Đầu tư vào các Cụm công nghiệp ở Đức Linh: Cần tháo gỡ bài toán hạ tầng

Cần nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách, đồng thời đẩy mạnh việc hoàn thiện hạ tầng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp do Nhà nước quản lý đang được huyện Đức Linh kiến nghị tỉnh quan tâm.

Các cụm công nghiệp do Nhà nước quản lý trên địa bàn huyện Đức Linh bao gồm Cụm công nghiệp Sùng Nhơn, Cụm công nghiệp Mê Pu và Cụm công nghiệp Hầm Sỏi - Võ Xu. Trong đó, Cụm công nghiệp Sùng Nhơn hiện có 9 dự án, cơ sở kinh doanh diện tích khoảng 15,1 ha đầu tư trong cụm (trong 9 dự án có 4 cơ sở sản xuất gạch thủ công đã dừng hoạt động), diện tích còn lại khoảng 15 ha. Cụm công nghiệp Hầm Sỏi - Võ Xu hiện có 12 cơ sở, dự án với diện tích khoảng 11,3 ha đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm. Hiện nay cụm công nghiệp này có 7 cơ sở đang hoạt động, 2 dự án đang triển khai và 3 cơ sở gạch thủ công đã ngừng hoạt động. Riêng Cụm công nghiệp Mê Pu có diện tích gần 40 ha.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng kiểm tra thực tế tại cụm công nghiệp Sùng Nhơn

Theo UBND huyện Đức Linh, thực tế những năm qua, các Cụm công nghiệp Sùng Nhơn và Cụm công nghiệp Mê Pu được quy hoạch trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã cấp quyền sử dụng đất cho dân (trong đó có phần nhỏ thuộc đất Nhà nước quản lý). Riêng Cụm công nghiệp Hầm Sỏi - Võ Xu quy hoạch trên khu vực khai thác sỏi bồi nền phục vụ các dự án hạ tầng quan trọng của huyện. Tại thời điểm phê duyệt thành lập và triển khai thực hiện các cụm công nghiệp cho đến nay, huyện Đức Linh chưa có kinh phí để hỗ trợ, đền bù cho dân để thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tổng thể theo quy định. Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại thời điểm đó của địa phương, thực hiện chủ trương chính sách của UBND tỉnh và quy định của pháp luật, huyện Đức Linh đã chọn một số giải pháp để phát triển các cụm công nghiệp này như: Về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư thì doanh nghiệp phối hợp với địa phương vận động, bồi thường đất cho người dân để có đất đầu tư dự án, huyện triển khai thu hồi đất theo từng dự án; đầu tư một số công trình hạ tầng như: San lấp mặt bằng, làm nền đường giao thông, mương thoát nước thì vận động các chủ đầu tư có dự án hỗ trợ kinh phí để thực hiện. Vì vậy, đến nay các cụm công nghiệp này chưa được thu hồi đất đảm bảo diện tích tổng thể theo phê duyệt, hạ tầng thiết yếu chưa được đầu tư hoàn chỉnh.

Ông Huỳnh Văn Tỉnh - Chủ tịch UBND huyện Đức Linh cho biết: Khó khăn nhất hiện nay của huyện Đức Linh là giải quyết những tồn tại trong các cụm công nghiệp, đó là: Thu hồi đất các cơ sở sản xuất gạch thủ công trước đây huyện bố trí vào các cụm công nghiệp đã dừng hoạt động theo chủ trương của UBND tỉnh, cơ sở để tính toán và hoàn lại chi phí trước đây các cơ sở này đóng góp cho Nhà nước. Trước thực tế đó, năm 2018 UBND huyện Đức Linh đã tổ chức thanh, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đối với các cụm công nghiệp do Nhà nước quản lý, với tình hình thực tế như trên và điều kiện kinh phí khó khăn, UBND huyện đã thống nhất cho phép chủ cơ sở quản lý đất để kêu gọi đầu tư dự án thay thế hoặc xin chấp thuận đầu tư dự án mới.

“Để thực hiện quy định nêu trên, UBND huyện phải thực hiện rà soát quỹ đất, bố trí kinh phí đền bù, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng sau đó tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, khi đó các tổ chức, cá nhân muốn sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp thì thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng của nhà đầu tư hạ tầng. Trong khi Cụm công nghiệp Sùng Nhơn trước đây các chủ đầu tư đã tự bồi thường đất cho người dân và tiến hành san lấp mặt bằng, Cụm công nghiệp Hầm Sỏi - Võ Xu các chủ đầu tư đã tiến hành cải tạo, san lấp mặt bằng. Thực tế các cụm công nghiệp do huyện quản lý diện tích đất sản xuất công nghiệp còn lại không nhiều, đất xen kẽ trong khi đầu tư hạ tầng thì thực hiện toàn bộ diện tích đất cụm công nghiệp nên khó kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng do không hiệu quả kinh tế; điều kiện để đấu giá quyền sử dụng đất xây dựng hạ tầng thì Nhà nước phải giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, việc này cần bố trí kinh phí Nhà nước để thực hiện”, ông Tỉnh chia sẻ.

Cũng theo ông Tỉnh, hiện nay một số chủ trương chính sách của Nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng... có thay đổi, điều chỉnh, bổ sung nên các dự án đầu tư có những nội dung chưa đáp ứng được điều kiện để xem xét chấp thuận đầu tư.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu cần có cuộc họp chuyên đề để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp do Nhà nước quản lý ở Đức Linh.

Nhằm tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp do Nhà nước quản lý, UBND huyện Đức Linh kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ngành nghiên cứu và có chính sách đặc thù đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện chưa có chủ đầu tư và chưa có nhà đầu tư hạ tầng, nguồn gốc đất, địa bàn và ngành nghề được ưu đãi đầu tư. Từ đó, giải quyết thu hút đầu tư, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, sử dụng hiệu quả quỹ đất, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/dau-tu-vao-cac-cum-cong-nghiep-o-duc-linh-can-thao-go-bai-toan-ha-tang-97032.html