Kiến tạo tương lai cho trẻ tự kỷ

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cần có giải pháp về giáo dục hòa nhập, hướng nghiệp cho những trẻ yếu thế...

Một hoạt động giáo dục, hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển hòa nhập Hoa Xuyến Chi. Ảnh: Sỹ Điền

Một hoạt động giáo dục, hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển hòa nhập Hoa Xuyến Chi. Ảnh: Sỹ Điền

Tương lai nào cho trẻ tự kỷ? Trả lời câu hỏi này, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cần có giải pháp về giáo dục hòa nhập, hướng nghiệp cho những trẻ yếu thế.

Thiếu chính sách

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố đầu năm 2019, Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó khoảng 1 triệu người tự kỷ. Ước tính, cứ 100 trẻ sinh ra thì 1 trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Trong vòng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ tự kỷ tại Việt Nam tăng đáng kể và trở thành vấn đề xã hội đáng lưu tâm.

Cũng theo thống kê, tự kỷ chiếm 30% số trẻ mắc các khuyết tật học đường. Các chuyên gia ước tính, hơn 1 triệu trẻ tự kỷ sẽ kéo theo 8 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp. Không chỉ vậy, mỗi năm sẽ có một con số không nhỏ trẻ tự kỷ bước vào tuổi trưởng thành.

Ông Đặng Hoa Nam - nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH trước đây) vừa hỗ trợ một gia đình có cháu bé bị tăng động phải chuyển trường học. Cháu được gia đình kiên trì cho học đặc biệt từ năm lớp 1, nhưng giờ không thể tiếp tục học theo cách thức này. “Gia đình nhờ tôi tìm giúp trung tâm giáo dục để vừa tiếp tục rèn luyện hòa nhập và có hướng nghiệp. Chúng tôi đã tìm được một nơi phù hợp. Ngay sau khi khảo sát, gia đình đã đăng ký cho cháu theo học”, ông Đặng Hoa Nam cho hay.

Từ câu chuyện trên, ông Nam nhận thấy, những chính sách cho trẻ khuyết tật nói chung còn thiếu. Trẻ em tự kỷ là dạng đặc biệt của đặc biệt; do đó ở góc độ chính sách, cần có nhiều cải thiện. Đến lúc chúng ta cần phân định rõ trợ giúp xã hội và trợ cấp xã hội, điều này trong chính sách chưa quy định rõ.

“Người khuyết tật có một số khả năng đặc biệt mà người bình thường không có được. Vấn đề là chính sách của chúng ta thế nào để khuyến khích trẻ phát triển các khả năng đặc biệt để sau này tự lo được cuộc sống, có nghề nghiệp ổn định”, ông Nam nhấn mạnh.

Đề cập đến vấn đề hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ tại Việt Nam, ThS Phan Thị Lan Hương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em, nhìn nhận, vấn đề đang gặp khó khăn, thách thức. Trẻ tự kỷ khi đến với trung tâm không chỉ gặp những vấn đề riêng, mà còn chịu tổn thương do các bạn không tự kỷ mang đến. Bên cạnh đó, gia đình mệt mỏi, lo lắng khi liên tục chịu sự quấy nhiễu về mặt tinh thần.

“Những vết thương từ môi trường bên ngoài khiến giáo viên gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi không chỉ dạy nghề, hướng nghiệp mà còn phải tham vấn, trị liệu tâm lý cho các em và người thân”, ThS Phan Thị Lan Hương chia sẻ, đồng thời cho hay, cần tính toán chi tiết và khoa học, dựa vào khả năng nhận thức của từng cá nhân để hướng nghiệp.

 Sản phẩm thủ công do trẻ tự kỷ làm được giới thiệu tại Tọa đàm dành cho trẻ khuyết tật hôm 28/3 tại Hà Nội. Ảnh: TG

Sản phẩm thủ công do trẻ tự kỷ làm được giới thiệu tại Tọa đàm dành cho trẻ khuyết tật hôm 28/3 tại Hà Nội. Ảnh: TG

Giúp trẻ tự kỷ tự lập

Sau nhiều năm nghiên cứu và áp dụng thực tế, ThS Phan Thị Lan Hương cho biết, hoạt động hướng nghiệp và đào tạo chủ yếu là nghề thủ công. Đây là lĩnh vực các em làm tốt nhất. Tuy nhiên, để hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ, không đơn giản là tình yêu thương, mà còn cần sự tận tâm, tư duy và phương pháp khoa học. Theo đó, đã hướng nghiệp cần xác định: Phải có nghề để các em có thể làm được trong tương lai và sống bằng chính nghề đó.

“Trung tâm sẽ đào tạo nghề cho các em từ A - Z, thay vì đào tạo theo công đoạn cụ thể. Chúng tôi cho rằng, nếu đào tạo theo công đoạn, khi rời khỏi công đoạn, các em sẽ không thể làm được gì. Giá trị lớn nhất của hướng nghiệp và đào tạo là giúp các em đứng vững được bằng nghề”, ThS Phan Thị Lan Hương nhấn mạnh.

Ngoài vấn đề hướng nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu - Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng Our Story quan tâm đến đầu ra cho những sản phẩm mà các bạn trẻ tự kỷ làm. Không nên xem trẻ tự kỷ là người thiếu khả năng hay có phần yếu kém so với người khác. Thực tế, các bạn làm giỏi, đúng quy trình, tốc độ nhanh hơn người bình thường. Hy vọng, các doanh nghiệp có thể chung tay, chấp nhận người tự kỷ tham gia vào các khâu sản xuất trong doanh nghiệp của mình.

“Tôi tự hào khi có 2 bạn trẻ của trung tâm đã hòa nhập với cộng đồng. Trong đó, một bạn đang làm công nhân tại công ty may ở địa phương, tuy chỉ đảm nhận công việc nhỏ nhưng làm rất tốt”, bà Nguyễn Thị Thu chia sẻ.

Mong muốn được xây dựng và phát triển trung tâm theo hướng hòa nhập - hướng nghiệp, ông Vũ Văn Chức - Sáng lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển hòa nhập Hoa Xuyến Chi (Bắc Giang) trao đổi, bên cạnh việc hướng dẫn của thầy, cô thì quan trọng là các bạn giúp đỡ lẫn nhau.

“Chúng tôi hướng đến sau 5 năm, trên 80% trẻ có thể khai phá khả năng, giúp các em tự sống được bằng khả năng của mình. Tôi mong muốn được hỗ trợ về quỹ đất; liên kết tổ chức các chương trình hướng nghiệp, có quỹ hướng nghiệp để giúp đỡ trẻ em tự kỷ trong tương lai”, ông Chức bày tỏ.

Đề cập đến giáo dục hòa nhập, ông Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ GD&ĐT) cho hay, hiện có 3 phương thức đào tạo dành cho trẻ khuyết tật nói chung, trẻ em rối loạn phổ tự kỷ nói riêng, gồm: Giáo dục chuyên nghiệp; giáo dục bán hòa nhập và giáo dục hòa nhập. Trước đây, giáo dục hòa nhập được quan tâm nhất. Tuy nhiên, chúng ta cần quan tâm tới phân loại trẻ tự kỷ vào từng phương thức phù hợp nhất.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên nghiệp đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 403).

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông nhìn nhận, Quy hoạch xác định rõ hệ thống nhà trường song song với hệ thống đang có, thực hiện nhiệm vụ giáo dục chuyên nghiệp và bán hòa nhập cho trẻ khuyết tật ở dạng nặng; đồng thời hỗ trợ cho các em diện nhẹ hơn học ở trường hòa nhập. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng khi tới đây, mỗi tỉnh sẽ có ít nhất một trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục công lập dành cho người khuyết tật.

“Theo tôi, giáo dục cho trẻ phổ tự kỷ nhằm hướng tới mục tiêu giúp các em có thể chung sống và khẳng định được mình. Tới đây, chúng tôi tiếp tục tham mưu, bổ sung nội dung học nghề vào chương trình đào tạo, giúp các em có thể tự kiếm sống trong tương lai”, ông Tạ Ngọc Trí cho hay.

Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kien-tao-tuong-lai-cho-tre-tu-ky-post725499.html