Dạy học trực tuyến thời dịch COVID-19 - Bài 2: Không để học sinh bị bỏ lại phía sau
Trước những thách thức đặt ra trong quá trình dạy và học trực tuyến, không ít trường đã xây dựng hướng đi riêng, tạo được hiệu quả thực tế.
Thời khóa biểu linh hoạt
Duy trì nề nếp, tạo không khí học tập nghiêm túc trong quá trình dạy và học trực tuyến đang là phương pháp của nhiều trường, nhất là các trường tư thục tại Hà Nội.
Cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS &THPT Nguyễn Siêu cho biết: Giai đoạn đầu dịch bệnh, tất cả các trường tỏ ra lúng túng về việc học trực tuyến. Giáo viên và học sinh luôn trong tình trạng chờ đợi trở lại trường. Nhưng dịch bệnh phức tạp, kéo dài đã gây tâm lý mệt mỏi cho các nhà trường.
Trước thực tế này, Trường THCS &THPT Nguyễn Siêu đã khảo sát học sinh khi ở nhà bị ảnh hưởng như thế nào trong sinh hoạt và học tập, từ đó xây dựng thời khóa biểu hợp lý.
Thông qua ý kiến của các bậc phụ huynh, nhà trường vận động học sinh tham gia chương trình “Mỗi tuần một thử thách - Bí kíp ở nhà không chán”, khuyến khích các em vừa tham gia giúp bố mẹ việc nhà, pha chế đồ uống, chế biến bữa ăn, xây dựng thời khóa biểu trên hình thức mỹ thuật… sau đó quay video, clip gửi lại giáo viên chủ nhiệm.
Đơn cử, với chương trình “Thử thách cô giáo”, “Làm điều gì đó giúp ích những người xung quanh”, em Lê Huy Đăng (lớp 7CI3, Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu) đã cùng gia đình làm 95 chiếc mặt nạ chống giọt bắn gửi tặng các bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới. Những việc làm thực tế này vừa thiết thực, mang lại tinh thần thoải mái cho các em học sinh, vừa khuyến khích được giáo viên sáng tạo trong dạy học.
Bà Đinh Thị Tú, Giám đốc khối Tiểu học miền Bắc của Vinschool, một trong những hệ thống trường học dẫn đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy trực tuyến cho biết: Từ những ngày đầu học sinh không đến trường vì dịch COVID-19, các em học sinh lớp 1 của hệ thống đã tiếp cận công nghệ thông tin, thông qua các phần mềm Razkids. Học sinh lớp 2 đã được tiếp cận môn tin học và các ứng dụng công nghệ thông tin khác nhau; đồng thời, toàn bộ các lớp học đã thường xuyên tiếp cận với hình thức học online thông qua bài giảng, các hoạt động giáo dục tại trường, nên việc học online trong hệ thống không quá lạ lẫm.
Thực tế, Vinschool xây dựng thời khóa biểu theo phần mềm riêng, hướng dẫn học sinh học tập tại nhà thông qua thư tuần, với các nội dung cụ thể và có sự kiểm soát thường xuyên của giáo viên, cũng như phản hồi kịp thời của học sinh về kết quả học tập.
“Trường cũng đề nghị các bậc phụ huynh giúp các con truy cập vào chương trình học trực tuyến trước 5 phút, rời lớp học ngay khi kết thúc bài, cài đặt các kết nối an toàn trên máy tính, điện thoại để đảm bảo học sinh không tiếp cận các trang web, nguồn thông tin không an toàn. Vì vậy, việc học online của Vinschool khá hiệu quả”, bà Đinh Thị Tú cho biết.
Không ít trường hiện nay, mặc dù không tổ chức được ôn tập, dạy bài mới, khảo sát thi THPT quốc gia... nhưng vẫn dạy và học trực tuyến được. Theo cô Đoàn Kim Dung, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ, Tam Điệp, Ninh Bình, đến nay trường đã tổ chức thi trực tuyến khảo sát năng lực học sinh theo dạng đề THPT quốc gia 2020. Kết quả bài thi đánh giá sát với năng lực của các em. Để tiến tới được kỳ khảo sát trực tuyến, trường đã dạy học trực tuyến từ khi học sinh mới nghỉ học, xây dựng thời khóa biểu linh hoạt, động viên giáo viên và vận động sự ủng hộ của phụ huynh trong hỗ trợ nề nếp học cho học sinh.
Hỗ trợ các học sinh khó khăn
Không chỉ những trường có điều kiện băng thông thông suốt thực hiện tốt việc dạy và học online, trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên), nơi có học sinh đến từ hơn 20 tỉnh miền núi phía bắc cũng đã thực hiện việc dạy học theo phương pháp này.
Nhiều hình ảnh xúc động của học sinh trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc vượt qua khó khăn về điều kiện địa lý, hoàn cảnh gia đình đã tham gia lớp học trực tuyến nghiêm túc. Để tạo được không khí học tập ấy, khi học sinh đang ở nhà, cán bộ, giáo viên nhà trường đã có nhiều giải pháp để duy trì việc dạy học.
Cô Bùi Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên) cho biết, ngay khi có Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trường kết hợp dạy trực tuyến từ đài truyền hình và giáo viên của trường tự quay để gửi cho học sinh. Cái khó nhất của trường là thuyết phục phụ huynh để các em tham gia lớp học trực tuyến, vì nhiều gia đình chỉ muốn con đi làm. Do đó, trường đã đẩy mạnh công tác vận động các gia đình đồng ý buổi sáng cho con ở nhà học online, buổi chiều đi làm nương...
“Trường hiện có 145 em khó khăn, mồ côi, học sinh dân tộc ít người... Với những hoàn cảnh này, nhà trường đã hỗ trợ các em tiền mua 3G, trích từ nguồn tài chính của trường và từ nguồn hỗ trợ của các cựu học sinh, doanh nghiệp", cô Bùi Thu Thủy chia sẻ.
Cũng theo cô Bùi Thu Thủy, trường chỉ có 5 học sinh hiện nay chưa thể liên lạc được. Riêng khối lớp 12, trường đã huy động được 97% học sinh vào lớp học online. Để kiểm soát chất lượng, nhà trường vẫn ra bài kiểm tra tự luận, sau khi làm xong, các em chụp hình gửi lại thầy cô.
Thành công bước đầu với các trường trong việc dạy online đã tạo được môi trường sư phạm năng động và sự đồng lòng của phụ huynh. “Nếu không có phụ huynh ủng hộ hình thức này và sự phối hợp tạo nề nếp cho học sinh, thì lớp học trực tuyến khó thành công”, cô Đoàn Kim Dung nhận định.
Trên thực tế, không thể phủ nhận những nỗ lực của mỗi cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục trong việc triển khai hình thức dạy và học online. Nhưng điều mong mỏi của các địa phương, giáo viên và học sinh là cần xác định lại tầm quan trọng của hình thức này và ban hành hướng dẫn chuẩn trong cả nước.