Đẩy mạnh chế biến, xây dựng thương hiệu mắc ca
Những năm gần đây, bên cạnh việc tập trung quy hoạch mở rộng diện tích mắc ca, huyện Lâm Hà cũng chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho hạt mắc ca qua chế biến, tạo chỗ đứng trên thị trường. Điều đáng phấn khởi là bước đầu đã có các cơ sở, doanh nghiệp tham gia chế biến sâu để đưa hạt mắc ca trở thành đặc sản mới của địa phương này.
Phát triển vùng nguyên liệu
Theo số liệu thống kê năm 2018, diện tích mắc ca trên toàn huyện Lâm Hà là 759 ha. Thế nhưng, chỉ riêng trong năm 2019 đã trồng mới là 341 ha, nâng tổng diện tích mắc ca trên địa bàn toàn huyện lên 1.100 ha (tăng gần 45%). Trong số đó, có 200 ha kinh doanh với sản lượng ước đạt 400 tấn, tập trung rải rác trên địa bàn 9/16 xã, thị trấn.
Cây mắc ca bén rễ ở Lâm Hà cách đây đã được hơn 10 năm. Với điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi cộng với trên 40.000 ha cà phê rất thích hợp để mở rộng diện tích mắc ca với hình thức trồng xen. Khi bước vào giai đoạn kinh doanh, 1 ha cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê có thể thu được 2 tấn hạt trở lên, doanh thu đạt trên 180 triệu/ha/năm. Giá bán hạt mắc ca tươi từ 80-120 ngàn đồng/kg. Năng suất trung bình cây 10 năm tuổi ổn định khoảng 20 kg hạt/cây.
Đây là những tín hiệu hết sức lạc quan để địa phương đẩy mạnh đưa cây mắc ca vào trồng xen, mở ra hướng phát triển cà phê theo hướng bền vững, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, đa dạng hóa sản phẩm, giảm rủi ro về thị trường.
Từ năm 2014 đến nay, huyện Lâm Hà cũng đã có những phương án quan tâm phát triển loại cây này thành một trong những cây công nghiệp chủ lực ở địa phương. Và, trong lộ trình đến năm 2020, Lâm Hà sẽ phát triển lên 1.300 ha mắc ca. Phương thức phát triển vốn từ các nguồn dự án trồng rừng, vốn hỗ trợ của Nhà nước 60% và 40% đối ứng của nông hộ. Nguồn cây giống được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố tiêu chuẩn và chất lượng.
Theo cán bộ của Phòng NN&PTNT huyện Lâm Hà, cây mắc ca trên địa bàn gặp phải khó khăn lớn nhất đó là do đây là cây trồng mới, chưa có một tổ chức, cá nhân ký hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua ổn định cho nông dân nên bà con chưa mạnh dạn đầu tư bài bản ngay từ thời điểm ban đầu. Thêm vào đó, các cơ sở chế biến, thu mua còn hạn chế, chưa đảm bảo việc bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Đẩy mạnh chế biến và xây dựng thương hiệu
Theo thống kê, toàn huyện Lâm Hà hiện có 4 cơ sở chế biến, xuất khẩu hạt mắc ca, bao gồm: Công ty TNHH Thuận Bảo Khang với quy mô thu mua, chế biến vào khoảng 100 tấn/năm; Công ty TNHH Nông sản Huy Hiếu với nhãn hiệu mắc ca Viet’s Nuts có lượng tiêu thụ nội địa vào khoảng 25 tấn/năm; Cơ sở chế biến gia đình Sáu Sanh với năng lực thu mua, chế biến khoảng 3 tấn/năm; Cơ sở chế biến mắc ca Tám Trình với sản lượng 10 tấn/năm. Hiện chỉ có cơ sở Tám Trình đang đăng ký xây dựng thương hiệu, còn 3 đơn vị còn lại đã đăng ký nhãn hiệu, được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để đưa cây mắc ca vào lộ trình sản xuất ổn định và bền vững, ngày 20/5/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chính thức phê duyệt quy hoạch phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, đến năm 2020, Lâm Đồng mở rộng diện tích mắc ca trồng xen từ 3.500 - 4.000 ha, trong đó có khoảng 950 ha thu hoạch, đạt tổng sản lượng khoảng 1.700 tấn hạt/năm. Đến năm 2030 sẽ đạt 12.000 - 15.000 ha diện tích sản xuất; trong đó, 4.000 ha cho thu hoạch và sản lượng 8.000 tấn hạt/năm. Đồng thời, ban hành các cơ chế khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, nhà máy chế biến mắc ca trên địa bàn Lâm Đồng với công suất thiết kế từ 1.000 - 3.000 tấn hạt/năm/đơn vị vào năm 2020, tăng lên tổng công suất 8.000 - 10.000 tấn hạt vào năm 2030.
Chúng tôi có dịp ghé thăm quy trình sản xuất của Công ty TNHH Nông sản Huy Hiếu (đóng chân tại địa bàn xã Tân Hà) - sản phẩm vừa được công nhận là một trong 3 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện Lâm Hà. Theo Giám đốc Nguyễn Hữu Việt, hiện sản phẩm của công ty có mặt trong hệ thống siêu thị Coopmart cũng như nhiều cửa hàng trên toàn quốc. Ngoài diện tích 2,7 ha của doanh nghiệp, mùa vụ sắp tới, Công ty Huy Hiếu sẽ hoàn thiện hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với 10 hộ nông dân trên diện tích gần 20 ha, đồng thời tiến hành thu mua hạt mắc ca tươi của bà con nông dân trong vùng. Với mục tiêu lâu dài hướng đến chế biến thêm các sản phẩm từ hạt mắc ca, đưa hạt mắc ca Lâm Hà xuất ngoại thì công ty đã đầu tư bài bản về mặt nhãn mác, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc… nhằm xây dựng bộ nhận diện cho sản phẩm.
“Có một thực tế là dù nằm giữa vùng nguyên liệu mắc ca huyện nhưng hiện nay chúng tôi vẫn thiếu nguyên liệu sản xuất, bởi dù mắc ca trên địa bàn khá nhiều nhưng chất lượng không đồng đều. Một phần nguyên nhân là do trước đây bà con trồng mà không biết cách chọn cây giống chuẩn, kỹ thuật cũng phần lớn tự mày mò chứ chưa có một hệ thống quy trình chuẩn nên sản lượng chưa cao. Thời gian gần đây mới đưa vào trồng các loại cây giống chất lượng hơn. Đã có lời đề nghị hợp tác từ đơn vị xuất khẩu mắc ca nhưng đòi hỏi nguồn hàng lớn trong khi khả năng của mình chưa thể đáp ứng bởi ngay từ nguyên liệu đầu vào mình còn đang thiếu”, Giám đốc Nguyễn Hữu Việt chia sẻ.
Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT Lâm Hà, vấn đề thu hút đầu tư được xác định là quan trọng và cần thiết. Theo đó, đến năm 2020 huyện có chủ trương thu hút các doanh nghiệp xây dựng 1 - 2 cơ sở chế biến (sấy) hạt mắc ca và kho bảo quản chuyên dụng với công suất thiết kế khoảng 2.000 - 3.000 tấn nguyên liệu/năm; lựa chọn thu hút đầu tư một hoặc hai địa điểm trong các địa phương Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc.
Về lâu dài, đến năm 2030, ngoài việc mở rộng cơ sở chế biến cũng đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư thêm nhà máy để chế biến sản phẩm từ hạt và nhân mắc ca, nhà máy chế biến sâu như tinh dầu, mỹ phẩm, dung môi… để tăng giá trị sản phẩm mắc ca. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp mua thêm hạt mắc ca nguyên liệu từ các địa phương lân cận để chế biến, xuất khẩu, khai thác có hiệu quả trang thiết bị và nguồn vốn đã đầu tư. Bên cạnh đó, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, làm đầu mối trực tiếp thực hiện hợp đồng liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mắc ca.