Day dứt những vụ án vì tình
Cuộc sống gia đình hẳn không tránh được những lúc cơm không lành, canh không ngọt - thậm chí là những xung đột không dễ giải quyết. Song không thể vì thế mà bất chấp tất cả, tự đẩy mình vào con đường phạm tội, tự ý tước đoạt quyền sống của người khác một cách mù quáng.
Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra không ít vụ án sát hại người mình từng má ấp môi kề - khiến cho những người liên quan không khỏi bàng hoàng, đau xót.
Cuộc sống gia đình hẳn không tránh được những lúc cơm không lành, canh không ngọt - thậm chí là những xung đột không dễ giải quyết. Song không thể vì thế mà bất chấp tất cả, tự đẩy mình vào con đường phạm tội, tự ý tước đoạt quyền sống của người khác một cách mù quáng.
Có lẽ những người tham gia phiên xét xử vụ án Giết người do đối tượng Trần Mạnh Hùng (SN 1990, trú ở Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) gây ra đều ít nhiều bị ám ảnh. Do nghi ngờ vợ có quan hệ "ngoài luồng", Hùng đã dùng hung khí sát hại một cách dã man người mà mình từng yêu thương nhất.
Cuồng ghen gây họa
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, vào khoảng năm 2010, Trần Mạnh Hùng và chị Vũ Thị S. (SN 1988) tổ chức đám cưới, sau một quãng thời gian yêu đương nồng thắm. Sau khoảng 8 năm chung sống, Hùng nghi ngờ người phụ nữ của đời mình có quan hệ tình cảm với người đàn ông khác. Máu ghen nổi lên nhiều lần, Hùng căn vặn, chất vấn người vợ hơn mình 2 tuổi, song chị S. nhất quyết phủ nhận. Những cuộc cãi vã và thậm chí là xô xát xảy ra như cơm bữa. Rồi đến một ngày...
Vào khoảng 18 giờ ngày 17/3/2019, Hùng mò vào trang Facebook của vợ với mục đích tìm chứng cứ ngoại tình. Anh ta phát hiện tin nhắn chị S. hẹn hò với người đàn ông tên Đỗ Trọng T. (SN 1991, quê Thanh Hóa) đến nhà nghỉ. Hùng vội lấy xe máy bí mật bám theo vợ.
Sau khi thấy chị S. vào nhà nghỉ Hoa Nam (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội), Hùng không theo vào ngay mà ghé quán trà đá bên cạnh để tiếp tục theo dõi. Về phía nạn nhân, sau khi vào nhà nghỉ Hoa Nam thì nhận được tin nhắn của anh T. hẹn tới một địa điểm khác. Do đó, người phụ nữ này đã nhanh chóng rời khỏi nhà nghỉ ở quận Hoàng Mai.
Hùng âm thầm phi xe máy bám đuổi. Tuy nhiên, sau đó anh ta bị mất dấu nên buộc phải quay về nhà. Hùng đã nhắn tin, gọi điện bảo chị S. về mua thuốc cho con vì chúng đang ốm, sốt. Song, tới khoảng 23 giờ cùng ngày, vợ Hùng mới mò về nhà.
Hùng bắt đầu truy vấn vợ xoay quanh chuyện vào nhà nghỉ Hoa Nam, rồi lại chuyển đến nhà nghỉ khác để ngoại tình. Vừa truy vấn, Hùng vừa cho vợ xem những ảnh chụp lại các tin nhắn mà chị S. hẹn hò với trai lạ.
Đối tượng Nguyễn Xuân Tân sát hại vợ do ghen tuông.
Chị S. một mực cho rằng đó đều là các tin nhắn trêu đùa nhau khiến đôi bên lại xảy ra cãi vã. Ít phút sau, chị S đi tắm, còn Hùng thì lên cơn bực tức vì cho rằng vợ ngoại tình nhưng không chịu thừa nhận. Từ đó, người đàn ông này nảy sinh ý định giết chị S. Hùng xuống bếp lấy dao và vào phòng ngủ ngồi đợi. Vừa thấy vợ đi vào, Hùng lập tức lao tới... Anh ta chỉ dừng tay khi vợ lao ra sân kêu cứu và được mọi người chạy tới can ngăn.
Chị S. được mọi người đưa vào Bệnh viện Quân y 103 cấp cứu. Tuy nhiên, do thương tích quá nặng nên người phụ nữ này đã tử vong. Sau đó, Hùng đến Cơ quan công an đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội. Tháng 2/2020 Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án giết người. Hùng bị tuyên phạt tử hình.
Tháng 5/2019 trên địa bàn phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng xảy ra một huyết án do ghen tuông. Khai tại Cơ quan điều tra đối tượng Nguyễn Xuân Tân (SN 1955, trú tại tổ 19 B, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai) cho biết rạng sáng ngày 13-5, trong khi đang ngủ cùng vợ, Tân đột nhiên dùng búa đánh vào đầu khiến bà Nguyễn Thị Thắm (SN 1958) tử vong.
Được biết, hai vợ chồng đã sống với nhau đến 40 năm có lẻ và có hai người con đã trưởng thành. Bản thân Tân làm nghề lái xe ôm, còn bà vợ ở nhà nội trợ. Thời gian gần đây, Tân nghi ngờ vợ ngoại tình nên đã ra tay sát hại.
Mới đây nhất, ngày 28/1, trên địa bàn phường Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội) cũng đã xảy ra một vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Dù đã ly thân nhiều năm, song do mâu thuẫn trong sinh hoạt và tình cảm, đối tượng Vũ Văn Nghĩa (SN 1960, trú tại Bồ Đề, Long Biên) đã lấy đi tính mạng của bà Phạm Thị K. (SN 1962, là vợ cũ của Nghĩa). Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nghĩa.
Trần Mạnh Hùng phải trả giá cho hành vi sát hại vợ bằng bản án tử hình.
Có thể thấy, thời gian gần đây những vụ trọng án xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình xảy ra khá nhiều. Nguyên nhân thường là do vợ chồng không tìm được tiếng nói chung, khiến cho mâu thuẫn bùng phát. Người chồng thường là kẻ thủ ác, song nhiều khi bản thân người vợ cũng có những tác động không nhỏ.
Chúng tôi còn nhớ một vụ án hiếm hoi mà cả gia đình bị hại đều xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Phiên xử khiến nhiều người có mặt cảm thấy xúc động, nuối tiếc cho bị hại và cả bị cáo. Đó là vụ án xảy ra tại Ba Vì (Hà Nội) vào tháng 2/2019.
Vào buổi tối cách đây đúng 1 năm, Nguyễn Công Nam (SN 1982, ở thôn Vĩnh Phệ, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội) sau khi uống rượu say về nằm ngủ. Bất ngờ chị Oanh (vợ Nam) lật chăn chửi: "Đồ khốn nạn, suốt ngày nhậu nhẹt". Nam thức dậy thì bị vợ dùng máy sấy tóc ném vào đầu. Bực tức, Nam tát vợ. Chị Oanh liền chạy về phòng ngủ và tiếp tục chửi chồng. Không giữ được bình tĩnh, Nam đã dùng dao sát hại vợ rồi đến Cơ quan công an đầu thú.
Tại phiên xét xử, bị cáo Nam đã thành khẩn khai nhận tội và trình bày bị cáo không có ý định giết vợ mà chỉ là do bị chửi nên bực tức, trong lúc say rượu, nóng giận đã dùng dao gọt trái cây ở gần đó đâm vợ cho "hả giận". Bị cáo Nam bày tỏ sự ăn năn hối hận và xin được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Có mặt tại tòa, vợ chồng ông Lê Thế Hưởng (bố mẹ của nạn nhân Lê Thị Kim Oanh - là người đại diện hợp pháp cho nạn nhân) khóc, xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nam để bị cáo sớm trở về nuôi dạy, chăm sóc 2 con còn nhỏ dại.
Mẹ nạn nhân trình bày trước tòa: "Chân tôi đau nhưng tôi vẫn cố gắng chống gậy tới phiên tòa để xin giảm nhẹ án cho bị cáo Nam. Hơn 10 năm làm con rể tôi, bị cáo Nam là người hiền lành, chất phác, được vợ chồng chúng tôi yêu thương như con trai". Chung cảm xúc, bản thân em trai bị hại cũng tâm sự tại tòa rằng cậu yêu quý bị cáo Nam như anh trai của mình.
Không để quá giới hạn
Thống kê từ Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho thấy, 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm trên cả nước xảy ra khoảng 20.000 vụ bạo lực gia đình và khoảng 58% phụ nữ chịu ít nhất một trong 3 hình thức bạo lực trong đời. 27% số vụ cấp cứu, 10% ca điều trị y khoa nghiêm trọng tại các bệnh viện, trung tâm, phòng cấp cứu lớn...; 80% vụ ly hôn trên toàn quốc có nguyên nhân từ bạo lực gia đình.
Nhắc đến những vụ án mà nguyên nhân do mâu thuẫn gia đình, Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa chia sẻ. Theo dõi những thông tin từ phương tiện thông tin đại chúng, có thể thấy những con số rất đáng báo động. "Xã hội hiện đại với biết bao những vấn đề phải giải quyết như việc làm, thu nhập cho đến sinh hoạt, con cái... khiến nhiều ông bố bà mẹ stress. Phải đối mặt với những mâu thuẫn gay gắt, có những người không thể tìm ra cách giải quyết mà nghiêng về những suy nghĩ tiêu cực. Các vụ án đau lòng xảy ra chính là hệ quả của những suy nghĩ đó" - ông Hòa phân tích.
Nguyễn Công Nam được cả gia đình vợ xin giảm án.
Cũng theo ông Hòa, hiện nay sợi dây kết nối bằng hôn nhân trong mỗi gia đình lỏng lẻo hơn. Có không ít những gia đình hiện đại mà sau cả ngày dài đi làm về nhà thì chồng biết đằng chồng, vợ biết đằng vợ. Cả tháng có khi chẳng nói chuyện với nhau, chứ đừng nói đến việc tâm sự, thấu hiểu. Sự thiếu quan tâm, săn sóc về mặt tình cảm đã dẫn đến những lỗ hổng, những mâu thuẫn cứ dần dà được tích tụ theo thời gian. Và đến khi nó bùng phát thì rất khó kiểm soát.
Để hạn chế những vụ án đau lòng trên, theo chuyên gia tâm lý, bản thân những người vợ người chồng cần phải nhận thức đúng đắn mối quan hệ, cần chuyên tâm xây đắp. Mỗi khi gia đình xuất hiện mâu thuẫn thì cần cùng nhau đối thoại, tìm cách giải quyết. Nếu như có những mâu thuẫn, khúc mắc mà bản thân hai vợ chồng thấy ngoài tầm xử lý thì có thể nhờ đến gia đình, bố mẹ hai bên; nhờ đến tổ dân phố và thậm chí đưa nhau ra tòa. Cần hết sức tránh việc tranh cãi, xô xát leo thang, nói qua nói lại "đổ thêm dầu vào lửa" - khiến cho những hậu quả đau lòng xảy ra.
Để từng bước góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, làm giảm các vụ giết người nói chung và các vụ án mạng trong gia đình nói riêng, lực lượng công an đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, ngành phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, đạo đức, lối sống và ý thức phòng ngừa tội phạm; kết hợp giữa tuyên truyền chung và tuyên truyền cá biệt với nhóm đối tượng có nguy cơ cao phạm tội giết người; xây dựng các hình thức tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ pháp luật, tư vấn xử lý các tình huống, hòa giải mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể xã hội, mô hình hòa giải ở cơ sở, vai trò người có uy tín trong hòa giải các mâu thuẫn, không để phát sinh tội phạm.
Đồng thời, Cơ quan công an cũng tập trung nâng cao hiệu quả xử lý, tố giác tin báo về tội phạm giết người; kịp thời ngăn chặn các vụ việc, biểu hiện có thể dẫn đến hành vi giết người; nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm giết người, đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm….
Theo báo cáo mới đây từ Bộ Công an, tình hình các loại tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm giết người. Trong đó, án mạng do văn hóa ứng xử chiếm 40%; lứa tuổi phạm tội dưới 30 tuổi chiếm khoảng 75% các vụ án; nam giới gây án, là nạn nhân chiếm hơn 90%.
Thống kê cũng cho thấy, có tới hơn 90% các vụ giết người là do các nguyên nhân xã hội, trong đó có 18-20% số vụ là người thân trong gia đình giết nhau.
Theo CAND
Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/day-dut-nhung-vu-an-vi-tinh-20200228160502752.htm