Đẩy lùi tệ nghi kỵ 'cầm đồ thuốc độc' ở miền núi Quảng Ngãi

Những năm qua, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy, kinh tế-xã hội phát triển, đời sống và dân trí người dân ngày càng nâng cao. Qua đó, tệ nghi kỵ 'cầm đồ thuốc độc' ở các huyện miền núi Quảng Ngãi từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Miền núi Quảng Ngãi đổi thay, tệ “cầm đồ thuốc độc” cũng dần được xóa bỏ.

Miền núi Quảng Ngãi đổi thay, tệ “cầm đồ thuốc độc” cũng dần được xóa bỏ.

Nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” là một hủ tục mê tín dị đoan, lạc hậu ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Ngãi. Do địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt; trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế khó khăn, thiếu thốn nên tệ nạn này tồn tại dai dẳng nhiều năm tại các bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Những cái chết oan vì hủ tục

Tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi là nỗi ám ảnh kinh hoàng khiến nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí nhiều trường hợp bị đánh đập dã man cho đến chết.

Đơn cử, vụ đánh chết người xảy ra vào tháng 9/2010 tại thôn Tà Cơm, xã Sơn Thủy, huyện miền núi Sơn Hà. Do mâu thuẫn với ông Đinh Hà Nên, ông Đinh Hà Ngoan đã phao tin ông Nên có “đồ độc” và kích động người dân thôn Tà Cơm đánh ông Nên. Hậu quả, ông Nên bị chết, năm đối tượng bị kết án tù, trong đó có ông Đinh Hà Ngoan.

Hay như vụ việc xảy ra tại thôn Gò Da, xã Sơn Ba, huyện miền núi Sơn Hà vào tháng 1/2014. Ông Đinh Văn Nương (sinh năm 1949) bị chết do ung thư gan. Tuy nhiên, vì tin lời thầy bói, gia đình ông Nương nghi ngờ bà Đinh Thị Na (ở cùng thôn) sử dụng “đồ độc” hại chết ông Nương. Vì vậy, Đinh Văn Hút (con ruột ông Nương) và Đinh Văn Bẽo (ở cùng xóm) đã đánh chết bà Na.

Gần đây nhất, vào tháng 7/2020, trong lúc uống rượu, ông Phạm Văn Soi, ở thôn Làng Tốt, xã Ba Lế, huyện miền núi Ba Tơ nghi ông Phạm Văn Lối “cầm đồ thuốc độc” làm cha mình chết. Từ đó dẫn đến vụ việc ông Soi cùng với Phạm Văn Cua và Phạm Văn Nghề (đều ở thôn Làng Tốt) dùng rựa, đá đánh chết ông Phạm Văn Lối.

Công an huyện miền núi Sơn Hà vận động, giải quyết một vụ nghi “cầm đồ thuốc độc” tại xã Sơn Kỳ.

Công an huyện miền núi Sơn Hà vận động, giải quyết một vụ nghi “cầm đồ thuốc độc” tại xã Sơn Kỳ.

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi, từ năm 2014 trở về trước, tệ nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” xảy ra ở hầu hết địa bàn các huyện miền núi. Hằng năm đều tăng về số vụ với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, tác động không nhỏ đến tư tưởng của đồng bào dân tộc thiểu số và an ninh, trật tự ở địa phương.

Qua thống kê, từ năm 2003 đến năm 2014, tại các huyện miền núi trong tỉnh xảy ra 164 vụ nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc”, làm 7 người chết (bị giết 4, tự tử 3), 14 người bị thương, khởi tố 4 vụ với 12 bị can.

Nguyên nhân dẫn đến tệ nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” gia tăng là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, chưa quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh phản bác tư tưởng mê tín dị đoan, bài trừ các tập tục lạc hậu, trong đó có tệ nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc”. Một số nơi khi phát hiện vụ việc nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” giải quyết không triệt để dẫn đến kéo dài, âm ỉ trong nội bộ nhân dân.

Cá biệt, có trường hợp người có uy tín, cán bộ, đảng viên ở cơ sở dù biết có nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” nhưng chưa tích cực vận động, giải thích, ngăn chặn nên để xảy ra tình trạng đánh nhau gây thương tích, chết người.

Quyết liệt đẩy lùi hủ tục lạc hậu

Trước thực trạng tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” xảy ra trên địa bàn miền núi Quảng Ngãi diễn biến phức tạp, nếu không kịp thời giải quyết dứt điểm sẽ phát sinh thành “điểm nóng”, tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ khối đoàn kết dân tộc, tháng 3/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Chỉ thị 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 30, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các huyện miền núi trong tỉnh đã huy động được sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, kịp thời phát hiện khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến tệ nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc”.

Đồng thời, phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong tham gia giải quyết những vụ việc liên quan đến nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc”, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa; giáo dục, răn đe đối với các vụ nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ngay tại địa bàn thôn, khu dân cư.

Công an huyện Ba Tơ vận động một gia đình bị nghi “cầm đồ thuốc độc” ở xã Ba Trang lẩn trốn trong rừng trở về nhà.

Công an huyện Ba Tơ vận động một gia đình bị nghi “cầm đồ thuốc độc” ở xã Ba Trang lẩn trốn trong rừng trở về nhà.

Bên cạnh đó, lực lượng công an các cấp tập trung bám sát địa bàn, nắm chắc diễn biến tình hình vụ việc, xác định nguyên nhân, tính chất, phạm vi ảnh hưởng và hậu quả của vụ việc để đưa ra kiểm điểm trước dân, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật.

Nhờ đó, từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn các huyện miền núi Quảng Ngãi chỉ xảy ra 57 vụ nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc”, giảm 110 vụ so với giai đoạn 2003-2014. Trong đó, giải quyết thông qua công tác vận động, hòa giải 55/57 vụ; chỉ có 2 vụ với 5 bị can bị khởi tố hình sự.

Điều đáng mừng, kinh tế-xã hội các huyện miền núi được quan tâm đầu tư, đời sống nhân dân được cải thiện, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải quyết có hiệu quả tệ nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Tơ Nguyễn Văn Huy cho rằng, việc phòng, chống hủ tục lạc hậu này là công tác có tính xã hội cao. Do vậy, cần tiến hành thường xuyên, liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành đoàn thể, phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và đặt dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế-xã hội, từ đó nâng cao đời sống, trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số.

“Tệ nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” tồn tại lâu đời trong tiềm thức của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi nên việc xóa bỏ ngay là rất khó. Do vậy, cần phải có nhiều thời gian tác động tư tưởng, tuyên truyền giúp người dân thay đổi nhận thức, tập quán để dần dần xóa bỏ”, đồng chí Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy, để ngăn chặn, hạn chế, tiến tới đẩy lùi tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở các huyện miền núi, các cấp, ngành, địa phương phải xem đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục và lâu dài; cần đưa vào chương trình, kế hoạch công tác để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; phân công cấp ủy viên phụ trách từng địa bàn để theo dõi, phát hiện, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết kịp thời các vụ nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc”.

Đồng thời, thực hiện tốt định hướng công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mê tín dị đoan, nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở các huyện miền núi của tỉnh; phân tích rõ tác hại của tệ nạn này; phát huy phong tục, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng đời sống tiến bộ, lành mạnh.

HIỂN CỪ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/day-lui-te-nghi-ky-cam-do-thuoc-doc-o-mien-nui-quang-ngai-post824022.html