'Đầu vào' của nông nghiệp sạch
Những năm qua, nuôi trùn quế trên địa bàn tỉnh được xem là mô hình hiệu quả thì hiện nay, nuôi ấu trùng ruồi lính đen sử dụng vào sản xuất nông nghiệp còn hiệu quả hơn gấp nhiều lần. Đặc biệt, sử dụng ấu trùng ngoài tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn sinh học còn góp phần bảo vệ môi trường sống. Mô hình đang được chị Nguyễn Thị Linh (SN 1986) ngụ ấp 2, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú nuôi để sản xuất nông nghiệp và đem lại hiệu quả cao.
Khởi nghiệp từ ấu trùng ruồi
Đang biên chế trong ngành giáo dục với mức lương ổn định 8 triệu đồng/tháng lại gần nhà nhưng với mong muốn có sự bứt phá đi lên, đầu năm 2020, chị Linh quyết định xin nghỉ việc đầu tư phát triển kinh tế gia đình. “Dạy trong trường mầm non nhiều năm, tôi thấy trẻ ăn các thức ăn công nghiệp không đảm bảo sức khỏe. Mặt khác, người em gái bị ung thư đại tràng được chẩn đoán do ăn nhiều thức ăn sẵn kém chất lượng bán trôi nổi trên thị trường. Vì thế, tôi đã ấp ủ ý tưởng xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn sinh học cung ứng ra thị trường” - chị Linh cho biết nguyên nhân nghỉ việc để làm kinh tế nông nghiệp.
Để có kinh phí thực hiện mô hình, chị Linh vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng đầu tư 3 sào đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Chị lên mạng tìm mô hình nuôi trùn quế để cung cấp thức ăn cho vật nuôi nhưng sau 3 tháng thử nghiệm, chị nhận thấy trùn quế cho sản lượng thấp, sinh trưởng, phát triển chậm nên tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu nuôi ấu trùng ruồi lính đen phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là mô hình mới nên chị mời chuyên gia từ tỉnh Đồng Nai là ông Phạm Tuấn Hùng lên hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm nuôi. Ông Hùng là người đầu tiên trên thế giới nuôi thành công ấu trùng ruồi trong VEM vi sinh.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, hàm lượng dinh dưỡng của trùn quế và ruồi lính đen tương đương nhau. Ấu trùng ruồi lính đen rất dễ nuôi, phàm ăn. Các loại chất hữu cơ, thức ăn dễ tìm như: rau, củ quả, trái cây hư hỏng, động vật phế thải, phụ phẩm chăn nuôi đều có thể là thức ăn của ấu trùng ruồi…
Điểm có lợi cho môi trường là các loại thức ăn được ấu trùng xử lý hết mùi hôi vì tiết ra 1 loại kháng khuẩn diệt vi khuẩn, giảm thiểu các loại mầm bệnh. Đây cũng là cách mà nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng ấu trùng ruồi để xử lý rác thải sinh hoạt và xử lý nhanh hơn trùn quế gấp 10 lần.
Cho sản phẩm nông nghiệp sạch
Hiện chị Linh nuôi 7 khoang, mỗi tháng thu 5 tấn ấu trùng, dùng nuôi gà, vịt, với công thức: một phần xay làm chế phẩm lên men, phần còn lại là ấu trùng sống đem ép thành viên cho vật nuôi ăn và hòa nước uống. Ấu trùng ruồi lính đen là thức ăn sạch, giàu chất dinh dưỡng cho vật nuôi.
Từ cuối năm 2020 đến nay, chị Linh thử nghiệm nuôi 2 lứa vịt với 7.000 con theo phương châm “3 không”: Không cám công nghiệp, không thuốc kháng sinh và không thuốc tăng trưởng. Với cách nuôi này thực phẩm sạch, thơm, ngọt hơn và không có mùi hôi. Ngoài ra, chăn nuôi bằng ấu trùng ruồi còn đêm lại lợi nhuận hơn nhiều so với cám công nghiệp. Hiện nay, giá cám công nghiệp dao động từ 10-12 ngàn đồng/kg thì ấu trùng ruồi đã ép thành viên chỉ từ 4-5 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, với chất lượng thơm ngon, thịt vịt, gà sạch giá bán cao hơn 30% so với nuôi bằng cám công nghiệp.
So với trùn quế, sản lượng ấu trùng ruồi trưởng thành tăng gấp 10 lần. Nuôi 1m2 trùn quế trong 1 tháng chỉ cho thu hoạch 2kg, thì ấu trùng ruồi cho sản lượng 20kg. Mặt khác, ấu trùng ruồi chỉ nuôi 8-10 ngày đã cho thu hoạch thương phẩm, còn trùn quế phải mất 45-50 ngày. Đặc biệt, nuôi ấu trùng trong hỗn hợp lỏng bằng VEM vi sinh sẽ đảm bảo chất lượng thực phẩm sạch, an toàn sinh học.
Chị Nguyễn Thị Linh , ấp 2, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú
Ưu thế vòng tròn khép kín còn giúp chị Linh tận dụng được hết các phế phẩm. Gà, vịt ăn ấu trùng ruồi thải ra phân không gây mùi hôi, nhiều vi khoáng lượng, trở thành nguồn thức ăn cho ấu trùng ruồi để tái đàn, đồng thời là nguồn phân sinh học bón cho các loại cây trồng, góp phần cải tạo đất, nguồn nước, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, 7 khoang nuôi trong hỗn hợp lỏng bằng VEM vi sinh còn cho 7.000 lít phân vi sinh/tháng pha loãng tưới cây trồng, đảm bảo phân bón cho 5ha cây trồng các loại.
Chị Linh đang mở rộng quy mô chuồng trại, nuôi thêm cá, heo, chồn lấy phân trồng rau sạch. “Thời gian tới, khi tạo ra được nhiều sản phẩm nông nghiệp, tôi sẽ mở cửa hàng chuyên bán thực phẩm nông nghiệp sạch cung ứng ra thị trường. Đó là mục đích mà tôi muốn hướng đến” - chị Linh khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Tâm lưu ý: Đây là mô hình mới, ít người nuôi, vì thế chưa thể đánh giá được hiệu quả. Còn nông hộ nào có ý định học hỏi mô hình cần nghiên cứu kỹ, nhất là phải có vùng đất rộng, xa khu dân cư nhằm ổn định, phát triển lâu dài.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/5/126219/dau-vao-cua-nong-nghiep-sach