Dạy chữ ở bản Mông

PTĐT - Điểm Trường Tiểu học Thu Cúc 2 ở khu Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn nằm ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Nơi đây đã và đang có những câu chuyện 'cổ tích đời thường' từ tình yêu nghề, yêu trò của các thầy cô giáo nơi này.

Niềm vui giờ ra chơi của các em học sinh tại điểm Trường Tiểu học Thu Cúc 2, khu Mỹ Á, huyện Tân Sơn.

Niềm vui giờ ra chơi của các em học sinh tại điểm Trường Tiểu học Thu Cúc 2, khu Mỹ Á, huyện Tân Sơn.

PTĐT - Điểm Trường Tiểu học Thu Cúc 2 ở khu Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn nằm ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Nơi đây đã và đang có những câu chuyện “cổ tích đời thường” từ tình yêu nghề, yêu trò của các thầy cô giáo nơi này.

Thầy Hà Thế Hùng - giáo viên có thâm niên nhất tại điểm Trường Tiểu học khu Mỹ Á là người đã chứng kiến từng bước thay đổi của nơi đây, nhớ lại, những ngày đầu tiên về công tác, tất cả mọi thứ ở đây vẫn còn hoang sơ, hẻo lánh. Thời điểm ấy, các thầy cô phải nhờ người dân leo lên tận những khe suối cao, vắt vẻo trên núi chặt ống tre dẫn nước xuống trường sử dụng. Tối đến, không có điện những giáo viên bám bản phải chong đèn dầu soạn giáo án. Phòng học khi ấy còn tạm bợ, ban ngày được sử dụng để học sinh học tập, ban đêm các thầy giáo lại trải bạt, nệm ra ngủ.
Thầy Hùng vẫn còn nhớ như in kỷ niệm những ngày đầu: “Những năm 2007-2008, Mỹ Á là một điểm trường khó khăn. Muốn vào được bản phải lội nhiều khúc suối. Mưa thì càng khó khăn hơn nên giáo viên có khi phải ở lại trường cả tuần, đôi khi hết gạo ăn. Còn nhớ khi về trung tâm mua gạo, lúc về trời mưa rất to, không dám đi đường cũ vì lắm suối nên mình đi đường tắt theo lối mòn. Trời thì tối, đường không biết, mình nghĩ cứ đường quang mà đi ai ngờ là lối đi của trâu bò. Khi ấy cả người và xe đã lao vào giữa bụi nứa”.Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, Mỹ Á còn là bản 100% người Mông nên quá trình giảng dạy cho học sinh gặp rất nhiều khó khăn. Đa số học sinh đều thuộc diện hộ nghèo, các thầy cô phải tới tận nhà động viên phụ huynh cho các em đi học. Không những vậy, khi ở trên lớp, các thầy cũng phải kèm cặp, giảng giải cho các em kỹ càng hơn so với học sinh miền xuôi… Dù có vô số khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện học tập nhưng các thầy vẫn cố gắng khắc phục với mong muốn tương lai các em ngày càng trưởng thành để xây dựng quê hương ấm no hơn.

Các em học sinh trong tiết Tiếng Việt.

Các em học sinh trong tiết Tiếng Việt.

Ở điểm Trường Tiểu học khu Mỹ Á ngày nay, có nhiều thầy giáo đứng lớp là những học sinh trưởng thành từ chính mái trường này. Về công tác tại trường từ năm 2014, thầy Sùng A Sinh chính là một trong những học sinh lứa đầu tiên của trường trở về quê hương để làm nghề “gõ đầu trẻ”. Thầy Sinh chia sẻ: “Ngày nhỏ hằng ngày đi học, tới lớp được gặp thầy cô tôi đã thích nghề dạy học và ước mơ sẽ trở thành một giáo viên để có thể dạy học cho chính các em của bản mình. Kể từ đó ước mơ làm giáo viên luôn là động lực để tôi cố gắng học tập, vươn lên”.Nhiều người dân ở Mỹ Á bây giờ vẫn kể chuyện thầy Sinh và thầy Mùa A Hành… cho con, cháu như là chuyện “cổ tích” về những người con của quê hương đã học tập, trưởng thành và trở lại xây dựng bản làng. Những người ông bà, cha mẹ người Mông tại Mỹ Á hôm nay càng có thêm động lực, cố gắng cho con cháu được học tập đầy đủ hơn để lớn lên trở thành người có ích với quê hương.Niềm vui của các thầy giáo nơi đây chính là học sinh của mình đọc thông, viết thạo, tiếp thu tốt các bài học và chăm ngoan, lễ phép. Những em học sinh nơi đây khi Tết đến xuân về mang những món quà cây nhà, lá vườn như: khúc mía, quả cam, chuối hay mấy bông hoa dại ven đường tặng cho các thầy cô thay lời tri ân giản dị, chân thành.Điểm Trường Tiểu học ở Mỹ Á nay đã đổi thay. Các lớp học được xây kiên cố, sách vở và đồ dùng học tập đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh học tập và cho các thầy cô giảng dạy. Chính những người thầy cô giáo miệt mài cắm bản Mỹ Á, chăm chút từng nét bút, giọng phát âm cho các em học sinh đã và đang tạo nên những câu chuyện cổ tích đời thường tại nơi đây. Những câu chuyện cổ tích ấy không kể về những phép màu xa xôi, mà kể về những đổi thay từng ngày của thế hệ trẻ của Mỹ Á và rộng hơn là kể về những ấm no của quê hương, bản làng Mỹ Á.

Trà My

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-mien-nui/202101/day-chu-o-ban-mong-174681