Dạy học trải nghiệm đòi hỏi giáo viên biết cách khuyến khích học sinh khám phá
Dạy học theo hướng ứng dụng trải nghiệm cho học sinh đã mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển phẩm chất, năng lực người học ở Nam Định.
Khuyến khích học sinh khám phá, trải nghiệm
Ông Trần Văn Nam - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) khẳng định, nhận thức rõ những điểm mới và ưu việt của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, phòng đã chỉ đạo các trường tổ chức dạy học tăng cường ứng dụng trải nghiệm.
Trên tinh thần đó, ngay từ đầu năm học, các trường đã chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học trải nghiệm. Từ chương trình môn học, giáo viên chủ động xây dựng các chủ đề dạy học trải nghiệm.
“Chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho toàn thể đội ngũ giáo viên toàn huyện về nội dung này” - thầy Trần Văn Nam cho hay. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, đòi hỏi giáo viên nghiên cứu kĩ chương trình các môn học, lựa chọn chủ đề, xác định nội dung trải nghiệm, thiết kế các hoạt động ứng dụng, trải nghiệm theo từng chủ đề.
Sau mỗi bài học, để học sinh biết ứng dụng vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, giáo viên phải biết thiết kế các câu hỏi, bài tập vận dụng sao cho phù hợp.
Năm học 2023 – 2024, mỗi giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Liễu Đề lựa chọn từ 4 - 6 chủ đề dạy học. Cô Phạm Cảnh Thuận – Hiệu trưởng cho hay, nhà trường đã tổ chức hội thảo, sinh hoạt chuyên môn về dạy học tích hợp, dạy học trải nghiệm và giáo dục Stem. Qua đó, kịp thời hỗ trợ giáo viên tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
“Hiện, các giáo viên của trường đã biết xây dựng, thiết kế các tình huống để học sinh vận dụng kiến thức đã học nhằm giải quyết vấn đề của thực tiễn” - cô Phạm Cảnh Thuận cho hay.
Theo kinh nghiệm của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Liễu Đề, dạy học trải nghiệm đòi hỏi giáo viên biết cách khuyến khích học sinh khám phá, trải nghiệm; từ đó tự rút ra bài học.
Giáo viên có thể tổ chức cho học sinh thực hành với đồ dùng học tập, dạy học ngoài không gian lớp học như: sân trường, vườn trường, thư viện, di tích lịch sử, làng nghề…
Mang bài học vào cuộc sống
Từ thực tiễn, cô Đinh Thị Thu Hằng – Tổ trưởng chuyên môn Khối 3, Trường Tiểu học xã Phúc Thắng nhận thấy, tổ chức dạy học dự án giúp học sinh biết quan sát, thu thập số liệu, xử lí số liệu, biết làm việc cá nhân, tự tìm tòi, ghi chép, thống kê và hợp tác khi làm việc…
“Chẳng hạn, có thể tổ chức các câu lạc bộ MC, Họa sĩ nhí, Em yêu Tiếng Việt, Họa Mi, Tiếng Anh, Thể dục thể thao…. nhằm phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh” - cô Đinh Thị Thu Hằng viện dẫn.
Thầy Trần Văn Nam cho biết, Phòng GD&ĐT Nghĩa Hưng đã chỉ đạo các trường tổ chức các sân chơi cho học sinh như: tìm kiếm tài năng, sáng tạo và thuyết trình các sản phẩm Stem, ứng dụng trải nghiệm kiến thức các môn học vào thực tiễn.
Qua đây, nhằm tạo cơ hội cho học sinh giao tiếp, bày tỏ quan điểm, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; từ đó tăng cường khả năng vận dụng thực tiễn trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục, đưa cuộc sống vào bài học và mang bài học vào cuộc sống.
Điển hình như Liên hoan phát triển năng lực học sinh cấp huyện. Thông qua hoạt động này đã phát hiện năng lực đặc biệt của học sinh như: hát múa, kể chuyện, diễn tiểu phẩm, ảo thuật, võ thuật, hùng biện tiếng Việt, hùng biện tiếng Anh…
Điểm nhấn của liên hoan là phần thi sáng tạo và thuyết trình các sản phẩm Stem của học sinh. Các em đã biết tìm tòi, khám phá và sáng tạo sản phẩm độc đáo, vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, các em đã biết hợp tác trong quá trình làm việc.
Tại Liên hoan phát triển năng lực học sinh tỉnh Nam Định diễn ra từ ngày 8 -10/5. Huyện Nghĩa Hưng có 2 học sinh đoạt giải Nhất phần thi Tìm kiếm Tài năng; 3 học sinh đoạt giải Nhì phần thi sáng tạo và thuyết trình sản phẩm Stem; 1 giải Nhì và 9 giải Ba phần thi ứng dụng - trải Nghiệm.