phục vụ du khách và nâng cao đời sống người dân. Với những đặc điểm hiện trạng tự nhiên và lợi thế sẵn có, Nam Ô cần phải được đánh tức và thúc đẩy phát triển bằng việc xây dựng du lịch cộng đồng với 4 lợi thế: thiên nhiên cảnh quan, câu chuyện di tích, làng nghề truyền thống, ẩm thực địa phương. Để làm được điều này cần thiết phải có sự đầu tư về hạ tầng, xã hội hóa các dịch vụ du lịch, đào tạo nhân lực tại chỗ cũng như có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. “Cần thiết phải lập và ban hành đề án để kết hợp hài hòa các tiềm năng, lợi thế nêu trên nhằm xây dựng, phát triển hoạt động du lịch tại khu vực, gắn kết với cộng đồng dân cư, tạo điểm đến mới, hấp dẫn cho du khách khi đến với Đà Nẵng và góp phần phát triển kinh tế địa phương”, đề án nêu rõ.
Phân tích cụ thể về Đề án, ông Tán Văn Vương - Trưởng phòng Quy hoạch và phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, phát triển du lịch cộng đồng tại Nam Ô sẽ có 8 sản phẩm đặc trưng gồm: trải nghiệm bình minh, hoàng hôn ở vịnh Nam Ô trên thuyền thúng; tắm biển ở bãi tắm Nam Ô; tham quan tìm hiểu câu chuyện về các di tích; tham quan bảo tàng ốc và trải nghiệm các hoạt động văn hóa; tham quan làng nghề truyền thống, thưởng thức ẩm thực địa phương; chụp ảnh tại ghềnh Nam Ô; lưu trú homestay, tham quan làng bích họa; đi bộ, tham quan ghềnh Nam Ô. Tổng kinh phí để triển khai đề án là 25,7 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách 15,8 tỷ đồng dùng để cải tạo chỉnh trang đường giao thông, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, cây xanh…; chủ đầu tư dự án Khu du lịch Nam Ô tài trợ 9,9 tỷ đồng đầu tư bãi đỗ xe, trạm điều hành quản lý, khu bán hàng lưu niệm, nhà nghỉ chân, nhà vệ sinh công cộng… Nội dung, hình thức hoạt động, quy mô đầu tư chính thức của từng sản phẩm sẽ được UBND Q. Liên Chiểu, nhà đầu tư phối hợp người dân và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất, triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Đầu tư và khai thác thế nào?
Một trong những vấn đề được lãnh đạo các cơ quan tham dự cuộc họp quan tâm đặt vấn đề là đề án phát triển du lịch cộng đồng nằm ở khu vực quy hoạch Khu du lịch Nam Ô do Cty CP Trung Thủy làm chủ đầu tư, và đây cũng sẽ là đơn vị tài trợ đầu tư một số dịch vụ của đề án. Vậy sau khi tài trợ xây dựng thì doanh nghiệp này sẽ quản lý, khai thác hay là giao lại cho chính quyền địa phương hoặc tổ chức đấu thầu? Ông Lê Văn Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu đặt vấn đề: “Đầu tư không khó nhưng đề án chưa nói rõ về phương án quản lý và khai thác. Các khu vực di tích, bãi tắm rồi ghềnh đá, đề nghị Cty Trung Thủy làm rõ là xây dựng xong thì bàn giao cho địa phương quản lý hay đấu thầu. Chứ không phải làm xong rồi sở hữu để khai thác luôn”. Giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Đức Thành – Giám đốc chiến lược Cty Trung Thủy cho biết, đơn vị sẽ tài trợ kinh phí đầu tư và chiến lược phát triển, sau đó sẽ giao lại cho địa phương quản lý và khai thác. “Ngoài cơ sở hạ tầng, chúng tôi sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực của người dân địa phương, chuyển đổi ngành nghề cho các hộ dân đánh bắt gần bờ tham gia sản phẩm thuyền thúng để họ vừa có việc làm và bảo vệ được nguồn lợi thủy sản. Cái gì là của địa phương thì sẽ để cho địa phương quản lý và khai thác, người dân là chủ thể của du lịch cộng đồng. Vì chính họ là người hiểu biết nhất về vùng đất, văn hóa, lịch sử nơi đây”, ông Thành cho hay.
Đại điện Sở Xây dựng cho rằng đề án cần quan tâm đến mật độ xây dựng, quy hoạch đô thị trong khu vực đề án. Cạnh đó, việc xây dựng sản phẩm trải nghiệm bình minh và hoàng hôn tại biển Nam Ô bằng thuyền thúng phải quy hoạch vùng hoạt động để không ảnh hưởng đến hoạt động của vận tải đường thủy nếu Cảng Liên Chiểu được xây dựng. Ông Nguyễn Đức Vũ – Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng thì cho rằng, một trong những khó khăn mà các bãi biển khác của Đà Nẵng đang gặp đó là việc đậu đỗ xe cho du khách đi cá nhân hoặc các tour. Nam Ô cũng cần tính toán để không diễn ra cảnh ùn tắc hoặc thiếu kiểm soát về xe cộ, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân địa phương, vì đây là khu vực có rất nhiều công nhân, sinh viên.
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các sở ngành và Q. Liên Chiểu, Sở sẽ tập hợp để báo cáo kèm tờ trình để thành phố xem xét phê duyệt đề án và triển khai các công việc ngay từ đầu năm 2020. “Vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là phương án quản lý, khai thác đối với các hạng mục do doanh nghiệp tài trợ đầu tư, chúng tôi đề nghị Cty Trung Thủy có văn bản chính thức cam kết lộ trình thực hiện cũng như bàn giao cho địa phương quản lý, đảm bảo lợi ích của cộng đồng theo mục đích của đề án”, bà Hạnh cho hay.
CÔNG KHANH
Chưa thể thực hiện bản đồ và biên bản khoanh vùng các di tích nằm trong quy hoạch Khu du lịch Nam Ô
Liên quan đến phương án bảo tồn, tôn tạo cụm di tích Nam Ô, ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng cho biết, để thực hiện hồ sơ đề nghị xếp hạng cấp thành phố Cụm di tích văn hóa tâm linh làng Nam Ô, Sở đã xác định được 9 công trình có giá trị. Trong đó 4 địa điểm nằm trong quy hoạch Khu du lịch Nam Ô và 5 địa điểm nằm trong khu dân cư. Đến nay việc lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích cấp thành phố cơ bản đã được hoàn thành. Tuy nhiên do chưa có phương án điều chỉnh quy hoạch dự án Khu du lịch Nam Ô nên Sở chưa thể phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đo đạc ranh giới để thực hiện bản đồ và biên bản khoanh vùng cho các di tích nằm trong quy hoạch.