Dạy đại học là dạy gì?

'Đại học ngày nay dạy chán quá, sinh viên ra trường toàn phải được doanh nghiệp đào tạo lại từ đầu!'; 'Các môn học ở đại học toàn lý thuyết suông và không phục vụ gì cho công việc thực tế sau này'. Đây là hai trong số những lời than phiền rất phổ biến từ phía doanh nghiệp và sinh viên mà chúng ta có thể nghe hàng ngày. Vậy, doanh nghiệp và sinh viên thực sự trông chờ gì vào chương trình đào tạo đại học?

Sinh viên chụp hình kỷ yếu ngày ra trường. Ảnh: T.L

Sinh viên chụp hình kỷ yếu ngày ra trường. Ảnh: T.L

Tình cờ có lần người viết đã nghe lỏm được câu chuyện của hai vị là chủ doanh nghiệp khi ngồi ở một quán cà phê. Một trong hai vị kể lại rằng anh vừa phỏng vấn một sinh viên mới ra trường, khi hỏi về các vấn đề mà anh tin là đơn giản, bao gồm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất cho công ty, các quy định về khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp và đăng ký sáng chế thì ứng viên không nắm được chính xác hoàn toàn các bước thực hiện. Vị chủ doanh nghiệp nọ thốt lên một cách ngạc nhiên rằng không hiểu “em ấy đã được dạy cái gì suốt bốn năm đại học?”.

Cử nhân đại học: một “quý ngài biết tuốt”?

Vì là người tham gia giảng dạy trong lĩnh vực pháp luật, nếu được doanh nghiệp hỏi câu hỏi trên, người viết sẽ trả lời rằng: Bốn năm đại học, sinh viên ngành luật tất nhiên sẽ được dạy luật, nhưng không vì thế mà thành “quý ngài biết tuốt” mọi thứ về luật.

Luật là một ngành bao quát gần như toàn bộ mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, lĩnh vực nào có sự quản lý của Nhà nước là hiển nhiên có quy định pháp luật. Ngay trong “bộ” câu hỏi trên của người chủ doanh nghiệp, chúng ta có thể thấy sự hiện diện của ba lĩnh vực: đất đai, thuế và sở hữu trí tuệ. Chúng ta có thể yêu cầu cử nhân mới tốt nghiệp hiểu được bản chất của từng loại luật nhưng yêu cầu họ phải thuộc làu các quy định cụ thể của mọi lĩnh vực là vô lý, vô lý đối với cả luật gia “sừng sỏ” nhất.

Người viết cũng tin là không riêng gì lĩnh vực pháp lý, bất cứ lĩnh vực nào cũng sẽ có các phân ngành, rồi các nhánh nhỏ hơn và rõ ràng nắm được hết kiến thức về nó là một điều bất khả thi.

Hơn nữa, việc thuộc làu mọi điều luật, nếu được, là quá tốt nhưng là công việc không nhất thiết phải làm trong khi chỉ cần một động tác mở văn bản ra đọc là nắm được. Còn nhớ trong cuốn sách về tiểu sử của thiên tài vật lý Einstein, “Einstein – Cuộc đời và Vũ trụ”, Walter Isaacson tiết lộ rằng Einstein, lúc đó đã rất nổi danh với thuyết Tương đối, từng không nhớ tốc độ của âm thanh là bao nhiêu khi tham gia một cuộc thi đố vui. Và khi mọi người tỏ vẻ ngạc nhiên về điều đó, ông thản nhiên bảo rằng việc gì ông phải ghi nhớ tốc độ của âm thanh khi mà điều đó ghi đầy trong các cuốn sách giáo khoa!

Tất nhiên, quá tốt khi chúng ta nhớ được nhiều kiến thức nhưng nếu chúng ta không nhớ được một số kiến thức nào đó vì chúng dễ dàng có thể tiếp cận được khi cần thì không có nghĩa là chúng ta kém cỏi.

Vậy đào tạo đại học là đào tạo gì?

Câu trả lời là đào tạo cách tư duy hệ thống.

Thật vậy, đào tạo đại học hướng đến mục tiêu hình thành tư duy hệ thống cho người học chứ không phải là dạy tất tần tật các kiến thức hay kỹ năng hành nghề thực tiễn. Nói như thế không có nghĩa là kỹ năng thực hành không quan trọng, vì để đạt được thành công trong bất cứ nghề nghiệp nào thì kỹ năng làm nghề là luôn cần thiết. Nhưng đó không phải là mục tiêu cốt lõi của đào tạo đại học.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực pháp lý, sinh viên tất nhiên sẽ được học các kiến thức về pháp luật nhưng không phải là về tất cả các quy định pháp luật theo kiểu học thuộc lòng. Họ sẽ được học các kiến thức căn bản, phản ánh bản chất của một lĩnh vực pháp lý cụ thể, thể hiện được sự bài bản của quá trình đào tạo.

Họ cũng học được một số kỹ năng nhưng là những kỹ năng về phân tích luật, vận dụng quy định pháp lý để giải quyết các vấn đề thực tiễn, không phải là kỹ năng hành nghề. Nghĩa là, khi học xong một môn luật, sinh viên được coi là đạt yêu cầu nếu như họ có được cách nhìn mang tính hệ thống về luật đó, hiểu được cách thức mà luật đó vận hành cũng như cách áp dụng chúng trên thực tế.

Kiến thức là vô bờ bến. Điều này ai cũng hiểu rõ. Chưa kể, kiến thức không phải là một thực thể tĩnh lặng, nó luôn thay đổi và phát triển mỗi ngày. Thậm chí, kiến thức mà ngày nay chúng ta cho là chân lý thì ngày mai có thể đã lạc hậu lỗi thời. Kỹ năng hành nghề cũng như vậy. Nếu buộc sinh viên hôm nay phải thông làu các kiến thức, kỹ năng làm việc cụ thể thì có thể trở thành lãng phí vào ngày mai bởi thế giới khi đó không còn cần kỹ năng đó và kiến thức kia thì đã trở nên lạc hậu.

Thay vào đó, mục tiêu đào tạo ở đại học là truyền dạy khối kiến thức căn bản và tư duy hệ thống, khoa học. Đây chính là nền tảng giúp sinh viên dễ dàng tiếp thu những tri thức cụ thể, cập nhật khi tiếp cận các vấn đề trong thực tiễn. Do đó trên thực tế, không có một chương trình đại học nào hay một giảng viên nào đặt mục tiêu đào tạo sinh viên có thể bắt tay ngay vào công việc một cách trơn tru ngay khi mới ra trường. Để làm được điều này, chúng ta luôn cần có sự tham gia của các bên có liên quan.

Xây dựng nguồn nhân lực hiệu quả: trách nhiệm không của riêng đại học!

Con đường từ giảng đường ra đến môi trường làm việc thực tế bắt buộc sinh viên phải tiếp thu các kiến thức mới, rèn luyện các kỹ năng mới để có thể thích nghi với công việc. Con đường đó cần có sự tham gia vun đắp của cả ba bên, gồm nhà trường, người học và doanh nghiệp. Mỗi bên có những trọng trách riêng cần thực hiện để có thể có được nguồn lao động hiệu quả.

Đối với đại học, trọng trách đó là trang bị cho người học kiến thức nền và lối tư duy khoa học để có khả năng tiếp thu kiến thức và kỹ năng mới. Công việc của sinh viên là học thật nghiêm túc các kiến thức này khi còn ngồi trên ghế giảng đường và tâm niệm rằng không có môn học nào là lãng phí hay vô ích. Kiến thức đối với mỗi cá nhân chỉ có thể thiếu, không bao giờ là thừa. Đối với doanh nghiệp, trách nhiệm của họ là cần xây dựng lộ trình để hướng dẫn và giúp nhân sự mới thích nghi với môi trường thực tiễn, tiếp cận những tri thức mới cập nhật và rèn kỹ năng hành nghề phù hợp.

Chương trình đào tạo đại học có thể bổ sung một số môn học mang tính ứng dụng thực tiễn hoặc tổ chức một số lớp ngoại khóa hướng dẫn kỹ năng cho sinh viên nhưng rõ ràng đó là những lớp học mang tính bổ trợ, không phải là khối kiến thức trọng tâm trong mục tiêu đào tạo và tất nhiên không thể thay thế doanh nghiệp trong vai trò hướng dẫn thực hành nghề cho nhân sự mới.

Như vậy, xét dưới khía cạnh xã hội, đào tạo ra đội ngũ nhân lực hiệu quả cho nền kinh tế không phải là trách nhiệm riêng của đại học hay bất cứ một trường đào tạo nào nói chung. Đây là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả nhà trường, người học lẫn người sử dụng lao động. Thiếu bất cứ một khâu nào cũng làm gãy chuỗi đào tạo, dẫn đến nguồn nhân lực kém chất lượng.

Những hệ lụy

Kỳ vọng có một chương trình đào tạo đại học có thể đảm bảo nguồn nhân lực ngay lập tức bắt tay vào công việc thực tiễn một cách hiệu quả khi mới rời khỏi giảng đường là một đòi hỏi thiếu thực tế. Sự nhầm lẫn này có thể dẫn đến tư duy ăn xổi, thái độ lười biếng và thiếu thiện chí học hỏi của sinh viên.

Sai lầm này cũng khiến doanh nghiệp có những đòi hỏi không chính đáng đối với ứng cử viên là sinh viên mới ra trường khi tuyển dụng, khiến các tân cử nhân không có nhiều cơ hội để tìm được việc làm còn doanh nghiệp có thể bỏ qua cơ hội có được nguồn nhân lực được đào tạo bài bản để chọn phải những “chú vẹt” kiến thức. Những “chú vẹt” này vì không có kiến thức nền và tư duy hệ thống sẽ dễ bị đào thải trong một nền kinh tế luôn sẵn sàng có những cuộc cách mạng mới về tri thức.

Về phía đại học, sự kỳ vọng quá mức như nói trên sẽ dẫn đến các trường “thi đua” mở những khóa học gọi là đào tạo kỹ năng. Trên thực tế, những khóa học này khó chứng minh được tính hiệu quả bởi thời gian đào tạo ngắn và rõ ràng không có môi trường thực tiễn để thực hành, dạy không “tới” nên trở thành một dạng “kỹ năng chay”. Đó là sự lãng phí về cả tiền bạc lẫn thời gian chung cho xã hội. Do đó, hiểu rõ được vai trò cốt lõi của đào tạo đại học sẽ giúp các bên liên quan có thái độ đúng đắn và hợp lý hơn khi xây dựng nguồn nhân lực hiệu quả.

(*) Giảng dạy môn Luật Sở hữu trí tuệ, khoa Luật Kinh tế, Đại học Kinh tế – Luật

Lâm Nghi (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/day-dai-hoc-la-day-gi/