Dạy làm người tử tế trước khi dạy kiến thức

Khi còn sống, giáo sư Văn Tạo - nguyên Viện trưởng Viện Sử học thường nhắc lại lời bà nội ông từng dặn: 'Người ta sống ở trên đời, không nên mượn hơi người khác để thở'.

Ý sâu xa là phải tự lực cánh sinh, tự mình bươn chải để tồn tại.

Quả thật, muốn tồn tại và phát triển, mỗi người phải tự thân vận động, phải tu tâm, dưỡng tính để có nhân sinh quan chân chính. Phải nhờ người khác chống lưng, mượn hơi người khác để thở thì chỉ có thể sống được vẻ vang nhất thời.

Cổ nhân nói “Tiên học lễ , hậu học văn” là có ý dạy làm người trước, sau mới dạy làm việc. Lại có câu "Dạy con từ thuở còn thơ...", con người khi còn nhỏ đã phải học ăn, học nói, biết thưa gửi, xưng hô lễ phép với ông bà, cha mẹ, người thân và người lớn. Ấy chính là tu thân, tiền đề của bản lĩnh con người. Thuở đi học tôi còn nhớ câu ca: Làm người quyết chí tu thân/Công danh chớ vội nợ nần chớ lo...

Tu thân được cụ thể hóa bằng những hành động cụ thể, chẳng hạn như em bé dắt cụ già qua đường, nhặt của rơi trả lại người bị mất hoặc cháu bé ăn kẹo biết tìm thùng rác bỏ vào… Đấy chính là dẫn chứng sinh động cho cách học làm người tử tế trước khi học kiến thức.

Tôi được biết ở một số nước phát triển như Nhật Bản, giai đoạn đầu trẻ đến lớp được chơi thoải mái và học kỹ năng sống sau đó mới dạy kiến thức. Họ dạy cho trẻ cách làm người tốt, người tử tế. Vì vậy, khi trưởng thành họ có một niềm tin sắt đá, quyết tâm học tập phấn đấu xây dựng đất nước giàu mạnh. Họ không ỷ lại vào tài nguyên thiên nhiên sẵn có, không khuất phục trước gian nan. Khi đất nước bị đại họa sóng thần, bị tàn phá nặng nề thì những người sống sót ở vùng thiên tai vẫn vững vàng ý chí vươn lên, vẫn bình tĩnh nhường nhịn nhau từng mẩu bánh lúc đói.

Ở Việt Nam, có hội chứng học kiến thức trước. Ngay từ khi còn nhỏ các bà mẹ đã có xu hướng chạy trước thời gian, cho các bé học toán, học chữ mà ít cho trẻ có thời gian, điều kiện để trau dồi kỹ năng sống. Bệnh háo danh, con gà tức nhau tiếng gáy, thấy con nhà bên đi học thêm môn này, môn kia, trường chuyên này trường chuyên kia thì cũng bằng mọi giá bắt con em mình theo học. Có bà mẹ sau này thấy không hiệu quả, thì ngán ngẩm than phiền và đổ lỗi cho con. Sự chạy đua về kiến thức, lơ là rèn luyện kỹ năng sống cho con sẽ sinh ra những đứa trẻ vụng về, ngơ ngác.

Nhiều phụ huynh còn can thiệp sâu vào sở trường cá nhân khiến các con không phát huy được năng khiếu, sở thích của chính mình. Có những cha mẹ chỉ hướng các con học các môn toán, lý, hóa, mà sao nhãng các môn xã hội như văn, sử, địa. Báo chí phản ánh có nhiều thí sinh bị điểm 0 các môn xã hội, khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Lại có những bà mẹ chỉ chú trọng thi thố, mong con có số hạng và thi vào đại học danh giá, dù học lực của con em mình có thể rất tồi... Thậm chí chính các bậc cha mẹ còn tiếp tay cho nạn chạy điểm, chạy trường. Thực tế đã có nơi việc chạy điểm bị phơi ra ánh sáng, pháp luật trừng trị. Trong khi đó kiến thức cần trang bị cho trẻ lại bị thiếu.

Lịch sử từ cổ chí kim, từ đông sang tây đã rút ra một chân lý, khi con người có kỹ năng sống tốt, biết hòa nhập với cộng đồng, thì khi vào đời họ biết phấn đấu, học tập, rèn luyện hết mình để thành công và dễ dàng thích nghi với môi trường sống. Khi gặp trắc trở, gian nan, họ không nản mà nỗ lực vượt qua. Thậm chí gặp phải những oan trái, đọa đầy, họ vẫn bền gan làm lại cuộc đời. Ngược lại, chỉ vì chăm lo quá mức với kiến thức mà lơ là tu thân, không chịu học làm người tử tế thì rất dễ nản khi gặp thất bại, thường thích dựa dẫm vào người khác. Họ không biết rằng tu thân, học kỹ năng sống cũng tức là rèn luyện nhân sinh quan, từ đó mới tạo nên sức sống vững bền.

LÝ YẾN NAM

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/day-lam-nguoi-tu-te-truoc-khi-day-kien-thuc-118913