Đẩy mạnh chế biến sau thu hoạch để nâng cao giá trị xuất khẩu
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 9 tháng ngành nông nghiệp đạt tăng trưởng cao trên nhiều lĩnh vực.
Thị trường xuất khẩu có nhiều tín hiệu tốt
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh trong bối cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay, nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả khả quan, nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao nhờ vào nỗ lực của toàn ngành trong việc tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ nay đến cuối năm, toàn ngành tập trung cho xuất khẩu các ngành hàng để đạt mục tiêu đề ra.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 9 tháng ngành nông nghiệp đạt tăng trưởng cao trên nhiều lĩnh vực như: trồng trọt tăng 2,6%, cao trong nhiều năm trở lại đây, ngành chăn nuôi tăng 5,1%, lâm nghiệp tăng 3,2% và thủy sản tăng 3,6%.
Cùng với đó, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp trong 9 tháng cũng đạt cao, khoảng 1,1 triệu tỷ đồng. Ngành đảm bảo an ninh lương thực, thị trường xuất khẩu có tín hiệu tốt, nhất là trong tháng 9, xuất khẩu gỗ đã tăng trở lại, ngành thủy sản chỉ giảm nhẹ.
Tính chung tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt 68,92 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu 8,04 tỷ USD tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng, do giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng xuất khẩu chính giảm sâu, nên tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm thủy sản 6,64 tỷ USD, giảm 21,7%; lâm sản 10,44 tỷ USD, giảm 20,6%. Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi có giá trị tăng, nông sản 19,54 tỷ USD, tăng 16,7% (đóng góp bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; gạo 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%; hạt điều 2,61 tỷ USD, tăng 14,3%; cà phê 3,16 tỷ USD, tăng 1,9%) và sản phẩm chăn nuôi ước đạt 369 triệu USD, tăng 26,4%.Theo nhận định, từ nay đến hết năm 2023, xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng mạnh. Các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ sẽ có nhu cầu nhập khẩu rất lớn lượng rau quả từ Việt Nam để tiêu thụ trong các lễ hội cuối năm. Trong khi đó, cuối năm cũng là mùa thu hoạch của nhiều loại rau quả với sản lượng cả nước khoảng 7,6 triệu tấn.Cụ thể, đóng góp nhiều nhất vào sự tăng trưởng giá trị ngành hàng rau quả những tháng cuối năm vẫn là sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Sầu riêng Việt Nam đang "một mình một chợ" ở Trung Quốc khi nguồn cung từ Thái Lan, Malaysia... không còn nhiều do hết vụ thu hoạch. Dự báo, xuất khẩu rau quả năm 2023 có thể đạt trên 5 tỷ USD.Trong khi đó, gạo Việt Nam đang được xuất khẩu nhiều nhất đến các thị trường trong Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP). 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo vào RCEP đạt 4,24 triệu tấn, trị giá 2,25 tỷ USD, tăng 31,4% về lượng, tăng 46,3% trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong các thị trường thuộc RCEP, Philippines, Trung Quốc, Indonesia đang là 3 đối tác nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục nhưng an ninh lương thực trong nước vẫn hoàn toàn được đảm bảo.Về thị trường, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 18,71 tỷ USD, tăng 4,9%; châu Mỹ 8,73 tỷ USD, giảm 22,5%; châu Âu 4,17 tỷ USD, giảm 11,2%; châu Phi 809 triệu USD, tăng 18,8%; châu Đại Dương 570 triệu USD, giảm 18,6%.Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,1%, tăng 13,8%; Hoa Kỳ chiếm 20,7%, giảm 22,6% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 7,7%.Theo ông Nguyễn Văn Việt, với kết quả xuất khẩu nói trên, trong 3 tháng còn lại của năm, nếu mỗi tháng ngành nông nghiệp xuất khẩu đạt 5 tỷ USD thì cả năm sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu khoảng 54 tỷ USD, đúng mức Thủ tướng Chính phủ giao.
Đẩy mạnh chế biến sau thu hoạch
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, giá trị xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng song, có một thực trạng được chỉ ra nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu xuất thô do thiếu công nghệ chế biến, bảo quản; chưa đảm bảo đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu…
Vì vậy, để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam, VCCI cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành phát triển theo chuỗi, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa trong sản xuất, chế biến nông sản để đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm.
TS.Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương cũng nhấn mạnh cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo quá trình quản trị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu, trong đó chú trọng đến các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, in 3D, vật liệu mới,...).
Cùng với đó, cần phát triển công nghệ bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản chế biến. Đẩy mạnh việc triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, thủy sản xuất khẩu. Nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm gia vị, rau quả xuất khẩu. Chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm gia vị, rau quả xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam.
Còn ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam phân tích, lâu nay nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô, tốn rất nhiều chi phí logistics, trong khi hàm lượng giá trị không cao, đặc biệt trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng, lạm phát ở các thị trường tiêu thụ lớn thì đây là một bất lợi lớn. Một container sầu riêng xuất khẩu thì có tới hơn phân nửa là vỏ và hạt. Nếu có thể đưa vào chế biến thành sầu riêng tách múi hoặc các sản phẩm ăn liền thì 1 container thành phẩm sẽ tương đương với 3 container nguyên trái như hiện nay, từ đó giảm được rất nhiều chi phí. “Nhẹ” hơn về trọng lượng nhưng sẽ “nặng” hơn về giá trị.
Từ đó cho thấy việc đẩy mạnh chế biến sâu là bắt buộc để đưa trái cây Việt Nam đi xa tới bất kỳ nơi nào trên thế giới. Rất nhiều loại quả của Việt Nam như sầu riêng, dừa, dứa, chanh dây sẽ có cơ hội gia tăng giá trị.
Hương Anh (T/h)