Đầu tư xanh phải hài hòa giữa giảm phát thải với phát triển kinh tế
'Chúng ta vẫn phải ăn, mặc, tiêu dùng hàng ngày, vậy xanh hóa bằng cách nào để giảm phát thải nhưng không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế'. Đây là vấn đề được đại biểu đưa ra tại hội thảo 'Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải?' do Báo Thanh Niên tổ chức tại TP.HCM sáng nay (5/12).
Đa số khu công nghiệp vẫn kiểu cũ
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM cho biết, quỹ đất công nghiệp trên địa bàn TP hạn hẹp nên TP định hướng các dự án đầu tư vào phải có hàm lượng giá trị gia tăng cao, tỷ suất đầu tư cao, ngành nghề công nghệ cao, công nghiệp cao.
Còn tại Đồng Nai, bà Dương Thị Xuân Nương, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cho biết, đa phần các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Đồng Nai là đa ngành, kiểu cũ, chưa có những KCN chuyên sâu và chưa có KCN sinh thái. Tỉnh Đồng Nai đang quy hoạch KCN theo ngành nghề và điều kiện tự nhiên sao cho thật sự phù hợp và bền vững.
Theo bà Nương, tỉnh Đồng Nai vẫn có những KCN dành cho những ngành nghề nhạy cảm như dệt may, xi măng… Tuy nhiên, dự án phải có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám cao. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích giảm phát thải với các dự án hiện hữu theo hướng sử dụng nguyên liệu xanh, sử dụng năng lượng tái tạo.
“Đối với những dự án hiện hữu, chúng tôi khuyến khích việc giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng đang sử dụng sang năng lượng xanh, sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên, vật liệu, từ đó giảm phát thải”, bà Dương Thị Xuân Nương cho biết.
Cần có lộ trình xanh hóa phù hợp
Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đặt vấn đề, còn nhiều quan điểm trái chiều về tăng trưởng xanh, nên ứng xử với nó như thế nào, phạm vi ở đâu, chiến lược phát triển sao cho phù hợp? Trong khi chúng ta vẫn phải ăn, mặc, tiêu dùng hàng ngày, vậy xanh hóa bằng cách nào để giảm phát thải nhưng không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế?
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, quá trình xanh hóa phải lựa chọn lộ trình thực hiện phù hợp. Nếu lộ trình sai thì dù mục tiêu tốt đẹp nhưng cũng không đạt được. Lộ trình phát triển xanh phải nằm trong chiến lược phát triển bền vững, cân đối hài hòa với việc sử dụng tài nguyên và giảm phát thải, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế.
Ông Lộc cho rằng, cần phải tránh được "bẫy" lọc ngành, cần chú trọng công nghệ vì hệ thống kinh tế là một chuỗi giá trị, trong đó khuyến khích phát triển hệ sinh thái, công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam cũng phải tránh "bẫy xanh hóa ngay lập tức".
“Vấn đề lộ trình trong các ngành thế nào, năng lượng, sản xuất vật liệu xây dựng, giao thông… Chuyển đổi xanh là một quá trình, phát triển hài hòa giữa lợi ích kinh tế, môi trường, xã hội và phải đảm bảo năng lực cạnh tranh của Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Ông Vũ Tiến Lộc đề xuất, Việt Nam cần xây dựng chiến lược quốc gia phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực và có sự phối hợp liên ngành. Các bộ ngành phối hợp xây dựng bộ chỉ tiêu phát triển xanh phù hợp, phân loại xanh, tiêu chuẩn định mức đi theo là gì để các địa phương ghi nhận đầu tư. Các chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng theo chuẩn quốc gia đó để thúc đẩy và giám sát đầu tư.