Dạy - học các lớp cuối cấp: Học tới đâu, ôn thi tới đó

Sau Tết Nguyên đán, các trường THCS, THPT bắt đầu kế hoạch vừa dạy học vừa ôn tập theo hình thức cuốn chiếu...

Giáo viên Trường THPT Cao Thắng (Hà Tĩnh) ôn tập cho học sinh 12. Ảnh: Hồ Phương

Giáo viên Trường THPT Cao Thắng (Hà Tĩnh) ôn tập cho học sinh 12. Ảnh: Hồ Phương

Vừa học vừa ngóng môn thi

Dù kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2025 còn gần 5 tháng nữa mới bắt đầu, nhưng tranh thủ thời gian nghỉ Tết, nhiều học sinh lớp 9 tại Hà Tĩnh vẫn duy trì việc ôn tập.

Phan Thị Thùy Linh - học sinh lớp 9 Trường THCS Tân Vịnh, TP Hà Tĩnh và các bạn chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT theo Chương trình GDPT 2018 nên không tránh khỏi sự lo lắng. Ngay khi biết lịch nghỉ Tết, Linh đã chủ động sắp xếp kế hoạch vui chơi và ôn tập phù hợp.

Theo Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh THCS, THPT, thay vì chỉ tập trung ôn luyện 2 môn chính là Toán, Ngữ văn, các thí sinh đang đứng trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT phải mở rộng phạm vi ôn tập, bao gồm toàn bộ môn học (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân, Tin học) tính điểm theo Chương trình GDPT 2018.

Thời điểm hiện tại, ngành Giáo dục Hà Tĩnh chưa quyết định môn thi tự chọn vào lớp 10 THPT. Thế nhưng, từ cuối học kỳ I, các trường đã chủ động phương án dạy học và ôn tập nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh trước kỳ thi đổi mới.

“Trước Tết, nhà trường tổ chức khảo sát, kiểm tra đánh giá năng lực học sinh. Từ đó, giáo viên tiếp tục xây dựng kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức cho các em bước vào học kỳ II”, thầy Phạm Lê Hòa - Hiệu trưởng Trường THCS Phan Huy Chú (Thạch Hà, Hà Tĩnh) thông tin.

Theo ông Đậu Quang Hồng - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh), các cơ sở giáo dục đã phát huy vai trò đội ngũ cốt cán, tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên trường để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập cho học lớp 9, xây dựng hệ thống câu hỏi, ngân hàng đề thi cho học sinh.

Trước đó, đầu năm học, sở GD&ĐT ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá. Đồng thời, ngành Giáo dục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho trên 100 giáo viên cốt cán cấp tỉnh xây dựng cấu trúc đề tham khảo.

Trường THCS Ngô Thì Nhậm (Liên Chiểu, Đà Nẵng) đang xây dựng lại kế hoạch tổ chức phụ đạo cho học sinh lớp 9 và sẽ triển khai từ tháng 3. Theo đó, căn cứ vào nguyện vọng học sinh và phụ huynh, nhà trường tổ chức thêm 2 tiết phụ đạo/môn thi tuyển sinh lớp 10/tuần. Những tiết học này chủ yếu giúp học sinh hệ thống lại kiến thức, rèn kỹ năng, tâm lý làm bài thi.

Thầy Hiệu trưởng Phan Thanh Bửu thông tin, dự kiến có 2 nguồn kinh phí để chi trả cho giáo viên đảm nhiệm dạy các lớp ôn tập. “Nhà trường sẽ hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn ngân sách để bồi dưỡng cho giáo viên đứng lớp. Ngoài ra, giáo viên đăng ký dạy phụ đạo, tăng cường cho học sinh khối 9 sẽ là một trong những tiêu chí để khen thưởng theo Nghị định 73/2024”.

 Học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Trường Toản (Quận 12, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồ Phúc

Học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Trường Toản (Quận 12, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồ Phúc

Dạy học bám sát

Trước nhiều thay đổi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, các trường THPT chú trọng luyện tập, thực hành rèn các kỹ năng cho học sinh lớp 12. Năm học này, Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) có khoảng 500 học sinh lớp 12. Từ đầu năm học, nhà trường bố trí giáo viên có năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm, tận tâm giảng dạy và hướng dẫn ôn tập cho học sinh cuối cấp.

“Bên cạnh lựa chọn đội ngũ giáo viên giảng dạy lớp 12, tăng cường sinh hoạt chuyên môn, chúng tôi chỉ đạo các tổ chuyên môn bám sát định hướng của chương trình để đổi mới hình thức tổ chức dạy học. Giao giáo viên các tổ bộ môn tập trung nghiên cứu kỹ ma trận đề, từ đó xây dựng ngân hàng đề thi phục vụ ôn tập kiến thức, kỹ năng cho học sinh”, cô Trần Thị Nga - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng cho hay.

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cũng lên kế hoạch điều chỉnh phương án ôn tập cho học sinh. Thầy Hiệu trưởng Hoàng Quốc Quyết chia sẻ, sang học kỳ II, đặc biệt sau kết quả đợt thi thử đầu tiên, nhà trường sẽ đẩy mạnh hoạt động ôn tập cho học sinh. Trước đó, theo khảo sát cuối học kỳ I, nhà trường có 65% học sinh lựa chọn các môn thi theo tổ hợp xã hội. Đối với môn Tin học và Công nghệ không có thí sinh lựa chọn.

“Kết quả khảo sát khiến nhà trường khá lo lắng về chất lượng học sinh. Tuy nhiên, theo quy định mới của Bộ về dạy thêm học thêm, nhà trường đang xây dựng lại phương án để tổ chức sao cho phù hợp, đảm bảo chất lượng và cân đối ngân sách”, thầy Quyết cho hay.

Tại Trường THPT Trần Quang Khải (TPHCM) để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, sau nghỉ Tết, trường xây dựng kế hoạch, lên phương án ôn tập nhằm củng cố kiến thức, giúp học sinh lớp 12 làm quen các dạng đề thi ở các bộ môn. Cùng các hoạt động ôn tập, Trường THPT Trần Quang Khải tổ chức hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Thầy Nguyễn Tấn Tài - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải thông tin, nhà trường đã lập kế hoạch chủ động ôn tập, dạy đến đâu chắc kiến thức đến đó. Cụ thể, các tổ, nhóm chuyên môn căn cứ vào đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT để điều chỉnh phù hợp, từng nhóm chuyên môn bàn, thống nhất nội dung chương trình cốt lõi, trọng tâm để dạy. Đồng thời, bố trí các lớp học ôn tùy theo năng lực học sinh để có cách giảng, phương pháp phù hợp, rà soát trường hợp gặp khó khăn trong học tập, từ đó vận động giáo viên tạo điều kiện giúp đỡ để bù đắp phần kiến thức bị hổng.

“Căn cứ vào kết quả học kỳ I, nhà trường có bước sàng lọc, phân loại nhằm có định hướng quan trọng trong quá trình ôn tập. Với học sinh có học lực khá giỏi sẽ tăng cường giải pháp ôn tập, vận dụng tốt kiến thức, kỹ năng để hoàn thành các bài thi. Còn học sinh học lực trung bình, yếu sẽ giúp các em lấy lại kiến thức nền tảng để có thể vượt qua kỳ thi quan trọng sắp tới”, thầy Tài cho hay.

Một thuận lợi của Trường THPT Trần Phú (Hải Châu, Đà Nẵng) là học sinh khối 12 có chuyên đề học tập môn Toán và Ngữ văn từ lớp năm học lớp 10. Chia sẻ của cô Phó Hiệu trưởng Hồ Thị Thảo Nguyên, với chuyên đề học tập, nhà trường chủ trương tổ bộ môn phải dạy - học theo hướng linh hoạt, bám sát trình độ học sinh để chọn lọc nội dung phù hợp. Đối với những em có học lực trung bình, sẽ tập trung các nội dung kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi.

Với 2 môn tự chọn còn lại của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Trường THPT Trần Phú tư vấn cho phụ huynh và học sinh chọn môn phù hợp với năng lực học tập cũng như định hướng lựa chọn ngành nghề. Môn tự chọn phải là môn nằm trong tổ hợp môn xét tuyển sinh đại học.

 Học sinh lớp 9 Trường THCS Tô Hiến Thành (Thạch Hà, Hà Tĩnh). Ảnh: Hồ Phương

Học sinh lớp 9 Trường THCS Tô Hiến Thành (Thạch Hà, Hà Tĩnh). Ảnh: Hồ Phương

Chắc kiến thức, vững kỹ năng

Tại Trường THPT Thái Phiên (Thanh Khê, Đà Nẵng), học sinh lớp 12 có quá trình làm quen với đổi mới trong cấu trúc đề minh họa thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Trong các bài kiểm tra định kỳ, thường xuyên…, các em được tiếp cận với dạng đề mới như trả lời ngắn, trả lời đúng /sai, điền khuyết…

Từ kết quả trên, theo cô Hiệu trưởng Phạm Thị Trinh, Trường THPT Thái Phiên chủ trương vừa dạy vừa ôn tập để học sinh nắm vững kiến thức mới nhưng đồng thời rèn luyện kỹ năng làm bài. Giáo viên bộ môn sẽ hướng dẫn học sinh phương pháp tự học phù hợp với đặc thù từng môn. “Nếu học sinh không có ý thức tự học sẽ khó có kết quả cao trong thi cử. Vì vậy, sự hỗ trợ của phụ huynh đối với nhà trường trong quản lý thời gian học ở nhà, bồi dưỡng sức khỏe học sinh trong giai đoạn nước rút rất quan trọng”, cô Trinh nhấn mạnh.

Ở hướng khác, cô Hồ Thị Thảo Nguyên cho biết, quá trình dạy và ôn tập, giáo viên phải chú trọng hướng dẫn học sinh cách học và làm bài thích hợp với đề thi. Nhất là kỹ năng làm bài với những dạng câu hỏi mới, buộc học sinh vừa thuần thục, đúng kỹ thuật vừa biết vận dụng kiến thức chứ không thể học gạo, tô bừa như trước. Nếu không làm được điều này, theo cô Nguyên những nỗ lực của nhà trường, học sinh trong giai đoạn “nước rút” sẽ không mang lại hiệu quả cao.

Vì kết quả học tập của năm lớp 12 được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT nên em Nguyễn Võ Gia Hiếu - học sinh lớp 12C1, Trường THPT Sơn Hà (Quảng Ngãi) và các bạn gần như không lơ là môn học nào. Ngoài học ở trường, Hiếu còn tham gia thêm một số khóa học trực tuyến để củng cố thêm kiến thức. Dự kiến sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh đại học nên Hiếu vừa phải nắm vững kiến thức cơ bản nhưng cũng phải tìm các dạng bài nâng cao để rèn luyện thêm nhằm cải thiện điểm thi.

“Học sinh được chọn thầy, cô giáo để đăng ký lớp ôn tập là cách tạo động lực để giáo viên nỗ lực dạy tốt, xây dựng bài giảng hấp dẫn, tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Năm 2025 triển khai thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018, có nhiều điểm mới, đòi hỏi giáo viên và học sinh phải nỗ lực để bảo đảm yêu cầu, chất lượng kỳ thi. Do đó, công tác thi đua, khen thưởng được nhà trường quan tâm, trước mắt là sau đợt thi thử, nhằm kịp thời động viên, khích lệ thầy, trò có nhiều nỗ lực, cố gắng và đạt thành tích tốt”. - Cô Hồ Thị Thảo Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng)

Nhóm PV

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/day-hoc-cac-lop-cuoi-cap-hoc-toi-dau-on-thi-toi-do-post718277.html