Kinh tế tư nhân mạnh mẽ, quốc gia cường thịnh - Bài 1: Một động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế
Suốt chặng đường phát triển của đất nước, sau mỗi giai đoạn, kinh tế tư nhân (KTTN) lại được nhìn nhận, đánh giá. Và sau mỗi đánh giá mới, KTTN càng được khẳng định vai trò, có thêm những điều kiện để đóng góp nhiều hơn.
LTS: Bằng sự năng động và sáng tạo, kinh tế tư nhân (KTTN) đã dần vươn lên trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Giờ đây, khu vực KTTN rất cần những giải pháp quyết liệt, đột phá để phát triển bền vững, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, nhất là sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 về phát triển KTTN.
Đóng góp ngày càng lớn
“Chúng tôi đang phấn chấn. Niềm tin đang tăng lên rất nhiều”, ông Lê Trí Thông, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), chia sẻ ngay từ khi có thông tin dự thảo Đề án Phát triển KTTN đã hoàn thiện thêm một bước và Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về KTTN, coi KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Nghị quyết số 68-NQ/TW đã làm dấy lên niềm tin và kỳ vọng, đánh dấu một bước ngoặt mang tính cải cách sâu sắc tạo khí thế và xung lực mới cho KTTN phát triển. Tại nghị quyết này, lần đầu tiên, khu vực KTTN được xác lập là “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế.
“Đây là sự chuyển hóa mang tính lịch sử, một sự chuyển dịch rõ ràng về mặt tư tưởng và chính trị”, luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam, phát biểu.
Luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt trời mới, bộc bạch: “Chỉ thêm một từ “nhất” thôi đã thay đổi rất nhiều. Qua 30 năm hoạt động trong khu vực KTTN, đồng hành, tư vấn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, tôi rất mừng khi thấy KTTN được xác định là động lực quan trọng nhất. Quan điểm, thông điệp này đã thể hiện tầm nhìn thời đại, tư duy chiến lược và rất thực tế, rất thiết thực với nền kinh tế, với quốc gia”.

Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Nhựa và Bao bì An Vinh, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Ảnh: QUANG PHÚC
Nhìn lại sự phát triển của KTTN, cứ mỗi khi có sự đổi mới về tư duy, quan điểm về KTTN thì khu vực này lại có sự chuyển biến mới. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986, KTTN được thừa nhận là một bộ phận của nền kinh tế. Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 ra đời đặt dấu ấn đầu tiên về mặt pháp lý của khu vực KTTN trong nước.
Đến năm 1999, Luật Doanh nghiệp ra đời đã tạo ra đột phá về mặt tư duy, mở rộng quyền tự do kinh doanh, môi trường kinh doanh, tạo nên sự bùng phát của KTTN. Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 13-10 làm Ngày Doanh nhân Việt Nam đã động viên mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nhân.
Một dấu mốc nữa là Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-12-2011 về phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Dấu mốc lịch sử tiếp theo là tại Nghị quyết 10/NQ-TW ngày 3-6-2017 (về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa), KTTN được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm…
Giờ đây, Nghị quyết số 68-NQ/TW là dấu mốc mới khi khẳng định: Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Nghị quyết cũng yêu cầu xóa bỏ định kiến, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn cho KTTN…
Nghị quyết cũng thẳng thắn chỉ ra: KTTN vẫn đối mặt với nhiều rào cản về tiếp cận nguồn lực, nhất là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó là những cản trở từ hàng trăm ngành nghề kinh doanh có điều kiện và hàng ngàn điều kiện kinh doanh. Chi phí không chính thức vẫn tồn tại, tạo gánh nặng vô hình đối với doanh nghiệp, phát sinh tâm lý e ngại đầu tư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu phải cắt giảm 30% thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí, điều kiện kinh doanh nhưng khi ban hành quy định mới để sửa quy định cũ, một số bộ, ngành vẫn đưa vào dự thảo sửa đổi những quy định làm tăng thêm thủ tục, khiến doanh nghiệp vẫn phải tăng thêm chi phí.
“Khu vực KTTN vẫn chưa có đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo cơ chế thị trường và doanh nghiệp chưa thực sự được an toàn theo tinh thần kinh doanh tất cả các ngành nghề mà luật không cấm”, luật sư Bùi Văn Thành lưu ý.
Rào cản sẽ sớm được xóa bỏ
Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, một đất nước cường thịnh không thể thiếu lực lượng doanh nghiệp nội địa phát triển mạnh mẽ. Ông tin tưởng khi Nghị quyết số 68-NQ/TW được triển khai thực chất và hiệu quả, KTTN sẽ là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia… Và, cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, KTTN giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu để vươn lên phát triển thịnh vượng.

Nhà máy Giấy Xuân Mai (KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM) là một điểm sáng kinh tế tư nhân trong sản xuất công nghiệp
Hiện nay, tuy đã có doanh nghiệp quy mô quốc gia, nhưng số này chỉ khoảng 2,6%-2,8% trong tổng số doanh nghiệp cả nước. Hơn 97% còn lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm tới 69%. Đáng lo ngại là đâu đó vẫn có sự e dè, không dốc lòng dốc lực làm lớn; một bộ phận khác rời thị trường.
Thực tế, số lượng doanh nghiệp còn quá ít, mật độ doanh nghiệp cũng còn rất thưa: hơn 100 người dân mới có 1 doanh nghiệp - tỷ lệ rất thấp so với các nước trong khu vực. Hiện nay, mới có gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động. Đầu tư tư nhân trong mấy năm gần đây cũng liên tục giảm tốc.
Do vậy, TS Nguyễn Đình Cung đang rất kỳ vọng việc triển khai nhanh chóng, hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW sẽ kịp thời xóa bỏ các rào cản, xóa bỏ điểm nghẽn, thổi bùng lên ngọn lửa đam mê kinh doanh và khao khát đầu tư, khơi dậy sức mạnh của KTTN để khu vực kinh tế quan trọng này phát triển.
Nghị quyết số 68-NQ/TW ghi nhận, với gần 1 triệu doanh nghiệp, khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, KTTN đang đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho 82% tổng số lao động.