Mở rộng tối đa quyền tự do kinh doanh
Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, kinh tế tư nhân là đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng, phải coi phát triển kinh tế tư nhân là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều mục tiêu đặt ra về phát triển kinh tế tư nhân chưa đạt được như kỳ vọng, từ số lượng DN, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, đến đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ đang xây dựng Đề án, dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, bối cảnh mới đặt yêu cầu, kỳ vọng đối với Nghị quyết này về cách tiếp cận, liều lượng giải pháp mạnh mẽ, thực chất đi kèm với cơ chế thực thi hiệu quả. Muốn kinh tế tư nhân phát triển, DN tư nhân lớn mạnh, chỉ có tự do kinh doanh mới kích thích sự sáng tạo, tính cạnh tranh của các chủ thể, cá nhân, tổ chức trong xã hội.
Nguyên tắc "DN được làm những gì mà pháp luật không cấm" đã được ghi nhận trong Hiến pháp, song nguyên tắc này chưa được triển khai triệt để trên thực tế, từ thiết kế chính sách đến thực thi pháp luật. Danh mục ngành nghề cấm hoặc kinh doanh có điều kiện còn nhiều, thủ tục hành chính vẫn khó khăn, năng lực hội nhập và cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân còn hạn chế, mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn thấp.
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục rà soát để cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế, phục vụ cho phát triển; bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; thực hiện "không biết thì không quản"; giải phóng toàn bộ sức sản xuất của đất nước, huy động toàn bộ nguồn lực xã hội cho phát triển; cắt bỏ toàn bộ thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết và tăng cường thẩm quyền xử phạt hành chính với chế tài, quy định cụ thể, rõ ràng.
Làm thế nào để mở rộng quyền tự do kinh doanh cho DN? Nhà nước cần thu hẹp danh mục ngành nghề cấm, hạn chế đầu tư kinh doanh, cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, thực thi nguyên tắc DN được làm những gì pháp luật không cấm và chưa quy định. Từ góc độ cải cách thể chế của Nhà nước, các giải pháp tập trung vào mở rộng quyền tự do kinh doanh, giảm can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng cường sự giám sát của người tiêu dùng, xã hội, đối thủ cạnh tranh. Đó là giảm cơ chế xin - cho, như tự động giảm tiền sử dụng đất cho DN khi có chính sách, không cần DN làm thủ tục đăng ký, kê khai; Tăng mở cửa về cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ cho DN tư nhân. Các ý tưởng kinh doanh mới như AI, bán dẫn, xe tự lái… cần sớm thực hiện.
Để thực hiện hóa mục tiêu 1,5 triệu DN vào năm 2025 và 2 triệu DN vào năm 2030, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đến năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của DN tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu… Thời điểm này, thực sự cần Nhà nước kiến tạo để thúc đẩy, kiểm toát tốt thị trường nhưng không kìm hãm sự phát triển của thị trường; cần Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ, dẫn dắt DN phát triển.
Khi DN tư nhân được khích lệ, dám nghĩ, dám làm, khát vọng phát triển của đất nước sẽ được đánh thức. Chìa khóa để kích hoạt các động lực tăng trưởng không chỉ là những cơ chế đặc thù đang được thử nghiệm, hoặc đang được đề xuất nghiên cứu thử nghiệm, mà phải là đổi mới mô hình tăng trưởng, thể chế, bước chân dứt khoát vào cơ chế thị trường.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mo-rong-toi-da-quyen-tu-do-kinh-doanh.681101.html