Dạy học, kiểm tra, đánh giá kiểu bài nghị luận xã hội theo năng lực học sinh sẽ hạn chế dạy thêm học thêm

Trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, trong đó có yêu cầu giáo viên rà soát nội dung trong sách giáo khoa với yêu cầu cần đạt của chương trình nhằm đảm bảo việc dạy học và kiểm tra, đánh giá không vượt quá yêu cầu cần đạt của bộ môn.

Chương trình Ngữ văn mới được biên soạn thống nhất, kết nối mạch lạc từ cấp I đến cấp III về nội dung, quan điểm, mục tiêu. Hiện, môn Ngữ văn có ba bộ sách là Cánh Diều, Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống. Ba bộ sách này do ba nhóm tác giả biên soạn xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, đảm bảo sự liên kết nội dung chặt chẽ, tạo thuận lợi cho người học.

Chương trình được thiết kế hoàn toàn mới so với trước đó, chuyển từ dạy học và kiểm tra đánh giá kiến thức, kỹ năng sang dạy học, kiểm tra đánh giá năng lực, phẩm chất. Kiểu bài nghị luận xã hội được thiết kế từ lớp 7 đến lớp 12, vì vậy giáo viên cần bao quát toàn bộ chương trình, phân biệt yêu cầu cần đạt ở từng khối lớp để dạy học phù hợp.

Khi quá trình dạy học – kiểm tra – đánh giá được thực hiện đồng bộ theo yêu cầu của từng khối lớp sẽ tránh yêu cầu quá tải đối với học sinh; từ đó, sẽ hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm.

Kiểu bài nghị luận xã hội cấp Trung học cơ sở: Từ nhận biết đến giải quyết vấn đề

Kiểu bài nghị luận xã hội về một vấn đề trong đời sống được thiết kế giảng dạy từ lớp 7 cho đến lớp 9; được xây dựng theo một quá trình tăng tiến, lớp sau kế thừa lớp trước và có yêu cầu cao hơn. Ở lớp 7, học sinh chỉ được trang bị những yêu cầu cơ bản nhất làm nền tảng để phát triển các kỹ năng. Đến lớp 9, học sinh biết viết một bài văn hoàn chỉnh, yêu cầu cao nhất của một bài văn.

Chẳng hạn như ở cấp Trung học cơ sở, một vấn đề xã hội có tốt/ xấu, tích cực/ tiêu cực được đặt ra từ lớp 7 và được rèn luyện đến lớp 9. Mỗi khối lớp đặt ra yêu cầu như sau:

Lớp 7: "Bước đầu biết viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống trình bày rõ vấn đề và ý kiến (tán thành hay phản đối) của người viết; đưa ra được lý lẽ rõ ràng và bằng chứng đa dạng."

Lớp 8: "Viết được văn bản nghị luận về một vấn đề của đời sống, trình bày rõ vấn đề và ý kiến (đồng tình hay phản đối) của người viết về vấn đề đó; nêu được lý lẽ và bằng chứng thuyết phục."

Lớp 9: "Viết được một bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết; trình bày được giải pháp khả thi và có sức thuyết phục."

Có thể thấy, quá trình rèn luyện kỹ năng viết của học sinh được xây dựng theo từng bước với cấp độ tăng tiến dần, như sau:

Thứ nhất, nếu như lớp 7, các em chỉ cần "bước đầu biết viết" thì đến lớp 8 và lớp 9 yêu cầu được nâng cao hơn đòi hỏi các em phải "viết được" một cách thành thục. Vì vậy, khi dạy học, giáo viên cần xác định đúng mục tiêu/ yêu cầu cần đạt; khi kiểm tra, đánh giá, cũng xác định đúng mục tiêu/ yêu cầu như đã dạy.

Thứ hai, khả năng lập luận cũng phát triển theo từng khối lớp. Ở lớp 7, chỉ yêu cầu học sinh "đưa ra được lý lẽ rõ ràng và bằng chứng đa dạng". Lên lớp 8 và lớp 9, các em cần "nêu được lý lẽ và bằng chứng thuyết phục". Muốn bài viết "thuyết phục" người khác thì người viết phải thể hiện tư duy phản biện và khả năng phân tích sâu sắc.

Thứ ba, khi nói đến khả năng nhận diện và phân tích vấn đề nghị luận, ta thấy rõ sự khác biệt yêu cầu giữa các khối lớp. Ở lớp 7 và 8, học sinh chỉ cần "trình bày rõ vấn đề và ý kiến (tán thành hay phản đối)". Nhưng đến lớp 9, yêu cầu của kiểu bài được nâng cao đáng kể, đòi hỏi các em phải "trình bày được giải pháp khả thi và có sức thuyết phục".

Điều này nhấn mạnh việc học sinh đưa ra được những giải pháp để giải quyết các vấn đề tiêu cực. Muốn vậy, việc xác định nguyên nhân sâu xa của vấn đề là điều kiện tiên quyết. Nói cách khác, giải pháp chỉ có thể được đề xuất khi nguyên nhân đã được làm sáng tỏ. Chẳng hạn như đề bài yêu cầu bàn luận về "rèn luyện thói quan đọc sách". Dựa vào yêu cầu cần đạt của chương trình, có thể xác định từng mức độ cho từng khối lớp như sau:

Đối với học sinh lớp 7: Bước đầu biết xác định vấn đề bàn luận (rèn thói quen đọc sách); biết trình bày ý kiến thể hiện quan điểm cá nhân (tán thành với việc đọc sách mang lại lợi ích, hoặc phản đối việc lười đọc sách); có lý lẽ rõ ràng, biết đưa ra các lý do, giải thích cho quan điểm của mình; có bằng chứng đa dạng (bằng chứng có thể đơn giản, gần gũi với trải nghiệm của học sinh, hoặc những thông tin từ sách báo). Đây là bước đầu làm quen với văn nghị luận, nên yêu cầu không cao, chỉ cần bài viết thể hiện suy nghĩ chân thật, diễn đạt rõ ràng, mạch lạc là đạt yêu cầu.

Đối với học sinh lớp 8: Yêu cầu cao hơn lớp 7 là bài viết phải có tính thuyết phục. Lý lẽ không chỉ rõ ràng mà còn có sức thuyết phục, tức là đủ mạnh để người đọc tin tưởng. Bằng chứng cần được chọn lọc, có độ tin cậy cao hơn và có phân tích để làm rõ vấn đề nghị luận. Bài viết thể hiện sự hiểu biết sâu sắc chứ không chỉ dừng lại ở việc nêu ý kiến.

Đối với học sinh lớp 9: Học sinh viết được một bài văn nghị luận về "rèn thói quen đọc sách". Nhưng điểm khác biệt là học sinh không chỉ nêu quan điểm mà còn phải đề xuất giải pháp cho vấn đề có tính thuyết phục (xây dựng tủ sách cá nhân, tham gia câu lạc bộ đọc sách,…). Bài viết đòi hỏi học sinh có khả năng tư duy phản biện và đề xuất giải pháp một cách toàn diện.

Ngoài ra, để phát huy năng lực của học sinh Trung học cơ sở, các vấn đề đặt ra yêu cầu học sinh giải quyết nên gần gũi, thiết thực. Tốt nhất là những vấn đề mà học sinh đã từng trải nghiệm và từng gặp trong cuộc sống, tránh cho những vấn đề to tát, vượt quá tầm hiểu biết của các em.

Kiểu bài nghị luận xã hội cấp Trung học phổ thông: Tư duy phản biện và trách nhiệm công dân

Tiếp tục kiểu bài nghị luận xã hội ở cấp Trung học cơ sở, bài văn cấp Trung học phổ thông không chỉ đơn thuần là trình bày quan điểm mà còn là sự thể hiện khả năng tư duy, lập luận, đánh giá vấn đề một cách sâu sắc và toàn diện. Cụ thể, trong Chương trình Ngữ văn mới yêu cầu như sau:

Lớp 10: "Viết được một văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội; trình bày rõ quan điểm và hệ thống các luận điểm; có cấu trúc chặt chẽ; sử dụng các bằng chứng thuyết phục: chính xác, tin cậy, thích hợp, đầy đủ."

Lớp 11: "Viết được văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội, trình bày rõ quan điểm và hệ thống các luận điểm; cấu trúc chặt chẽ, có mở đầu và kết thúc gây ấn tượng; sử dụng các lý lẽ và bằng chứng thuyết phục: chính xác, tin cậy, thích hợp, đầy đủ."

Lớp 12: "Viết được văn bản nghị luận về một vấn đề có liên quan đến tuổi trẻ."

Theo đó, ta có thể thấy yêu cầu cần đạt có nâng cao ở từng khối lớp, như sau:

Thứ nhất, bài viết của học sinh lớp 10 và 11 tiếp nối từ cấp Trung học cơ sở là "viết được văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội". Lên lớp 12, học sinh không chỉ có kỹ năng "viết được" một bài văn nghị luận mà còn tập trung vào các "vấn đề có liên quan liên quan đến tuổi trẻ", những vấn đề chuyên biệt.

Thứ hai, điểm chung của lớp 10 và 11 là yêu cầu học sinh "trình bày rõ quan điểm và hệ thống các luận điểm", "có mở đầu và kết thúc gây ấn tượng; sử dụng các lý lẽ và bằng chứng thuyết phục: chính xác, tin cậy, thích hợp, đầy đủ". Như vậy, có thể nói, bài viết của học sinh lớp 10 và 11 đã đáp ứng yêu cầu của một bài văn nghị luận. Nhưng không dừng lại ở đó, lớp 12 yêu cầu nâng cao hơn nữa, đó là học sinh phải thể hiện được sự trưởng thành trong tư duy và khả năng lập luận.

Thứ ba, yêu cầu về cấu trúc, học sinh lớp 10 và 11 yêu cầu bài viết "có cấu trúc chặt chẽ" thì lên lớp 12 yêu cầu bài viết vừa "có cấu trúc chặt chẽ" vừa "có mở đầu và kết thúc gây ấn tượng". Như vậy, bài biết của học sinh lớp 12 vừa đúng vừa trúng vừa hay, có sự thuyết phục cao.

Chẳng hạn, với đề bài "Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, có ý kiến cho rằng "việc đọc sách truyền thống đã trở nên lỗi thời". Bạn có đồng tình với quan điểm này không?". Yêu cầu cần đạt với từng đối tượng học sinh như sau:

Đối với học sinh lớp 10: Xác định vấn đề chính là sự đối lập giữa đọc sách truyền thống và các hình thức đọc sách hiện đại trong thời đại công nghệ số. Cần làm rõ quan điểm "đọc sách truyền thống đã trở nên lỗi thời".

Trong bài viết, ngoài phần nêu rõ quan điểm cá nhân (đồng tình/ không đồng tình), học sinh cần đưa ra các luận điểm, luận cứ để bảo vệ quan điểm đó. Ví dụ, đưa ra luận điểm ủng hộ (sự tiện lợi của sách điện tử là khả năng tiếp cận thông tin nhanh chóng, tiết kiệm không gian), luận điểm phản đối (việc đọc sách truyền thống cũng có giá trị của nó như tính tập trung, trải nghiệm giác quan, giá trị lưu trữ). Bằng chứng đưa ra phải có tính thuyết phục như ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo dục hoặc dẫn chứng từ kinh nghiệm cá nhân.

Đối với học sinh lớp 11: Bài viết yêu cầu lập luận cao hơn. Ngoài các yêu cầu của lớp 10, bài viết sử dụng lý lẽ sắc bén, phân tích vấn đề sâu sắc hơn. Bên cạnh đó, học sinh còn biết phản biện các ý kiến trái chiều một cách thuyết phục. Từ đó, đưa ra những đánh giá, nhận định về vấn đề sâu sắc hơn.

Ví dụ như luận điểm trong bài viết của học sinh lớp 11 phải có chiều sâu hơn. Thay vì chỉ nêu ưu điểm của sách điện tử, học sinh có thể phân tích tác động của việc đọc sách điện tử đến khả năng tập trung, tư duy phản biện của người đọc. Hoặc, thay vì chỉ khẳng định giá trị của sách truyền thống, có thể phân tích vai trò của sách trong việc hình thành văn hóa đọc.

Điểm khác biệt nữa là yêu cầu về mở đầu và kết thúc của bài viết lớp 11 cần tạo ấn tượng cho người đọc. Có thể sử dụng các hình thức mở bài như nêu vấn đề từ một câu chuyện, trích dẫn ý kiến, đặt câu hỏi gợi mở,...

Đối với lớp 12: Bài viết cần tập trung vào việc phân tích tác động của vấn đề đến thế hệ trẻ. Ví dụ như thói quen đọc sách của giới trẻ hiện nay; ảnh hưởng của việc đọc sách (hoặc không đọc sách) đến sự phát triển của thanh niên; vai trò của tuổi trẻ trong việc duy trì và phát triển văn hóa đọc. Bài viết có thể đưa ra những lời khuyên, khuyến nghị cho giới trẻ về việc đọc sách.

Ngoài ra, bài viết cần thể hiện rõ quan điểm cá nhân của người viết, thể hiện sự suy nghĩ, trăn trở của người viết về vấn đề. Hơn nữa, bài viết thuyết phục người đọc thì cần có tính thực tiễn cao, có thể đưa ra những giải pháp cụ thể để khuyến khích việc đọc sách trong giới trẻ.

Có thể khẳng định rằng, ở lớp 10, bài viết cần đảm bảo tính cơ bản, rõ ràng về quan điểm và luận điểm. Ở lớp 11, yêu cầu cao hơn về lập luận chặt chẽ và hình thức bài viết. Ở lớp 12, bài viết cần có sự liên hệ mật thiết với vấn đề của tuổi trẻ, thể hiện quan điểm cá nhân và có tính thực tiễn.

Cũng cần lưu ý, đối với học sinh Trung học phổ thông, các vấn đề đặt ra trong đề bài thường liên quan đến tuổi trẻ như định hướng nghề nghiệp, công nghệ AI hay ảnh hưởng của mạng xã hội,… Đó là những vấn đề mà học sinh cấp 3 đang trực tiếp trải qua. Từ đó, các em biết đặt ra những câu hỏi về các vấn đề xã hội, giúp học sinh nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với cộng đồng.

Dạy học, kiểm tra, đánh giá theo năng lực học sinh sẽ giảm dần dạy thêm, học thêm

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế để phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Chương trình được chia làm hai giai đoạn: giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Tuy nhiên, giáo viên giảng dạy ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp cũng cần tìm hiểu chương trình giáo dục cơ bản để nắm khái quát toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông, có như thế giáo viên dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh tốt nhất.

Trong quá trình triển khai chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, trong đó có yêu cầu giáo viên rà soát nội dung trong sách giáo khoa với yêu cầu cần đạt của chương trình nhằm đảm bảo việc dạy học và kiểm tra, đánh giá không vượt quá yêu cầu cần đạt của bộ môn.

Một điểm khác biệt của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành so với chương trình trước đó là lấy chương trình làm cơ sở pháp lý. Chương trình là cơ sở để nhà trường, giáo viên và học sinh thực hiện dạy và học đúng hướng. Mọi hoạt động giáo dục như dạy học, kiểm tra, đánh giá đều phải dựa trên các quy định và yêu cầu của chương trình, đảm bảo không quá tải.

Sách giáo khoa và các tài liệu khác chỉ là công cụ hỗ trợ cho quá trình thực hiện chương trình. Vì vậy, việc phân biệt rõ yêu cầu cần đạt cho từng khối lớp giúp giáo viên dạy học theo năng lực và kiểm tra, đánh giá đúng năng lực học sinh. Không thể lấy yêu cầu cần đạt của lớp sau áp đặt cho học sinh lớp trước, hoặc lấy yêu cầu cần đạt của cấp Trung học phổ thông áp đặt cho học sinh cấp Trung học cơ sở. Có như vậy, sẽ hạn chế được tối đa tình trạng dạy thêm học thêm, cùng hướng đến môi trường giáo dục không còn dạy thêm học thêm.

Trần Văn Tâm

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/day-hoc-kiem-tra-danh-gia-kieu-bai-nghi-luan-xa-hoi-theo-nang-luc-hoc-sinh-se-han-che-day-them-hoc-them-179250331233712709.htm