Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đi đúng hướng. Phóng viên báo Tin tức và Dân tộc đã cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) xung quanh vấn đề này.

Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương.

Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương.

Cục trưởng đánh giá như thế nào về quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam từ năm 1986 đến nay?

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa được Đảng và Nhà nước ta xác định là con đường tất yếu để đưa đất nước nhanh chóng thoát khỏi tình trạng lạc hậu, chậm phát triển và trở thành một quốc gia văn minh, hiện đại.

Kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới năm 1986, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng, nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình với một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ, kinh tế tăng trưởng khá cao, liên tục và bao trùm, bảo đảm mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển.

Một trong những thành tựu quan trọng của chuyển dịch kinh tế thể hiện rõ nhất trong gần 40 năm qua là tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn được duy trì, ngay cả trong những giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế vĩ mô luôn được ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Bình quân mỗi năm trong gần 40 năm (1987-2024), GDP tăng 6,67%, được xếp vào hàng các nước có tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế vẫn còn những hạn chế. Theo thống kê trong các giai đoạn từ năm 1986 đến nay, tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng trong GDP tăng thấp, do tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp có xu hướng chậm lại trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu các ngành trong khu vực dịch vụ còn chuyển dịch chậm; trong đó, các ngành dịch vụ cao cấp, mang tính động lực và có hàm lượng tri thức cao vẫn chiếm tỷ trọng thấp trong GDP. Hai khu vực kinh tế này chưa phát triển kịp thời, năng lực kinh tế không tăng kịp để đón nhận lao động chuyển dịch từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chuyển sang.

Theo bà, Việt Nam cần triển khai những giải pháp gì để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới?

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thời kỳ tăng trưởng thăng trầm, nhưng nhìn chung nhịp độ tăng trưởng dài hạn khá cao và ổn định, ngoại trừ một số năm đầu Đổi mới và những năm dịch COVID-19 xuất hiện, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, tất cả các năm còn lại đều có tốc độ tăng trưởng trên 5%/năm.

Thành tựu phát triển kinh tế mà Việt Nam đã đạt được trong chặng đường gần 40 năm qua là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng là nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã đi đúng hướng. Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, trong giai đoạn tới, tôi cho rằng cần chú trọng 5 giải pháp sau đây.

Thứ nhất, tăng nhanh tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ, giảm mạnh tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và đạt mục tiêu đặt ra đến năm 2045 trở thành nước phát triển. Cần ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, đi nhanh vào hiện đại hóa ở những ngành, những lĩnh vực then chốt; đẩy mạnh phát triển những ngành công nghệ cao để phát triển thành những ngành mũi nhọn.

Thứ hai, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển ngành dịch vụ. Các cấp, các ngành cần có chính sách ưu tiên cao để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển một số ngành dịch vụ có nhiều lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như: Du lịch, hàng hải, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế chất lượng cao; tiến tới hình thành những trung tâm dịch vụ, du lịch đẳng cấp khu vực và thế giới.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tăng cường điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư cho phù hợp. Vốn đầu tư của Nhà nước cần được đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm như đầu tư vào các lĩnh vực công cộng hoặc lĩnh vực cần thiết cho nền kinh tế mà tư nhân không có khả năng thực hiện hoặc không muốn đầu tư, giảm đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực và tư nhân có thể đảm nhận được.

Thứ tư, đổi mới công nghệ. Công nghệ được xem là một trong những khâu còn nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế ở Việt Nam. Những hướng giải pháp cơ bản là tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động chuyển giao công nghệ, hướng dẫn lựa chọn chuyển giao các công nghệ phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam.

Thứ năm, gắn chiến lược phát triển nguồn nhân lực với phát triển kinh tế, xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế; gắn quy hoạch phát triển nhân lực của mỗi bộ, ngành, địa phương đồng bộ với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Thế Đoàn/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/day-manh-chuyen-dich-co-cau-kinh-te-dua-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-20250508155414722.htm