Đẩy lùi bạo lực súng đạn

Tòa án Tối cao Mỹ mới đây đã khôi phục quy định của chính phủ liên bang về thắt chặt kiểm soát 'súng ma', vốn đang xuất hiện ngày một nhiều trong cộng đồng. Dư luận nhận định đây là một động thái đáng hoan nghênh, cho thấy quyết tâm của giới chức Xứ Cờ hoa trong ngăn ngừa, đẩy lùi nạn bạo lực súng đạn - cơn ác mộng dai dẳng của người dân.

Xe của cảnh sát tại hiện trường vụ xả súng tại bang Philadelphia, ngày 3/7/2023. (Ảnh: CNN)

Xe của cảnh sát tại hiện trường vụ xả súng tại bang Philadelphia, ngày 3/7/2023. (Ảnh: CNN)

Là loại súng tự chế, tự lắp ráp, không đăng ký, "súng ma" gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quản lý, truy tìm nguồn gốc của súng. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, riêng trong năm 2021, các cơ quan thực thi pháp luật đã thu giữ khoảng 19.000 khẩu "súng ma" tại các hiện trường phạm tội, tăng gấp hơn 10 lần chỉ trong 5 năm. Cùng với việc các khẩu súng này xuất hiện tràn lan trong cộng đồng, số lượng các vụ bạo lực súng đạn cũng gia tăng ở mức đáng báo động. Theo báo cáo của USA Today, tại Mỹ, cứ 100.000 dân thì có 12 người tử vong do súng đạn. Cũng theo báo cáo, mỗi ngày, Xứ Cờ hoa ghi nhận bình quân 110 người thiệt mạng vì bạo lực súng đạn.

Bạo lực súng đạn, được ví như một "đại dịch" của nước Mỹ, là vấn đề mà chính quyền Tổng thống Joe Biden (G.Bai-đơn) lâu nay trăn trở tìm cách giải quyết. Hàng loạt tuyên bố và biện pháp kiểm soát súng đạn mà ông Biden đưa ra trong thời gian qua là minh chứng cho quyết tâm bảo vệ người dân của nhà lãnh đạo này.

Hồi tháng 4/2022, Tổng thống Joe Biden đã ra sắc lệnh hành pháp bổ sung nhiều biện pháp nhằm siết chặt quản lý "súng ma". Cụ thể, quy định của Bộ Tư pháp Mỹ nêu rõ, các nhà sản xuất phụ kiện vũ khí có thể lắp ráp lại thành "súng ma" sẽ phải tuân thủ những yêu cầu tương tự các nhà sản xuất súng thương mại theo Ðạo luật kiểm soát súng đạn. Các nhà sản xuất bộ dụng cụ "súng ma" cũng sẽ phải có giấy phép liên bang và ghi rõ số seri trên các thành phần cấu thành vũ khí.

Quy định mới yêu cầu những người kinh doanh vũ khí phải giữ lại các tài liệu chính cho đến khi họ ngừng kinh doanh. Trước đây, họ đã được phép hủy hầu hết các hồ sơ sau 20 năm. Trong một tuyên bố nhân dịp Quốc khánh năm nay, Tổng thống Mỹ tiếp tục kêu gọi cấm toàn bộ vũ khí tấn công và băng đạn dung lượng lớn, chấm dứt việc các nhà sản xuất súng đạn được miễn trừ trách nhiệm...

Tuy vậy, ở một quốc gia mà văn hóa súng đạn đã "ăn sâu bám rễ" vào đời sống xã hội như Xứ Cờ hoa, thì việc kiểm soát sở hữu súng chắc chắn gặp nhiều thách thức. Các nỗ lực hạn chế "súng ma" của Tổng thống Joe Biden đã vấp phải trở ngại, sau khi một thẩm phán liên bang ở Texas cuối tháng 6 vừa qua ra phán quyết cho rằng, quy định của Cục Quản lý rượu, bia, thuốc lá, vũ khí và chất nổ (ATF) thuộc Bộ Tư pháp Mỹ về kiểm soát súng đã vượt quá thẩm quyền của ATF và do vậy không được áp dụng trên toàn quốc. Cùng với đó, một số tổ chức vận động chính sách và nhiều công ty sản xuất, phân phối súng ở Mỹ đang tìm cách thách thức các quy định kiểm soát súng.

Trên thực tế, sự bất đồng, chia rẽ giữa các đảng phái và sự cản trở của các nhóm lợi ích tại Mỹ khiến nỗ lực kiềm chế bạo lực súng đạn trở nên kém hiệu quả. Tần suất xảy ra các vụ xả súng vẫn ở mức cao đã cho thấy điều đó. Bởi vậy, việc mới đây Tòa án Tối cao Mỹ khôi phục quy định của chính phủ liên bang về kiểm soát "súng ma" với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống đã được Bộ Tư pháp Mỹ hoan nghênh. Bộ này cho rằng, phán quyết trên đã xét tới tính an toàn trong cộng đồng, giúp các cơ quan thực thi pháp luật đối phó với tội phạm, giảm lượng "súng ma" đang tràn ngập trong xã hội.

Theo kết quả khảo sát, có tới 70% số người Mỹ được hỏi cho biết họ ủng hộ việc yêu cầu "súng ma" phải có số seri và do các nhà sản xuất được cấp phép chế tạo, sản xuất. Thời gian tới, đẩy lùi nạn bạo lực súng đạn sẽ tiếp tục là một vấn đề ưu tiên giải quyết của Tổng thống Biden, nhất là khi cuộc đua vào Nhà trắng năm 2024 đang đến gần.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/day-lui-bao-luc-sung-dan-post767934.html