Dạy con cũng lắm công phu

Đồng nghiệp tôi có 2 đứa con gái, than rằng, dạy con khó quá đi mất. Cô bạn khác thì bảo, sinh con một bề dễ 'quản lý' hơn. Để có đủ thời gian và kinh nghiệm thực tế mà dạy dỗ lẫn… đối phó với con, cũng mệt mỏi và nhiêu khê lắm chứ chẳng đùa! Những bi hài xoay quanh 'nghề' dạy con, tưởng quen thuộc và nhỏ nhặt, hóa ra cũng nhiều chuyện khó lường.

Cha mẹ không nhất thiết việc gì cũng làm thay con cái nếu như muốn để chúng lớn khôn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cha mẹ không nhất thiết việc gì cũng làm thay con cái nếu như muốn để chúng lớn khôn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

1. Ở trung tâm thương mại, ba mẹ con nhà kia đang loay hoay. Đứa chị nằng nặc muốn xem phim. Đứa nhỏ, rút kinh nghiệm từ lần trước là vẫn chưa đọc được phụ đề, vừa coi vừa… tự thuyết minh, cương quyết phản đối. Đứa lớn, quá tuổi để theo em lăn lê bò toài với lego, xe hơi mô hình, liền quay sang sửng cồ: “Sao lúc nào em cũng khăng khăng theo ý mình vậy?”. Để chấm dứt tranh cãi, 2 đứa quay sang mẹ, chờ câu “dứt điểm”. Thỏa thuận về lần này, lần sau? Hay một lựa chọn thứ ba, để dung hòa?

Tôi chợt nhớ tới 2 đứa con mình. Thằng em, chắc uống nhầm… sữa voi, nên to lớn bè bè, chuyên ăn hiếp chị. Cứ sểnh ra, gấu ó nhau là chàng… động thủ. Chủ yếu là con chị trêu chọc cho thằng em nổi khùng. Đứa nhỏ vốn cộc tính, xô chị, hất đổ công trình đồ chơi nào đó. Vậy là lu loa lên. Làm chị thật khó, nhưng mà thật vui. Câu thơ cải biên đẹp đẽ ấy, bao lần tôi “múa minh họa” về phận làm chị. Cho tới lúc, con bé hỏi ngược lại khiến tôi vô cùng chưng hửng: “Tại sao con lại phải nhường em chứ?!”.

Giải thích thế nào đây, khi chúng ta vốn quen với bất công: lớn phải nhường nhỏ, anh/chị đương nhiên phải nhịn em, nếu có lỗi gì ầm ĩ thì phạt cả hai đứa luôn cho tiện?! Câu nói kinh khủng mà nhiều năm trước, con gái tôi thốt lên “cổ vũ” khi thấy mẹ la rầy em: “Mẹ đánh nó luôn đi, la làm chi mắc công” hẳn không là chuyện cá biệt.

2. Con gái lúc nhỏ siêng học, dễ đạt thành tích hơn con trai? Chuẩn! Chuyện học của các chàng tuổi nhi đồng, thật miễn bình luận. Mà con trai trung học, cũng phải kêu trời về ý thức tự giác của chàng. Ôi thôi là ham chơi, là lười biếng, là cẩu thả. Nói nào ngay, nó thông minh và ít lo ra hơn con gái. Tuổi nào tật nấy, đành chấp nhận. Nhưng con trai, dỗ dành thường ít hiệu quả, la hét càng trơ trơ, dùng chiêu khích tướng có khi lại… ăn tiền.

Cảnh bà mẹ gào lên, bất lực hăm dọa sẽ quất cho mỗi đứa vài roi cho đỡ tức thật dễ gặp. Riết rồi cũng nhàm, không thể cứ tăng âm lượng và mức độ hung dữ lên để dẹp loạn. Tôi nghiệm ra rằng, con trai hay con gái thì đều hảo ngọt hơn là “bạo lực”. Nhưng con gái thích được khen, còn con trai thì ưa… hăm dọa. Nên tùy cơ ứng biến. Lúc thủ thỉ. Khi giả vờ giận, bỏ mặc. Hiệu quả bất ngờ.

Để ý mà xem, con trai dễ được mẹ xuề xòa bỏ qua, bởi cu cậu thường hay nịnh nọt, lại nhát đòn, mẹ chưa đánh roi nào đã khóc. Chỉ cần chàng nở nụ cười cầu tài, chạy lại ôm lấy mẹ, mắt nhấp nháy, miệng xoen xoét: “Em yêu mẹ”, là khối đàn bà nhẹ dạ mềm ra như bún, nỡ nào! Con gái tôi từ nhỏ đã rụt rè nhút nhát, ngại giao tiếp. Dắt ra nơi công cộng, tập mãi, con bé mới quen với việc tự mua vé, mua kem, tự mình hỏi han các việc này nọ… Nếu người mẹ mất kiên nhẫn, sẽ dễ nổi cáu và muốn làm thay con cho nhanh thì mãi rồi con vẫn chưa thể tự lập được.

3. Những việc dạ thưa, chào hỏi, ai cũng biết và dạy con đầu tiên. Bà mẹ khoan thai, nhẹ nhàng, thường ít khi sở hữu đứa con cộc cằn, ăn to nói lớn. Bàn tiệc đông người, đứa con bươi xới tìm miếng ngon, ăn hỗn, cũng không phải là hiếm gặp. Lặt vặt thôi, nhưng nếu quen từ thuở bé mọn, sau này dễ thành nếp nhà, nết người… Cô bạn tôi dành cho con một câu cực kỳ đáng học hỏi: “Sống phải có niềm vui” khi thấy đứa con gái nhỏ đụng chút không vừa ý là xụ mặt xuống. Rèn cho con thoải mái giơ tay phát biểu, nói năng, hát hò… cũng là việc nên làm, khi mà xã hội đề cao sự tự tin của những đứa trẻ năng nổ, linh hoạt.

Cuộc sống phức tạp, dạy con cũng “ăn theo thuở, ở theo thời”. Ở tuổi mầm non thì dạy trẻ thuộc lòng tên tuổi, số điện thoại, cách ứng phó khi đi lạc. Lớn hơn chút, lũ nhóc phải biết cách đề phòng người lạ, tự bảo vệ mình, cái gì cũng cần hỏi “tại sao”, trước khi chấp nhận. Con gái hay con trai, cũng đầy bất trắc như nhau cả.

Năm trước, trên mạng chia sẻ hình ảnh cậu con trai to lớn dềnh dàng ngồi trên yên, để bà mẹ dắt xe qua đoạn đường ngập nước. Nhiều người tỏ ra phẫn nộ, chửi mắng, xỏ xiên thằng nhóc “đi học làm gì cho nó phí”, nhưng lại quên mất, chính bà mẹ đã xem chuyện đó bình thường…

Không chỉ con trai mới vô tâm, mà các bé gái lắm khi cũng thờ ơ. Nhiều bà mẹ đầu tắt mặt tối, không nhận ra, con mình đang thản nhiên ngồi chơi đợi mẹ dọn cơm, chẳng hề biết phụ chút việc vặt. Chúng ta đang quá nuông chiều, bảo bọc, rồi lại xoay ra mắng, con cái lười biếng, ỷ lại, thiếu kỹ năng sống khi chúng lớn tướng mà chẳng biết tự dọn dẹp phòng riêng, giặt giày, phơi áo của mình, chứ đừng nói tới chuyện nấu cơm, quét nhà, chà toilet cho cả gia đình. Lại có bà mẹ quan niệm, con trai thì cần gì phải biết mấy việc vặt như thế: Ở nhà đã có mẹ hầu, sau này thì vợ nó chăm, lo gì!

Điều quan trọng nhất là, hiếu thảo cũng phải dạy mới có, chứ không thể đương nhiên con biết. Đừng tự biến thành bà mẹ tất bật, cái gì cũng dành cho con, để cho con, rồi thất bại khi con cái chỉ vô tình biết nhận.

HOÀNG MY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/day-con-cung-lam-cong-phu-666176.html