Đầu tư và thương mại Việt Nam – Singapore: Đột phá trong quan hệ mới

Quan hệ Việt Nam – Singapore bước sang trang mới, giúp đầu tư và thương mại giữa hai nước đang có những tín hiệu rất tích cực.

Chưa đầy hai tuần sau chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Singapore, Thủ tướng nước này, ông Lawrence Wong, cùng phu nhân, đã có chuyến thăm đáp lễ tới Việt Nam trong hai ngày 25 và 26/3.

Chuyến thăm đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ song phương. Đặc biệt, sau khi hai nước vừa nâng mối quan hệ song phương lên mức cao nhất – Đối tác chiến lược toàn diện.

Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất trong ASEAN có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Singapore, và nằm trong số ba quốc gia trên thế giới được Singapore xác lập quan hệ ở cấp độ này.

Đây được coi là một bước ngoặt trong quan hệ song phương, không chỉ về mặt chính trị mà còn về kinh tế, đầu tư và thương mại.

Đầu tư

Đầu tư là một trong những trụ cột nổi bật. Năm 2024, Singapore đã rót 10,2 tỷ USD vào Việt Nam, với 462 dự án mới, hàng trăm lượt tăng vốn và góp vốn mua cổ phần, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài.

Lũy kế từ năm 1988 đến nay, tổng vốn đầu tư Singapore vào Việt Nam đạt hơn 83 tỷ USD, với hơn 3.900 dự án được cấp phép.

Khoảng 3.000 doanh nghiệp Singapore đang hoạt động tại Việt Nam, trải rộng trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, bất động sản, năng lượng, y tế, tài chính và công nghệ.

Một biểu tượng hợp tác kinh tế nổi bật là hệ thống các khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP).

VSIP là liên doanh giữa Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC - BCM) và Sembcorp Development Ltd (Singapore). Trong đó, doanh nghiệp Singapore nắm 51% cổ phần.

Từ dự án đầu tiên tại Bình Dương năm 1996, đến nay, Việt Nam là quốc gia có số lượng khu VSIP nhiều nhất thế giới với 20 khu tại 14 tỉnh, thành.

Hàng chục tỷ USD vốn đầu tư đã được rót vào các khu này, với khoảng 900 dự án và hơn 300.000 lao động đang làm việc.

Trong số đó, 11 khu đã đi vào vận hành, bảy khu đang xây dựng và hai khu vừa được phê duyệt đầu năm nay tại Nam Định và Quảng Ngãi.

Lễ khởi công VSIP Thái Bình ngày 26/3/2025 có sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong. Ảnh: Nhật Bắc

Lễ khởi công VSIP Thái Bình ngày 26/3/2025 có sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong. Ảnh: Nhật Bắc

Sắp tới, khu công nghiệp VSIP cũng sẽ có tại các tỉnh Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương và Bình Dương, khi biên bản ghi nhớ giữa VSIP với các địa phương này vừa được ký kết nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lawrence Wong.

Ngoài VSIP, nhiều tập đoàn lớn khác của Singapore cũng hiện diện tại Việt Nam. Có thể kể đến DOE Singapore với nhà máy LNG tại Bạc Liêu trị giá 4 tỷ USD; các doanh nghiệp bất động sản như Keppel, CapitaLand, Mapletree; ngân hàng UOB; dịch vụ công nghệ như Grab; Mega Textile trong dệt may; và Thomson Medical Group trong lĩnh vực y tế khi mua lại bệnh viện FV…

Thương mại

Thương mại Việt Nam – Singapore hai chiều cũng ghi nhận những con số tích cực. Năm 2024, kim ngạch song phương giữa Việt Nam và Singapore vượt mốc 10,5 tỷ USD – lần đầu tiên sau một thập kỷ đi ngang.

Đặc biệt, con số này ghi nhận mức tăng trưởng gần 17% so với năm 2023, phản ánh đà phục hồi và mở rộng rõ rệt trong quan hệ thương mại.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại thứ tư của Singapore trong ASEAN, và thứ 10 trên toàn cầu. Ở chiều ngược lại, Singapore là đối tác thương mại thứ tư của Việt Nam trong ASEAN và đứng thứ 14 thế giới.

Cán cân thương mại Việt Nam – Singapore tương đối cân bằng trong 5 năm gần đây. Việt Nam xuất khẩu sang Singapore chủ yếu các mặt hàng điện tử, linh kiện, máy móc thiết bị, xăng dầu và giày dép.

Năm 2024, xuất khẩu đạt 5,16 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm trước. Những tháng đầu năm năm 2025 cũng tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực, với mức tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, Việt Nam đang là nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore.

Singapore là thị trường mở, không áp đặt hạn ngạch hay rào cản phi thuế quan ngoài các tiêu chuẩn quốc tế. Hơn 99% hàng nhập khẩu được miễn thuế, ngoại trừ một số mặt hàng như ôtô, rượu, thuốc lá.

Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh cao và yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm khiến các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị kỹ nếu muốn khai thác hiệu quả thị trường này.

Một yếu tố đáng lưu ý là thời hạn sử dụng sản phẩm. Theo khuyến nghị của Thương vụ Việt Nam tại Singapore, các sản phẩm thực phẩm chế biến cần có hạn sử dụng trên 12 tháng để đáp ứng vòng quay hàng hóa tại hệ thống bán lẻ.

Ngoài ra, giá cả và khả năng cung ứng cũng là yếu tố then chốt, khi Singapore có mạng lưới nhập khẩu từ hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Singapore chủ yếu xăng dầu, sản phẩm điện, mỹ phẩm và nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất.

Đáng chú ý, phần lớn hàng hóa từ Singapore vào Việt Nam là hàng tạm nhập tái xuất, chiếm tới 70% tổng kim ngạch. Hàng có xuất xứ thực sự từ Singapore chỉ chiếm chưa đến 30%.

Điều này phản ánh vai trò của Singapore là trung tâm logistics và thương mại lớn của thế giới, nhờ hạ tầng cảng biển và sân bay hiện đại, cùng chính sách thuế thuận lợi. Nhiều công ty quốc tế chọn Singapore làm trung tâm phân phối để tận dụng các ưu đãi và thủ tục đơn giản.

Quan hệ Việt Nam – Singapore đang chuyển mình rõ rệt từ giai đoạn chuẩn bị lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Những con số đầu tư và thương mại Việt Nam – Singapore không chỉ cho thấy quy mô, mà còn phản ánh chiều sâu và chất lượng của mối quan hệ này. Với nền tảng vững chắc và cam kết chính trị mạnh mẽ từ hai phía, dư địa phát triển trong thời gian tới vẫn còn rất lớn.

Nhật Hạ

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/dau-tu-va-thuong-mai-viet-nam-singapore-dot-pha-trong-quan-he-moi-d39503.html