Day dứt còn mãi cho người ở lại

Sau bao năm sống với đủ ngọt bùi, sóng gió, chứng kiến tất cả những gì xảy ra xung quanh, tôi thấy rằng trong tất cả các mối quan hệ xã hội, mối quan hệ giáo viên ứng xử với học trò là vô cùng quan trọng - một giáo viên cay đắng tâm sự sau khi xảy ra sự việc trẻ mầm non tử vong trên xe đưa đón.

Sau 5 năm, vụ việc trẻ mầm non tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón lặp lại rúng động dư luận

Bỏ quên học sinh trên xe: Cần có quy định từng phần trách nhiệmĐỌC NGAY

Vụ việc trẻ tử vong vì bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón xảy ra ngày 6/8/2019 tại Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội). Cháu bé Lê Hoàng Long đi xe ô tô đưa đón học sinh để đến trường. Đến 16 giờ 45, gia đình nhận được cuộc gọi của cô giáo phụ trách đón cháu bé thông báo cháu bé đã tử vong.

Nguyên nhân do cháu bị bỏ quên trên xe trong tiết thời nắng nóng, thời gian qua sáng, trưa, chiều.

Cháu Long bị để quên trên xe ô tô từ 7 giờ 23 phút đến 16 giờ 15 phút ngày 6/8/2019 dẫn đến việc cháu bị tử vong do suy hô hấp tuần hoàn trong không gian giới hạn.

Những tưởng sau sự việc kinh hoàng đó, tất cả hệ thống trường học có xe đưa đón học sinh đã siết lại các quy tắc an toàn để bảo vệ trẻ. Trong hệ thống các quy tắc không có gì khó và nhiều đó, sự việc đau lòng không bao giờ lặp lại để người lớn chúng ta không phải lần nào day dứt nữa.

Nhưng bàng hoàng thay khi tối ngày 29/5, cũng những ngày nóng bức nhất, cũng trẻ ngủ quên trên xe đưa đón, cũng người lớn tắc trách, cũng hệ thống quy tắc bị vi phạm và một linh hồn bé bỏng, đáng yêu đã không còn nữa. Cháu bé T.G.H, Trường Mầm non Hồng Nhung (xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình) bị bỏ quên trên xe đưa đón đã tử vong - Công dân và Khuyến học đã đưa tin.

Những người vi phạm quy trình an toàn bảo vệ trẻ bị bắt và sẽ ra tòa. Bị can bị khởi tố ngay trong đêm và bị bắt giữ ngay hôm sau. Nhưng sự việc không chỉ dừng lại ở đó, dư luận không khỏi xót thương và bàng hoàng, tại sao bài học cũ không có tác dụng? Nỗi đau lặp lại xót lòng thế?

Tôi rất tâm đắc với bài viết của một nhà giáo với quan điểm: nếu không yêu trẻ thì đừng làm giáo viên mầm non. Bạn có thể làm nhiều nghề để mưu sinh, nhưng làm giáo viên mầm non thì không chỉ để nhận lương hằng tháng, đó là công việc đòi hỏi sự mẫn cán hơn cả một người mẹ, sự yêu thương và nâng niu con trẻ hơn cả một gia đình. Chưa kể, đó là nghề nghiệp đòi hỏi không một lần nào được vi phạm quy tắc, bởi vì nó liên quan đến sinh mạng và sự an toàn của con trẻ.

Trường học an toàn cho trẻ

Một nhà giáo khác viết rằng có một kỹ năng cần thiết lắm cho mỗi giáo viên. Người cần học lại kĩ năng này, người rèn lại kĩ năng này, không ai khác, chính là giáo viên. Học hằng ngày bên trẻ, học để hoàn thiện nghề nghiệp cùng với mục tiêu bảo đảm an toàn cho trẻ, xây dựng môi trường sư phạm văn minh.

Khi và chỉ khi giáo viên biết, nghe, nói, hiểu và hành đúng nghĩa "đặt mình vào vị trí của học trò". Chỉ cần thế thôi! Nếu giáo viên đặt mình vào bạn nhỏ, bạn ấy sẽ không bị bỏ quên trên xe ô tô cả ngày và con không ra đi mãi mãi!

Và giáo viên đặt mình vào vị trí học trò, sẽ không có những cái chết thương tâm xảy đến với các con, các con học trò không bị tổn thương, bố mẹ và gia đình học trò sẽ không bị đau đớn tận cùng của nỗi đau… Có những mất mát tiếc thương, đau đớn chỉ có người bố người mẹ mất con mới thấu tận tim gan, đi suốt tới hết cuộc đời này không bao giờ lành.

Và suy nghĩ rộng ra, tất cả các vấn đề giáo dục trong nhà trường hiện nay, các giáo viên một lần "trẻ lại", "mầm non hóa" thành trẻ nhỏ, giáo viên sẽ không phải "chơi trò đuổi bắt" học trò trong từng tiết học; sẽ không phải "phồng mang trợn mắt" phóng ánh mắt bực bội về phía học trò; không bao giờ phải đi "điều tra" về các vấn đề liên quan đến học trò. Học trò sẽ tin tưởng thầy cô, yêu môn học của cô, "làm thân" với cô, để cô "chiếm" hết những tâm điểm của ước mơ tuổi thơ.

Môi trường giáo dục là môi trường bao gồm các yếu tố và điều kiện mà học sinh và giáo viên tương tác và tham gia vào quá trình giảng dạy và học tập. Đây là môi trường ảnh hưởng đến việc truyền đạt và tiếp thu kiến thức, phát triển kỹ năng và hình thành nhân cách của học sinh.

Giáo viên ứng xử đúng mực nhưng cần có cảm xúc yêu thương học trò "đặt mình vào vị trí học trò" trong từng ánh mắt, cử chỉ, lời nói, việc làm, trong từng tiết giảng… thì môi trường giáo dục mới trở thành môi trường tin tưởng của phụ huynh và toàn xã hội.

Hãy trả lại đúng nghĩa "Môi trường nhà trường là nơi an toàn cho từng em học sinh và phụ huynh yên tâm nhất".

"Mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Đó là câu khẩu hiệu dễ dàng bắt gặp ở bất kỳ trường học nào. Đây cũng chính là mục tiêu mà giáo dục Việt Nam hướng tới. Đừng để trò sợ trường!

Hà Phong

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/day-dut-con-mai-cho-nguoi-o-lai-179240530201633145.htm