Đẩy mạnh chống buôn lậu qua biên giới Tây Nam
Đây là ý kiến chỉ đạo của Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đối với các lực lượng chống buôn lậu của một số tỉnh miền Tây Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh tại hội nghị diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh ngày 5/3.
Hội nghị được tổ chức nhằm sơ kết 8 tháng thực hiện kế hoạch số 27/KH-VPTT ngày 14/6/2019 về chống buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới tại những khu vực trọng điểm trên cả nước; đúc kết kinh nghiệm và đẩy mạnh thực hiện kế hoạch trong thời gian tới.
Ông Trương Văn Ba - Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia - cho biết, trong 8 tháng thực hiện kế hoạch số 27, các cơ quan chức chức năng và các địa phương đã phát hiện 3.654 vụ vi phạm với 1.180 đối tượng tham gia. Đã xử lý hình sự 87 vụ/103 đối tượng, xử lý hành chính 2.640 vụ/1.081 đối tượng, thu nộp ngân sách hơn 81 tỷ đồng, tăng 58% số tiền nộp ngân sách so với 6 tháng đầu năm 2019.
Theo ông Trương Văn Ba, tại biên giới Tây Nam, chiến dịch tập trung truy quét hàng hóa nhập lậu qua biên giới thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên tình trạng hàng hóa thẩm lậu qua biên giới vẫn còn tồn tại khá phức tạp, tăng giảm tùy theo mùa. Tại các địa bàn trọng điểm có nhiều đường mòn, lối mở, kênh rạch chằng chịt là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng để buôn lậu và khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý. Các đường dây buôn lậu được tổ chức chặt chẽ, phân công người đối phó với cơ quan chức năng khi vận chuyển hàng lậu. Phương thức buôn lậu ngày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh. Các mặt hàng buôn lậu trọng điểm gồm thuốc lá điếu, đường cát, rượu ngoại, hàng điện tủ, điện lạnh cũ, thực phẩm chức năng, ma túy, xăng dầu, gần đây còn có các thiết bị, vật phẩm y tế...
Chỉ riêng mặt hàng đường cát, đối tượng buôn lậu đưa bao bì in sẵn nhãn mác “Made in Việt Nam” sang Campuchia để đóng gói trước khi đưa vào Việt Nam. Đường cát thẩm lậu số lượng lớn là do bất cập từ việc cấp phép cho các cơ sở sang chiết, chế biến đường cát thành đường phèn gần biên giới, từ đó dùng nhiều hành vi để hợp thức hóa hàng lậu. Đối với ma túy, các đối tượng không chỉ vận chuyển từ nước ngoài vào mà còn móc nối với các đối tượng cầm đầu bên Trung Quốc, Đài Loan, thành lập các doanh nghiệp trá hình để sản xuất, cất giấu ma túy tại Việt Nam, sau đó chuyển tiếp đi các nơi.
Tại địa bàn tỉnh Long An, hàng hóa nhập lậu qua biên giới gần đây gồm thuốc lá, đường cát, đồ điện lạnh cũ, xe mô tô đã qua sử dụng. Ông Phạm Đức Chinh - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Long An - cho hay, gần đây mặt hàng mô tô phân khối lớn có giá trị cao buôn lậu qua biên giới khá nhiều; riêng thuốc lá bắt giữ lên đến 2 triệu bao, trong đó có khoảng 1 triệu bao chưa xử lý được vì vướng thủ tục.
Tại An Giang, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa trái phép gần đây khá phức tạp và diễn biến khó lường. Ông Huỳnh Ngọc Hồ - Phó Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang nêu, ngoài heo vận chuyển lậu từ Campuchia sang trong mùa dịch tả heo châu Phi, gần đây dịch cúm Covid-19 kéo theo nhiều người Campuchia sang Việt Nam thu gom khẩu trang để vận chuyển lậu về Campuchia bán kiếm lời rất phức tạp.
Ông Nguyễn Thành Công - Chánh Thanh tra Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang thông tin, một hộp khẩu trang trong nước có giá khoảng 60.000 đồng, khi sang thị trường Campuchia giá bán là 23 USD, vì lợi nhuận cao nên tình trạng buôn lậu khẩu trang tăng mạnh.
Ông Đàm Thanh Thế đánh giá, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới Tây Nam còn nhiều, hàng hóa nhập khẩu vào TP. Hồ Chí Minh để tái xuất qua Campuchia rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ quay đầu, vì thế công tác kiểm soát ở thị trường nội địa rất quan trọng, nhất là một số địa bàn ở khu vực biên giới. Từ thực tế này, ông Thế chỉ đạo, trong năm nay các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh công tác chỉ đạo, phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo yêu cầu thông suốt từ trung ương tới từng địa phương. Dồn lực để ngăn chặn buôn lậu, nhất là tình trạng vận chuyển trái phép vật tư y tế phòng dịch Covid -19.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/day-manh-chong-buon-lau-qua-bien-gioi-tay-nam-133583.html