Tạo dựng nền tảng, đưa Nghị quyết 57 sớm đi vào cuộc sống

Hà Tĩnh đã và đang cụ thể hóa Nghị quyết 57 bằng hệ thống thể chế đồng bộ và xác định đây là cuộc cách mạng không chỉ về nhận thức, tư duy mà phải bằng hành động quyết liệt.

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024 khẳng định tầm quan trọng của phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số; là thời cơ tốt nhất để nước ta vươn lên phát triển hùng cường trong kỷ nguyên mới. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 57, Hà Tĩnh có nhiều lợi thế nhờ trong thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số. Những kết quả bước đầu góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị tại Hà Tĩnh đạt 23,63%, vượt 3% kế hoạch.

Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị tại Hà Tĩnh đạt 23,63%, vượt 3% kế hoạch.

Trong đó, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP Hà Tĩnh đang chiếm tỷ lệ ngày càng cao (khoảng 35%), cho thấy sự cải thiện tích cực hiệu quả sử dụng các yếu tố sản xuất. Đồng thời, phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ và quản lý hiệu quả trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh.

Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 23,63%, vượt 3% kế hoạch. Nhiều mô hình ứng dụng thành công các tiến bộ KHCN, nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhiều sản phẩm đặc sản địa phương được bảo hộ sở hữu trí tuệ; nhờ đó, giá trị sản phẩm được nâng lên, thị trường tiêu thụ được mở rộng, danh tiếng và uy tín sản phẩm từng bước được khẳng định. Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sáng kiến được quan tâm, tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tạo sự lan tỏa đến đông đảo người dân, doanh nghiệp.

 Từ một ý tưởng, dự án Trầm Hương Tâm Thiên Hương đã hoàn thiện mô hình sản xuất trầm hương tự nhiên, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Từ một ý tưởng, dự án Trầm Hương Tâm Thiên Hương đã hoàn thiện mô hình sản xuất trầm hương tự nhiên, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Linh Trang (TP Hà Tĩnh) phấn khởi chia sẻ, Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh là sân chơi ý nghĩa dành cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có cơ hội khẳng định mình, phát triển ý tưởng, kết nối nguồn lực. Với dự án Trầm Hương Tâm Thiên Hương, từ một ý tưởng ban đầu, chúng tôi đã hoàn thiện mô hình sản xuất trầm hương tự nhiên, không hóa chất, kết hợp với du lịch trải nghiệm.

Hiện nay, doanh thu của công ty đạt tăng trưởng hơn 100% mỗi năm. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Hà Tĩnh không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp trẻ, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa mạnh dạn biến ý tưởng thành hiện thực mà còn định hình xu hướng đổi mới. Các doanh nghiệp được khuyến khích ứng dụng công nghệ và sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ. Qua đó, giúp tạo ra giá trị kinh tế và cơ hội việc làm, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, nơi còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Thêm một lợi thế khác là nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) đã được triển khai, kết nối cơ sở dữ liệu (CSDL) của các ngành, lĩnh vực với các hệ thống CSDL quốc gia.

 Nhiều CSDL được triển khai và phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nhiều CSDL được triển khai và phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Hà Tĩnh đang quản lý, khai thác, vận hành 124 nền tảng số, phần mềm, CSDL. Nhiều CSDL đã được triển khai và phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, theo báo cáo của Văn phòng UBND tỉnh, hệ thống Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) đang trong quá trình thí điểm. Hiện nay, hệ thống mạng và đường truyền của IOC vận hành ổn định, đảm bảo an toàn thông tin, hỗ trợ quản lý, giám sát, phân tích các nội dung có dữ liệu tự động theo thời gian thực. Hệ thống IOC thời gian đầu đã phát huy vai trò trong việc hỗ trợ lãnh đạo tỉnh theo dõi, giám sát một số lĩnh vực trọng điểm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.

Sau khi Nghị quyết 57 được ban hành, tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo về phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số tỉnh. Qua đó, ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện và các đầy đủ các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể. Trong đó, Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu ngành KH&CN chủ trì, chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật (quy định về lĩnh vực đất đai, đầu tư, mua sắm công, thủ tục hành chính, sở hữu trí tuệ, thuế, tín dụng...) thuộc thẩm quyền của địa phương hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về thể chế, cơ chế chính sách và nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển mang tính đột phá của KHCN, ĐMST và chuyển đổi số.

 Các chính sách cùng hệ thống thể chế hoàn thiện là cơ sở quan trọng để Hà Tĩnh đưa Nghị quyết 57 đi vào đời sống.

Các chính sách cùng hệ thống thể chế hoàn thiện là cơ sở quan trọng để Hà Tĩnh đưa Nghị quyết 57 đi vào đời sống.

Trên cơ sở đó, ngành KHCN Hà Tĩnh đang rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách của tỉnh; tham mưu ban hành các cơ chế chính sách mới đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ đột phá trong phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số.

Theo Phó Giám đốc Sở KH&CN Bùi Phong An, Sở KH&CN đang chủ trì xây dựng Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030. Đến nay, đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự thảo nghị quyết. Thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ có các chính sách mới đủ mạnh để hỗ trợ nâng cao năng lực, kiến thức về KHCN, ĐMST và chuyển đổi số. Trong đó, dự kiến sẽ có các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số; nghiên cứu KH&CN; khởi nghiệp sáng tạo; phát triển tài sản trí tuệ; phát triển thị trường KH&CN; ứng dụng công nghệ sinh học…

Trước mắt, dự kiến trong tháng 5/2025 này, UBND tỉnh sẽ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” gắn với “Học tập số”. Trong khuôn khổ chương trình sẽ có chuyên gia Cục Chuyển đổi số quốc gia hỗ trợ nâng cao nhận thức và năng lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ công tác quản lý hành chính nhà nước.

 Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” gắn với “Học tập số”.

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” gắn với “Học tập số”.

Giám đốc Sở KH&CN Bùi Quang Hoàn cho biết: "Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết 57 vào điều kiện thực tiễn của tỉnh bằng các chương trình hành động, kế hoạch trung hạn, kế hoạch năm với các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, phân công lãnh đạo theo dõi, chỉ đạo, địa phương, đơn vị thực hiện... Phấn đấu trong năm 2025 cơ bản hoàn thành khung chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số phiên bản 4.0 làm cơ sở, nền tảng để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số phát triển; đẩy mạnh chương trình nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên KHCN và ĐMST...

Để hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 57, Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia, cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn của các cấp, ngành, địa phương đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. KHCN, ĐMST và chuyển đổi số là con đường duy nhất, nhanh nhất để hiện thức hóa mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước hùng cường".

Việc triển khai Nghị quyết 57 ở Hà Tĩnh đang diễn ra quyết liệt, đồng bộ. Tỉnh luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, đòi hỏi sự đột phá về nhận thức và hành động từ các cấp, ngành. Dù còn nhiều thách thức trước mắt, nhưng Hà Tĩnh đang hoàn thiện hệ thống thể chế; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số, từ đó đặt nền tảng quan trọng để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57, qua đó đồng hành cùng cả nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Dương Chiến

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/tao-dung-nen-tang-dua-nghi-quyet-57-som-di-vao-cuoc-song-post288008.html