Tăng sức hút với giáo dục đặc biệt

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, đến hết 31/12/2023, Việt Nam có trên 7 triệu người khuyết tật.

Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Trong số này, trẻ khuyết tật chiếm khoảng 28,3%, tương ứng với trên 2,2 triệu người. Số lượng trẻ khuyết tật có nhu cầu chăm sóc, nuôi dạy rất lớn nhưng cả nước hiện chỉ có 12 cơ sở giáo dục chuyên biệt công lập và 94 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Một trong những khó khăn lớn nhất cản trở sự phát triển của hệ thống này là tình trạng thiếu trầm trọng đội ngũ giáo viên giáo dục đặc biệt.

Do thiếu giáo viên nên nhiều trung tâm không thể mở lớp, dù phụ huynh có nhu cầu. Những nơi có lớp thì tỷ lệ giáo viên/học sinh còn thấp, khiến việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn. Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng giáo viên giáo dục đặc biệt cũng chưa đồng đều.

Đến nay, chương trình đào tạo ở các trường đại học còn tập trung vào lĩnh vực khiếm thính, khiếm thị, phần kiến thức liên quan chứng bệnh khác như tự kỷ còn ít, trong khi ngày càng nhiều trẻ mắc. Hiện còn không ít giáo viên chưa được đào tạo chuyên sâu về phương pháp giáo dục đặc thù, dẫn đến hạn chế trong hỗ trợ học sinh.

Mặc dù thiếu trầm trọng giáo viên nhưng việc tuyển sinh và đào tạo nhân sự ngành giáo dục đặc biệt chưa nhiều khởi sắc. Do nuôi dạy trẻ khuyết tật là nghề nhiều vất vả, thu nhập không cao, đòi hỏi tình yêu nghề và dấn thân lớn, thế nên không nhiều thí sinh chọn theo học. Hệ quả là một số trường sư phạm không tuyển sinh được, phải đóng khoa Giáo dục đặc biệt.

Đến nay, cả nước chỉ có một vài trường đào tạo ngành giáo dục đặc biệt là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TPHCM… Dù chỉ tiêu tuyển sinh các trường này tăng trong thời gian gần đây nhưng số sinh viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Nhằm đảm bảo trẻ khuyết tật có cơ hội tiếp cận giáo dục phù hợp, gần đây Quy hoạch hệ thống giáo dục dành cho người khuyết tật và trung tâm hỗ trợ phát triển hòa nhập giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch) đặt mục tiêu đến năm 2030, mỗi tỉnh/thành phố phải có ít nhất một trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập. Theo đó, hệ thống này cần khoảng 3.300 giáo viên và 7.400 nhân viên hỗ trợ.

Đến năm 2050, con số này dự kiến tăng lên 4.900 giáo viên và 10.900 nhân viên. Những mục tiêu này rất tốt đẹp, hướng tới nền giáo dục chất lượng, hòa nhập và bình đẳng cho mọi trẻ khuyết tật, song đây cũng là thách thức lớn nếu không có sự đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt một chiến lược đào tạo dài hạn cho giáo viên và nhân viên hỗ trợ.

Để thực hiện được Quy hoạch, cùng với việc tạo điều kiện cho các trường sư phạm xây dựng chương trình đào tạo chuyên biệt, giúp giáo viên có đủ kỹ năng đáp ứng nhu cầu thực tế; phát triển các cơ sở giáo dục chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ hòa nhập tư thục, rất cần có chính sách thu hút sinh viên theo học ngành giáo dục đặc biệt và đãi ngộ giáo viên đứng lớp giáo dục đặc biệt.

Thực tế cho thấy giáo dục đặc biệt có môi trường làm việc đặc thù, từ khi còn ở giảng đường sinh viên đã phải thực tập thực hành vất vả, vào nghề thì làm việc ở môi trường căng thẳng, nhiều áp lực hơn các ngành sư phạm khác. Vì thế cần có cơ chế, chiến lược lâu dài khuyến khích sinh viên chọn học ngành giáo dục đặc biệt như tăng chế độ đãi ngộ, hỗ trợ sinh hoạt phí cao hơn các ngành sư phạm khác, khi tốt nghiệp được bố trí việc làm. Giáo viên giáo dục đặc biệt cũng phải nhận được chính sách thu hút và chế độ đãi ngộ tốt hơn.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT với những quy định có lợi cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật về chế độ làm việc. TPHCM cũng đề xuất bổ sung công việc chăm sóc và giáo dục người khuyết tật tại cơ sở giáo dục vào danh sách “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại” để tăng thêm chế độ, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên. Đây được xem là những giải pháp, đề xuất có ý nghĩa thiết thực, tăng thêm sức hút với giáo dục đặc biệt.

Mai Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tang-suc-hut-voi-giao-duc-dac-biet-post725500.html