Đẩy lùi văn hóa độc hại ra khỏi đời sống cộng đồng

Lai Châu với 20 dân tộc cùng sinh sống, phong tục tập quán đa dạng vừa là yếu tố thuận lợi, song cũng là yếu tố khó khăn trong việc quản lý, định hướng, vận động người dân chống lại sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội. Kẻ xấu vẫn tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, nhân quyền và tự do tín ngưỡng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Một bộ phận đồng bào do trình độ nhận thức hạn chế đã bị chúng lợi dụng lôi kéo gây mất đoàn kết, chia rẽ trong nội bộ các dân tộc.

Các hoạt động văn hóa văn nghệ đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân địa phương. Ảnh: Nhật Minh

Các hoạt động văn hóa văn nghệ đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân địa phương. Ảnh: Nhật Minh

Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội” đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương, từng vùng đồng bào dân tộc. Thông qua các hội nghị, sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, hội thi, hội diễn, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh... đã góp phần giúp cán bộ, nhân dân trên địa bàn nâng cao nhận thức, chủ động đấu tranh bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại thâm nhập vào đời sống hằng ngày.

Ông Khoàng Văn Thành, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo Lai Châu cho biết: “Báo Lai Châu đăng tải trên 1.000 tin, bài, ảnh, tản văn, bút ký, phóng sự có nội dung bài trừ văn hóa độc hại, đồng thời tuyên truyền những cách làm hay, hiệu quả trong lĩnh vực này của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đã sản xuất và phát sóng trên 300 tin, bài, phóng sự thông qua các chương trình chuyên mục: “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”, “Văn hóa - Thể thao - Du lịch”, “Sắc màu văn hóa các dân tộc”, “Khám phá Lai Châu”.

Ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các sản phẩm văn hóa độc hại, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Lai Châu còn tổ chức 10.804 buổi chiếu phim lưu động; 758 buổi tuyên truyền lưu động; treo 1.127 băng rôn, 67 cụm pa nô; tổ chức 505 buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; xóa 4 điểm “trắng” về biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp tại huyện Mường Tè và huyện Nậm Nhùn.

Ngoài ra, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao cấp tỉnh, tham gia các hoạt động, sự kiện văn hóa cấp khu vực, toàn quốc như: Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc; Liên hoan múa không chuyên toàn quốc. Qua đó, đã thiết thực góp phần chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại thẩm thấu vào đời sống xã hội, cũng như bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống trong quá trình hội nhập và phát triển.

Cùng với đó, còn có rất nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần đẩy lùi các sản phẩm văn hóa độc hại ra khỏi đời sống cộng đồng như: Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu với mô hình tự quản đường biên, mốc giới; phong trào xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa; xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước; ngành giáo dục và đào tạo với phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong trường học; Tỉnh đoàn Lai Châu với phong trào “Thanh niên sống đẹp”. Đặc biệt là huyện Than Uyên với mô hình “5 không, 5 việc”, góp phần làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã.

Bản sắc văn hóa của người Hà Nhì được bảo tồn, phát huy thông qua các hoạt động trưng bày, triển lãm. Ảnh: Nhật Minh

Bản sắc văn hóa của người Hà Nhì được bảo tồn, phát huy thông qua các hoạt động trưng bày, triển lãm. Ảnh: Nhật Minh

“Không những các tập tục lạc hậu rườm rà, văn hóa độc hại được loại bỏ mà các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống với các bài hát, điệu múa khèn, bài khèn lá... được đội văn nghệ các bản quan tâm gìn giữ và truyền lại cho nhau thông qua các buổi giao lưu, luyện tập. Từ khi ký cam kết thực hiện mô hình “5 không, 5 việc”, bản không có hộ theo đạo trái pháp luật, không có người buôn bán, sử dụng các chất ma túy; không còn tình trạng thả rông gia súc; không có người chặt phá rừng làm nương...” - Anh Vàng A Thành, ở bản Nậm Vai, xã Phúc Than, huyện Than Uyên chia sẻ.

Bên cạnh đó, 1.102 đội văn nghệ quần chúng ở các xã, bản; 72 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 425 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 425 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững với 6.750 thành viên tham gia... chính là sân chơi bổ ích cho các tầng lớp nhân dân và đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu tham gia giao lưu, sinh hoạt, sẻ chia về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như: Kỹ năng nuôi dạy con cái, kỹ năng phòng, chống tệ nạn xã hội, kỹ năng đẩy lùi văn hóa độc hại... Từ đó, góp phần đẩy lùi bạo lực, hủ tục và xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm hạnh phúc, bình yên.

Với sự đồng bộ, hiệu quả trong công tác triển khai, phù hợp trong từng cách làm, đã thiết thực góp phần đẩy lùi sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội ra khỏi đời sống cộng đồng, từ đó, hình thành nếp sống văn minh, lành mạnh, giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu trong quá trình hội nhập phát triển.

Ông Phùng Xì Che, Bí thư Đảng ủy xã Ka Lăng, huyện Mường Tè cho hay: “Là địa bàn biên giới với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, người Hà Nhì chiếm 93,7%, cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương luôn chủ động đẩy lùi văn hóa độc hại ra khỏi đời sống cộng đồng. Bên cạnh đó, bà con thường xuyên quan tâm bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, bài hát, điệu múa và các trò chơi dân gian như: Đánh cù, đi cà kheo, đu lăng vào các dịp lễ, Tết, hội và ngày hội văn hóa của xã được tổ chức hằng năm”.

Nhật Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/day-lui-van-hoa-doc-hai-ra-khoi-doi-song-cong-dong-post429596.html