Đẩy mạnh cải cách thể chế, 'dồn sức' phát triển kinh tế tư nhân
Mục tiêu Việt Nam có thêm 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 thể hiện kỳ vọng về một lực lượng doanh nghiệp tư nhân mạnh mẽ và thực sự trở thành động lực quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để biến mục tiêu này thành hiện thực, điều cốt lõi không nằm ở số lượng, mà là ở chất lượng – làm sao để những doanh nghiệp mới ra đời không chỉ 'sống sót', mà còn 'lớn lên' bền vững.
Quý I năm nay, cả nước ghi nhận hơn 72.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cùng kỳ, có tới 78.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bình quân mỗi tháng gần 26.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Số liệu này cho thấy, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, phản ánh những thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt.
Trong bối cảnh đó, Chỉ thị 10/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành vừa qua đã đề ra nhiệm vụ có thêm 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Đây là mục tiêu cụ thể hóa các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân – khu vực được xác định là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

Số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, phản ánh những thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt.
Từ mục tiêu đến hành động
Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, kinh tế tư nhân là đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng, phải coi phát triển kinh tế tư nhân là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay.
Thêm một triệu doanh nghiệp mới, cùng với khoảng gần 1 triệu doanh nghiệp hiện có, đồng nghĩa với việc gấp đôi nguồn lực đầu tư tư nhân, thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề cốt lõi không chỉ là “thêm doanh nghiệp”, mà là “thêm doanh nghiệp mạnh”.
Với gần một triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận phát triển kinh tế tư nhân chưa đạt được kỳ vọng, từ số lượng doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo đến đóng góp vào tăng trưởng, tạo việc làm hay tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt là thực trạng hàng triệu hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong khu vực phi chính thức – một nguồn lực khổng lồ nhưng chưa được chuyển hóa thành doanh nghiệp thực thụ.
Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, như thủ tục pháp lý rườm rà, khả năng tiếp cận vốn hạn chế, liên kết yếu, và sự thiếu vắng các chính sách khuyến khích thực chất.
Những điểm nghẽn trên không chỉ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân, khiến tỷ trọng đóng góp của khu vực này trong GDP gần như không thay đổi trong hơn một thập kỷ qua mà còn cản trở nền kinh tế nâng cao giá trị gia tăng, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, làm chậm tiến trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Chính phủ đang đẩy nhanh xây dựng Đề án, dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Bối cảnh hiện nay đặt yêu cầu, kỳ vọng đối với Nghị quyết này về cách tiếp cận tổng thể, liều lượng giải pháp mạnh mẽ, thực chất đi kèm với cơ chế thực thi hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng đề án đã nhấn mạnh, phát triển kinh tế tư nhân cần đặt trong tổng thể toàn bộ sự đổi mới, phát triển, đột phá của đất nước, trong triển khai 3 đột phá chiến lược (về thể chế, hạ tầng và nhân lực), trong thực hiện "bộ tứ chiến lược" (gồm đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; phát triển khu vực kinh tế tư nhân; hội nhập quốc tế trong tình hình mới).
Cải cách thể chế – chìa khóa tạo đột phá
Trong bài viết gần đây, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV cũng kỳ vọng sẽ có giải pháp mới, đột phá hơn để tạo ra lực đẩy mang tính bước ngoặt đối với kinh tế tư nhân.
“Thực tiễn ở nước ta cho thấy, chỉ cải cách mạnh mẽ, mang tính đột phá mới tạo ra cú hích, giúp thay đổi trạng thái. Ví dụ như cải cách đột phá của Luật Doanh nghiệp năm 2000 đã thay đổi tư duy về quản lý doanh nghiệp, đề cao quyền tự do kinh doanh, chuyển từ cấp phép sang đăng ký thành lập doanh nghiệp, bãi bỏ hàng trăm giấy phép kinh doanh… tạo cú hích lớn để hình thành lực lượng doanh nghiệp như ngày nay”, ông Hiếu nhận định.
Đáng chú ý, ông Hiếu cho rằng, cải cách thể chế tiếp tục là giải pháp trọng tâm, trước mắt và lâu dài. Theo đó, gồm ít nhất ba nhóm giải pháp: Nâng cao chất lượng thể chế hiện hành; kiểm soát chất lượng quy định mới sẽ ban hành và ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp.
“Trước mắt, cấp thiết và trọng tâm trong cải cách thể chế là nâng cao chất lượng quy định pháp luật hiện hành”, ông cho biết.
Nhiều chuyên gia cũng chung quan điểm, để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp, cần có giải pháp đồng bộ, thực chất và có tính đột phá. Trong đó, cải cách thể chế tiếp tục là khâu then chốt.
“Cần giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ (đặc biệt là hải quan, chi phí không chính thức), đồng thời rà soát và bãi bỏ tối thiểu 30% các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Đây là những rào cản vô hình đang "giam giữ" rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp và làm chùn bước các doanh nghiệp trẻ”, theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng cần "tháo gỡ" vướng mắc về tiếp cận vốn - một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay, bằng cơ chế rõ ràng và mạnh mẽ hơn trong khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng hình thức cho vay dựa trên tài sản hình thành trong tương lai. Đi kèm với đó là vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa không bị bỏ lại phía sau trong dòng chảy đầu tư sản xuất.
Ông cũng kiến nghị, sớm ban hành quy định yêu cầu các doanh nghiệp lớn, trong và ngoài nước, khi tham gia các dự án trọng điểm quốc gia phải dành tối thiểu 30% giá trị đơn hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
Đồng thời, cần xây dựng chính sách ưu đãi theo tỷ lệ nội địa hóa, trong đó mức nội địa hóa tối thiểu là 30%. Điều này vừa nâng cao nội lực, vừa tạo đầu ra bền vững cho khu vực doanh nghiệp non trẻ.
Một đề xuất đáng chú ý khác là giao KPI phát triển doanh nghiệp cho từng địa phương – cụ thể hóa trách nhiệm trong việc hỗ trợ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Bên cạnh đó, giao nhiệm vụ cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong giám sát và báo cáo tiến độ thực hiện.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV
Cần đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, hết sức quan tâm khâu thực thi, tạo thuận lợi hóa quá trình tiếp cận đất đai, tài chính, công nghệ mới, giải phóng nhanh các nguồn lực đang bị treo, tồn đọng, lãng phí. Ngoài ra, tăng cường thông tin, truyền thông về vai trò của kinh tế tư nhân, về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thông tin thị trường, đối tác, dự báo, bối cảnh…
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam
Vấn đề quan trọng là tạo điều kiện về cơ chế chính sách, môi trường thuận lợi, sân chơi công bằng và minh bạch cho doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh để cùng phát triển. Những khó khăn, đề xuất của họ nên được lắng nghe, tập trung xử lý nhanh. Vì trong kinh doanh, quan trọng là thời cơ và doanh nghiệp cần nắm bắt kịp thời. Doanh nghiệp cần đầu tư, thu hồi vốn và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường nhanh thì mới cạnh tranh được.
Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng
Các hộ kinh doanh cá thể đang cung ứng vật tư, nguyên liệu, sản phẩm… cho bộ phận lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên các giao dịch mua bán, thuê mướn dịch vụ với họ đều không có hóa đơn. Thiếu hóa đơn, doanh nghiệp không thể tính đúng tính đủ chi phí kinh doanh, là cơ sở để khấu trừ thuế, và cũng khó chứng minh tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng để xuất khẩu hay đáp ứng yêu cầu của người mua khó tính. Đây là một điểm nghẽn lớn cho sự vươn lên của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.