Đầu Xuân mới trên những cánh đồng ở Bạc Liêu
Ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chúng tôi 'theo chân' lãnh đạo tỉnh, thành phố Bạc Liêu và một số địa phương đến thăm một số xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc Khmer, vùng ven biển của tỉnh Bạc Liêu để tìm hiểu, ghi nhận không khí sản xuất đầu Xuân mới của nông dân trong tỉnh.
Từ thành phố Bạc Liêu đến các xã vùng sâu các huyện Hồng Dân, Phước Long, Vĩnh Lợi, Đông Hải, Hòa Bình..., đến đâu chúng tôi cũng ghi nhận không khí của nông dân trong tỉnh vừa ăn Tết, đón Xuân Giáp Thìn vui vẻ, phấn khởi.
Nông dân các huyện thuộc phía bắc quốc lộ 1A (vùng nước ngọt, chuyên sản xuất lúa, kết hợp lúa - tôm), bà con rất vui vì năm nay lúa trúng mùa lại được giá. Nhờ vậy, không khí đón Xuân ở các vùng quê như ở các huyện Hồng Dân, Phước Long, Vĩnh Lợi, thị xã Giá Rai và một phần của huyện Hòa Bình, nông dân rất phấn khởi, tươi vui.
Đến thăm mô hình lúa - tôm của một số hộ nông dân ở ấp Ninh Chài, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), trò chuyện với các hộ nông dân, chúng tôi được biết, ở hầu hết các xã của huyện Hồng Dân, vụ lúa vừa qua, nông dân thu hoạch năng suất đạt từ 8-9 tấn/ha. Nhiều hộ trồng lúa kết hợp nuôi tôm đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Phạm Văn Đấu ở xã Ninh Quới A (huyện Hồng Dân) cho biết, trước Tết Giáp Thìn, gia đình ông thu hoạch gần 20 công lúa, năng suất đạt hơn 8 tấn/ha. Lúa được mùa, trúng giá, gia đình ông và các hộ nông dân trong xã rất vui, ăn Tết chu đáo. Ngay sau Tết, gia đình ông tiếp tục sản xuất theo mô hình lúa - tôm.
Tiếp đó, chúng tôi đến thăm công tác vận hành và điều tiết nước trong điều kiện hạn, mặn tại Âu thuyền Ninh Quới thuộc huyện Hồng Dân. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, từ khi được tỉnh và Trung ương đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Âu thuyền Ninh Quới, sản xuất nông nghiệp của nông dân vùng này rất thuận lợi.
Công trình thủy lợi này có tác dụng ngăn mặn, giữ ngọt và điều tiết nước phục vụ sản xuất lúa và nuôi tôm. Nhờ vậy, đã góp phần rất quan trọng cho sản xuất nông nghiệp tại các huyện Hồng Dân, Phước Long và một phần thuộc huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).
Dịp này, chúng tôi tiếp xúc với một số hộ nông dân ở xã Vĩnh Phú Đông và Ban Quản trị Hợp tác xã Quyết Tiến của xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long. Nhiều hộ nông dân và lãnh đạo Hợp tác Quyết Tiến đã phản ánh những thuận lợi, khó khăn về tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Đồng thời, kiến nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa giúp nông dân xây dựng thêm các sản phẩm OCOP để thuận tiện trong việc tiêu thụ sản phẩm trong thời buổi mở cửa và hội nhập hiện nay.
Chúng tôi đã cùng đi đoàn cán bộ của Ủy ban nhân dân thành phố Bạc Liêu do đồng chí Lê Kim Thúy, Chủ tịch Ủy ban nhân thành phố, làm trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp đầu năm trên địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông.
Chúng tôi đến tham quan, thăm hỏi tình hình hoạt động các mô hình trồng rau màu, cây ăn trái của nông dân như: Trồng táo trái to, rau thì là, cây thanh nhãn; kiểm tra hoạt động các tổ hợp tác tưới tiêu phục vụ trồng màu, nuôi tôm. Nghe cán bộ địa phương báo cáo những mặt hạn chế, khó khăn trong sản xuất do ảnh hưởng của triều cường dâng cao, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024.
Sau khi trực tiếp đến tận nhiều hộ nông dân ở xã Vĩnh Trạch Đông, trong đó có một số hộ Khmer, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bạc Liêu Lê Kim Thúy có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo chủ chốt xã Vĩnh Trạch Đông.
Theo đồng chí Ngô Yến Nhiên, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Trạch Đông, xã thuộc vùng ven biển, có hơn 70% dân số là đồng bào Khmer, nhiều hộ dân chuyên sống bằng nghề làm rẫy với các loại rau màu. Mặc dù mấy năm qua thành phố Bạc Liêu và tỉnh rất quan tâm về mọi mặt đến xã Vĩnh Trạch Đông nhưng hiện nay xã vẫn còn không ít hộ cuộc sống còn khó khăn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bạc Liêu Lê Kim Thúy đề nghị các đơn vị liên quan, xã Vĩnh Trạch Đông khẩn trương tổ chức nạo vét các tuyến kênh thủy lợi, kênh nội đồng nhằm phục vụ sản xuất 50ha lúa BL9 sẽ triển khai trong năm nay.
Đồng thời, cần theo dõi sát tình hình xâm nhập mặn để chủ động ứng phó, dự báo cho nông dân; đặc biệt, có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đối với gần 500ha đất nông nghiệp đang hoang hóa; nhân rộng các mô hình có giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn; phát huy tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp để phát triển các mô hình du lịch sinh thái nhằm góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội của xã Vĩnh Trạch Đông, một xã vùng ven biển có vị trí quan trọng của tỉnh và thành phố Bạc Liêu.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dau-xuan-moi-tren-nhung-canh-dong-o-bac-lieu-post796486.html