Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược số
Cùng với 3 đột phá chiến lược số, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh các phong trào 'Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số', 'Bình dân học vụ số'...
Ngày 17-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, chủ trì phiên họp thứ hai của ban chỉ đạo.
Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính
Theo các báo cáo tại phiên họp, thời gian qua, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo và phát động phong trào thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Trong đó, chuyển đổi số đạt nhiều bước tiến khi triển khai dịch vụ 5G trên toàn quốc với 11.500 trạm BTS, tốc độ internet di động vào top 20 thế giới, thương mại điện tử tăng 22%, thanh toán không dùng tiền mặt tăng 28,7%. Công nghiệp ICT phát triển mạnh, xuất khẩu sản phẩm số đạt 49,4 tỉ USD, doanh thu tăng 44,4%. Quản lý thuế qua hóa đơn điện tử hiệu quả, thu từ thương mại điện tử đạt 34.500 tỉ đồng, tăng 19%.
Về kết quả triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, được phê duyệt theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), hoàn thành cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện; kích hoạt 63,4 triệu tài khoản định danh điện tử, cung cấp 43 tiện ích trên VNeID. Dịch vụ công trực tuyến mở rộng với 58/76 dịch vụ thiết yếu, tích hợp sổ sức khỏe và bệnh án điện tử cho 15,5 triệu công dân.
Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết cả nước hiện có 6.358 TTHC ở các cấp hành chính, cùng 8.785 điều kiện kinh doanh, cần cắt giảm 30% theo chỉ đạo của Thủ tướng. Văn phòng Chính phủ sẽ tham mưu để giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương, tập trung giảm điều kiện kinh doanh và TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.
Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, cho hay Bộ Công an đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện cắt, giảm, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ đối với 324 TTHC có thể sử dụng thông tin giấy tờ tích hợp vào ứng dụng VNeID thay thế giấy tờ yêu cầu trong thành phần hồ sơ. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng chủ động rà soát 30 nhóm TTHC thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp để tích hợp trên ứng dụng VNeID.
Đối với phục vụ quản lý, xác thực tài khoản ngân hàng góp phần phòng, chống tội phạm, Bộ Công an đề xuất Thủ tướng giao Bộ Công an nghiên cứu, ứng dụng Cổng ký số từ xa tập trung trên nền tảng định danh và xác thực điện tử VNeID để thực hiện ký điện tử hợp lệ các hợp đồng mở tài khoản, hợp đồng tín dụng, vay tiêu dùng, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng thế chấp... mà không cần ký tay trực tiếp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họpẢnh: Nhật Bắc
Tăng tốc và bứt phá
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các kết quả mà bộ ngành, địa phương đã đạt được trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06. Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ vẫn còn tình trạng chưa quyết liệt, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC còn chậm; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao. Chậm triển khai "một cửa quốc gia" về xúc tiến, thu hút đầu tư và trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp xã ở một số nơi...
Tổng rà soát tài khoản ngân hàng, sim điện thoại
Báo cáo tại phiên họp, Trung tướng Nguyễn Văn Long cho biết sắp tới Bộ Công an sẽ phối hợp tổng rà soát tài khoản, sim điện thoại.
Về việc này, Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan, doanh nghiệp liên quan triển khai chiến dịch tổng rà soát tài khoản ngân hàng, sim điện thoại để tăng cường quản lý nhà nước, phòng ngừa tội phạm lừa đảo trực tuyến.
Nhấn mạnh mục tiêu năm 2025 tăng trưởng GDP 8% trở lên, Thủ tướng yêu cầu quyết tâm "tăng tốc và bứt phá", thay đổi trạng thái, xoay chuyển tình hình. Trong đó, cần đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược số: thể chế số, hạ tầng số và nhân lực số. Bên cạnh đó tăng chi cho KHCN lên 3% ngân sách, khuyến khích hợp tác công tư, huy động doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Các bộ, ngành, địa phương sớm đăng ký dự án, nhiệm vụ KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí kinh phí. Đồng thời đẩy mạnh các phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số", "Bình dân học vụ số".
Về phát triển hạ tầng số, kinh tế số và chính phủ số, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng cơ sở dữ liệu của bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp mình, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia; tổ chức triển khai thử nghiệm có kiểm soát với các ngành công nghệ mới và phát triển sản xuất thông minh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền chính sách thí điểm thị trường tài sản mã hóa. Trong tháng 6, Bộ Tài chính phải trình Chính phủ ban hành bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam phù hợp với phương án sắp xếp tổ chức bộ máy sáp nhập tỉnh, tổ chức chính quyền hai cấp.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại; nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, gắn với sắp xếp đơn vị hành chính; đẩy mạnh triển khai Đề án 06.
Nhiều bệnh viện sử dụng bệnh án điện tử
Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện đã có 172 cơ sở khám, chữa bệnh tại 29 địa phương sử dụng bệnh án điện tử.
Bên cạnh đó, 26/63 địa phương sử dụng dữ liệu đất đai đã được số hóa để giải quyết các TTHC liên quan đến lĩnh vực cư trú; thực hiện chi trả BHXH qua thẻ ATM cho khoảng 80% số người hưởng, nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp; 700 điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tĩnh trên toàn quốc triển khai giải pháp thu phí không dùng tiền mặt...
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/day-manh-3-dot-pha-chien-luoc-so-196250517213600992.htm