Đầu xanh nào có tội gì...
Gieo rắc cái chết, hủy hoại tiền đồ của đồng loại, những kẻ 'bán mạng cho ả phù dung' còn đẩy chính máu mủ ruột thịt của mình, nhất là những đứa trẻ thơ dại vào chồng chất khổ đau với bao tủi hờn, bất hạnh của kiếp phận... làm người.
Phóng sự của Đỗ Đức
Dù đã xa cái thời cơn bão mang tên ma túy càn qua, nhưng nhiều bản làng ở vùng biên Mường Lát còn hằn in tàn tích của “ả phù dung” trên mái tranh nghèo cong queo, rách rưới và âm ỉ trong cái sự nheo nhóc, bơ vơ của những đứa trẻ mình trần lem luốc. Khoảng trước những năm 2010, bản Ón, xã Tam Chung vốn thanh bình, yên ả với điệp trùng ruộng lúa, nương ngô xanh mướt một màu. Nhưng rồi màu xanh mướt mát ấy đã dần bị thay thế bởi vàng úa, hanh hao khô khốc, nhiều thanh niên trai tráng người Mông vạm vỡ bỏ ruộng nương đu mình theo “Nàng tiên nâu”, “Hàng trắng”, để rồi lần lượt tra tay vào còng, trả giá tội lỗi bên trong song sắt nhà tù.
... Ngày ấy, thấy nhiều trai bản tập tành hút hít, Giàng A Khư (sinh năm 1979) cũng thử cảm giác lạ với ma túy rồi nghiện lúc nào không hay. Sau đó, Khư rủ rê thêm vợ mình là Phàng Thị Củ (sinh năm 1984) cùng chìm đắm trong những cơn phê.
Ngày ấy, thấy nhiều trai bản tập tành hút hít, Giàng A Khư (sinh năm 1979) cũng thử cảm giác lạ với ma túy rồi nghiện lúc nào không hay. Sau đó, Khư rủ rê thêm vợ mình là Phàng Thị Củ (sinh năm 1984) cùng chìm đắm trong những cơn phê. Ở nơi rừng xanh núi đỏ, lo miếng cơm manh áo còn khó, nói gì đến chuyện kiếm tiền để “bầu bạn với nàng tiên nâu”, nên Khư đã sang Lào làm thuê, rồi mua thuốc về vợ chồng cùng dùng, hoặc rủ rê thêm trai bản đến "góp vui”. Mỗi chuyến làm ăn trót lọt, Khư có tiền, có thuốc, nên trong căn nhà vách đất bên bờ suối Lát của y dễ thường bắt gặp những con nghiện phê phê, ngáo ngáo. Rồi điều gì đến cũng phải đến, năm 2013, Khư bị bắt khi đang vận chuyển trái phép chất ma túy, lĩnh án 5 năm tù giam.
Chồng đi tù, nhưng Phàng Thị Củ vẫn đắm mình trong những cơn phê ma mị, bỏ mặc 4 đứa con lít nhít trứng gà trứng vịt tự sinh tự dưỡng trong đói ăn thiếu mặc. Rồi thị cũng bị bắt vào giữa năm 2022 vì ma túy. Kể cả khi Khư mãn hạn tù trở về, cũng không chú tâm làm lụng, quan tâm bù đắp cho cái gia đình vốn đã nát bươm vì mình, mà tìm cách trở lại con đường nghiện ngập. Rồi Khư lại sang Lào tìm việc, nhưng cũng chỉ cốt bán sức đổi cơn phê. Gần đây, Công an xã Tam Chung đã tets nhanh ma túy với Khư 2 lần, thì chừng ấy lần có kết quả dương tính.
... Từ ngày bố mẹ nghiện ngập, tăm tăm biền biệt vắng nhà, 4 đứa trẻ đã phải bìu díu nhau nơi xó rừng góc núi, tìm đồ lót dạ từ củ sắn, bắp ngô đến đọt le, đọt măng rừng. Vào mùa mưa, rừng nhiều hoa quả thì đỡ đói, còn vào mùa khô thì 4 anh em thiếu đói triền miên.
Từ ngày bố mẹ nghiện ngập, tăm tăm biền biệt vắng nhà, 4 đứa trẻ đã phải bìu díu nhau nơi xó rừng góc núi, tìm đồ lót dạ từ củ sắn, bắp ngô đến đọt le, đọt măng rừng. Vào mùa mưa, rừng nhiều hoa quả thì đỡ đói, còn vào mùa khô thì 4 anh em thiếu đói triền miên. Chưa kể những đêm trời mịt mùng mưa bão, trong căn nhà liêu xiêu ven suối Lát, 4 anh em chỉ biết nín thở ôm nhau, mong sao không bị lũ cuốn trôi, hay bị chôn sống do núi sạt, đất lở.
Đến giờ, người con lớn Giàng A Chàu (sinh năm 2002) đã lập gia đình nhưng người nhỏ thó, gầy guộc. Chàu bảo với tôi: “Cũng may Nhà nước thương, làm cho khu tái định cư kiên cố, anh em tao được chính quyền, đoàn thể và bà con giúp đỡ chuyển đến sinh sống. Giờ tao không còn lo lũ quét, đất sạt nữa”.
Lúc đó, Giàng A Chàu vừa đi làm đồi về đã vội bón mồi cho 2 con chim Chào mào non. Phía bên trong căn nhà nền đất vách gỗ vừa được dựng lên trên khu tái định, 2 đứa con của Chàu cũng lít nhít, quần áo tả tơi, lem luốc đang tự xúc cơm ăn. Trong bát cơm ấy, tuyệt nhiên không một mẩu thức ăn, có chăng chỉ lang láng dưới đáy một thứ nước không màu, như nước lã. Tôi buồn bã hỏi Chàu, các em đi làm chưa về sao? Chàu đáp: “Tao không rõ. Có hôm chúng không về”.
Nhiều lần chứng kiến cảnh những đứa trẻ vật vưỡng ấy, Thiếu tá Phan Văn Ú, Trưởng Công an xã Tam Chung không giấu được nỗi trăn trở. Anh chậm rãi cho biết, do bản Ón tiếp giáp với tỉnh Sơn La và nước bạn Lào, địa hình lại chia cắt, phức tạp, nhiều đường mòn, lối mở, nên hoạt động tội phạm ma túy rất phức tạp. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng tiếp tục tập trung truy quét, bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội ma túy tại khu vực này. Còn Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Ón Giàng A Chống nhẩm tính, từ khoảng năm 2010 đến nay, trên địa bàn bản có trên 15 đối tượng phạm tội về ma túy. Trong đó có nhiều đối tượng mãn hạn tù chưa lâu đã vội vã “nhập kho” vì ma túy.
... Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Ón Giàng A Chống nhẩm tính, từ khoảng năm 2010 đến nay, trên địa bàn bản có trên 15 đối tượng phạm tội về ma túy. Trong đó có nhiều đối tượng mãn hạn tù chưa lâu đã vội vã “nhập kho” vì ma túy.
Trước lúc tòa tuyên án, những ông bố, bà mẹ kia vẫn thường biện minh vì đói nghèo, hay bị rủ rê, lôi kéo… để tự biện hộ cho tội ác của mình. Chỉ có điều họ không nghĩ, bản thân đã mê muội đến tột cùng, không những gieo rắc cái chết, sự khổ đau cho đồng loại, làm băng hoại đạo đức xã hội mà còn đẩy cả người thân, gia đình vào thậm khổ, bi ai, mà những đứa trẻ vẫn thường bất hạnh hơn cả. Câu chuyện về những đứa trẻ của cặp “vợ chồng ma túy” Giàng A Vảng và Sùng Thị Công là một nỗi buồn thê thiết.
Vợ chồng ông Giàng A D. và bà Phàng Thị S. có đến 10 người con, 5 trai, 5 gái, ai cũng mạnh khỏe, chăm chỉ làm lụng, mà đến giờ ông không nhớ rõ năm sinh của từng người. Cứ nghĩ về già ông bà sẽ được nhàn hạ, thảnh thơi bởi con đàn cháu đống, nhưng rồi từ ngày cơn bão ma túy ập về, 3 người con đã lần lượt quy án. Ban đầu là người con trai Giàng A Vảng, rồi đến hai người con gái lấy chồng ở bản Sài Khao, xã Mường Lý là Giàng Thị Chi và Giàng Thị Chu, cuối cùng là đứa con dâu - vợ của Vảng là Sùng Thị Công.
Con gái lấy chồng theo nhà chồng, ông D. bà S. không mấy bận tâm. Nhưng vợ chồng Vảng trước khi vào tù đã kịp “ném” lại 6 đứa con, phó mặc cho ông bà nuôi nấng, chăm sóc. Tuổi già tóc bạc mắt mờ, việc đi lại đã khó, ông bà không thể đèo bòng thêm cả 6 đứa cháu, nên đã gửi 4 đứa cho 2 người con trai ở bản Ón. Còn ông bà rau cháo nuôi nấng 2 đứa út của vợ chồng Vảng.
Ngày mẹ bị bắt rồi bị tuyên án ở huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, Giàng A Nam (tên nhân vật đã được thay đổi) mới được 2 tháng tuổi. Ông bà D. phải vất vả lắm mới giúp cháu đi qua những ngày khát sữa, thiếu hơi ấm của mẹ. Đến giờ cháu đã học lớp 2, nhưng chưa từng được gặp lại bố mẹ. Không phải vì các cháu không muốn gặp, mà vì nhà quá nghèo, không lấy đâu ra tiền làm lộ phí đi thăm. Ngày xét xử Vảng, ông D. cũng đã phải bán con bò làm lộ phí sang huyện Phù Yên (Sơn La) nhìn mặt đứa con tội lỗi.
Hôm tôi cùng cán bộ Công an xã Tam Chung đến thăm, từ căn nhà tuyềnh toàng, trống huơ trống hoác, nhìn lên nóc thấy lốm đốm trời xanh, ông D. run run bước chân ra chào khách. Còn hai chị em Thủy - Nam lấm lét đưa ánh mắt dò xét, sợ hãi khi có khách đến thăm nhà. Phải một hồi, sau những câu chuyện gần gũi, cởi mở, Giàng Thị Thủy, 12 tuổi, vừa học xong lớp 5 (tên nhân vật đã được thay đổi) mới lí nhí: “Chúng cháu nhớ bố mẹ lắm”. Lát quay sang hỏi một cán bộ công an: “Khi nào mẹ bố mẹ cháu được về ạ”. Rồi cháu cúi xuống, nước mắt đã lăn dài trên gò má xanh xao. Câu hỏi ấy thắt tim tôi đau nhói.
... Giàng Thị Thủy, 12 tuổi, vừa học xong lớp 5 (tên nhân vật đã được thay đổi) mới lí nhí: “Chúng cháu nhớ bố mẹ lắm”. Lát quay sang hỏi một cán bộ công an: “Khi nào mẹ bố mẹ cháu được về ạ”. Rồi cháu cúi xuống, nước mắt đã lăn dài trên gò má xanh xao. Câu hỏi ấy như hắt vào tim tôi đau nhói.
Thủy kể, từ ngày bố, rồi đến mẹ bị bắt, ông bà tuổi cao sức yếu, không làm được nhiều, hai chị em vật vờ bữa đói nhiều hơn bữa no, ngô sắn nhiều hơn cơm gạo, đói cơm rét áo. Nhiều hôm, ông bà mệt, không thể lên nương, cháu phải nghỉ học ở nhà, làm lụng đủ thứ việc, từ rửa bát, cho gà ăn, lên nương… Đi học những tưởng được vui, nhưng nhiều hôm cháu bỏ về giữa chừng vì bạn bè xa lánh, trêu chọc con nhà bố mẹ đi tù… “Năm nay, vì ông bà yếu rồi, cháu không đi học nữa. Cháu ở nhà giúp ông bà nuôi em thôi”, Thủy bộc bạch khi đôi mắt còn rớm nước.
Nghe rõ từng lời của đứa trẻ non nớt ấy, nhưng ông bà nội cháu cũng lực bất tòng tâm. Bởi ông D. năm nay đã ở tuổi 94, còn bà S. cũng chỉ kém ông 3 tuổi - thân đã như chiếc lá khô trên cành, không biết đi ở lúc nào. Rồi khi ấy, số phận của những đứa trẻ sẽ về đâu?.
Pháp luật thượng tôn, chưa kể ác nghiệp đã gieo thì ác báo phải nhận. Chỉ xót xa rằng, những bậc sinh thành trước khi gieo mình vào “cái chết trắng” đã vì lợi ích trước mắt, ham muốn, mê muội của bản thân mà đẩy cả cốt nhục vào đoạn trường. Và, trong tủi khổ ấy, dù đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân đùm bọc, cưu mang, giúp đỡ phần nào, nhưng chắc chắn chẳng thể hơn được hơi ấm của tình mẫu tử!.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Mường Lát, tính từ ngày 1-10-2022 đến 30-6-2023, Tòa án Nhân dân huyện Mường Lát đã thụ lý 63 vụ án hình sự với 93 bị cáo. Trong đó, số vụ án về ma túy chiếm trên 70%.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/dau-xanh-nao-co-toi-gi/192808.htm