Đẩy mạnh chuyển đổi số để kết nối bền vững với khách hàng

Trong bối cảnh kỷ nguyên số hóa và tác động từ dịch Covid-19, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng trở thành xu hướng tất yếu. Đây cũng là chủ trương mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến khích các ngân hàng thương mại thực hiện nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Quang Vinh, Thành viên Hội đồng Quản trị, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng số Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) xung quanh vấn đề này.

Ông Đỗ Quang Vinh, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng số Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Ảnh: HỒNG NHUNG

Ông Đỗ Quang Vinh, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng số Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Ảnh: HỒNG NHUNG

Phóng viên (PV): Việc đẩy mạnh chuyển đổi số giúp ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn. Tại SHB, công tác số hóa đã giúp cải thiện năng suất lao động, tiết giảm chi phí nhân sự và chi phí điều hành như thế nào?

Ông Đỗ Quang Vinh: Chuyển đổi số được đánh giá là một dự án dài hơi, với những hạng mục công việc mang tính phức tạp cao và đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều đơn vị. Tại SHB, chúng tôi khởi động chuyển đổi số bằng Dự án triển khai giải pháp Quản lý quan hệ khách hàng (CRM). Dự án CRM đã được triển khai ở tất cả các bộ phận của SHB từ tháng 8-2020. Hiệu quả mang lại rõ nét đó là công tác quản trị dữ liệu khách hàng được cải thiện đáng kể. Dựa trên hệ thống phân tích tự động, thông minh của CRM, SHB nhanh chóng nắm bắt được thói quen tiêu dùng của khách hàng, giúp đo lường và thiết kế các sản phẩm phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm đem lại lợi ích tối đa cho khách hàng. Nhờ đó, SHB đã triển khai thành công nhiều sản phẩm số như: Mở tài khoản trực tuyến, phát hành thẻ tín dụng trực tuyến, vay thấu chi, kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia... cùng các giải pháp tài chính đa dạng và nhiều ưu đãi vượt trội đi kèm.

Về công tác vận hành, SHB đã tận dụng được tối đa vai trò của các công cụ kết nối, làm việc 4.0. Các công việc từ họp nội bộ, làm việc với đối tác cho đến kết nối giữa ngân hàng và khách hàng đều được đẩy mạnh thông qua các kênh trực tuyến và ứng dụng trên điện thoại thông minh của ngân hàng. Qua đó, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí nhân sự cũng như gia tăng năng suất làm việc của người lao động, đem tới cho khách hàng, đối tác những trải nghiệm, sản phẩm, dịch vụ nhanh gọn và hoàn chỉnh nhất.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Ảnh: HỒNG NHUNG

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Ảnh: HỒNG NHUNG

PV: Quá trình chuyển đổi số đòi hỏi cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng. SHB đã triển khai công tác này như thế nào, hiện tại có gặp những khó khăn, vướng mắc gì về pháp lý, cơ sở hạ tầng không?

Ông Đỗ Quang Vinh: Nhằm bảo đảm dự án chuyển đổi số được thành công, SHB đã đầu tư nhiều nguồn lực và ngân sách thực hiện nâng cấp Core Banking (ngân hàng lõi), nâng cấp thẻ, triển khai ngân hàng đầu tư, giải pháp khởi tạo cho vay (LOS), triển khai hệ thống Omni Channel và các hệ thống công nghệ thông tin có liên quan... đồng thời ứng dụng các giải pháp hiện đại nhất như: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), học máy (Machine learning), Internet vạn vật (IoT),... Bên cạnh đó, SHB cũng hợp tác với những tổ chức, doanh nghiệp công nghệ tài chính (Fintech) hàng đầu trên thế giới để hỗ trợ việc chuyển đổi số ở SHB nhanh nhất, tốt nhất và phù hợp nhất. Việc khoanh vùng và hợp tác với các đối tác công nghệ số nằm trong tốp đầu thế giới sẽ giúp SHB tạo ra bước đột phá về nền tảng và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng như chuyển đổi số. SHB cũng đã làm việc với các đơn vị tư vấn hàng đầu trên thế giới như BCG, IBM, Ernst & Young để xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển ngân hàng giai đoạn 5 năm và 10 năm.

Khi đầu tư một hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin hiện đại, chắc chắn bất kỳ doanh nghiệp nào nói chung và SHB nói riêng đều sẽ đối mặt với nhiều trở ngại. Song tính đến thời điểm hiện tại, tôi có thể tự hào chia sẻ rằng, bằng sự quyết tâm, tinh thần dám đương đầu, không ngại thay đổi, chúng tôi đã bước đầu vượt qua những khó khăn và đạt được những thành tựu nhất định.

PV: Ông đánh giá việc thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng nói chung và SHB nói riêng có tác động như thế nào tới nền kinh tế số?

Ông Đỗ Quang Vinh: Chúng ta có thể nhận thấy hiện nay hầu hết các ngân hàng đang tăng tốc trên đường đua chuyển đổi số và gia tăng đáng kể mức độ tương tác số giữa khách hàng trên tất cả các nền tảng số. Việc các ngân hàng chuyển đổi số nhanh chóng đang thúc đẩy chuyển đổi số của các ngành nghề khác, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế số. Tại SHB, việc thành lập Khối Ngân hàng số nhằm thúc đẩy một nền văn hóa đổi mới hơn, nhanh nhẹn hơn và lấy khách hàng làm trung tâm. Khối Ngân hàng số sẽ đóng góp chính vào hiệu quả và lợi nhuận của phân khúc doanh nghiệp và bán lẻ của SHB, thu hút nhiều khách hàng hơn thông qua những trải nghiệm hàng đầu thị trường, đồng thời tạo ra sự gắn kết sâu hơn với những khách hàng hiện tại, giảm thiểu các chi phí giao dịch và dịch vụ.

Chúng tôi có khảo sát và nhận thấy điều này được phản ánh rõ nét thông qua số lượng giao dịch trên nền tảng số đã tăng đáng kể trong hai năm vừa qua, cho thấy khách hàng cảm thấy thoải mái hơn khi giao dịch với những tổ chức tài chính thông qua các kênh số và họ sẽ tiếp tục thói quen này. Tôi tin tưởng Khối Ngân hàng số sẽ đóng vai trò tích cực và to lớn trong việc đưa SHB trở thành ngân hàng số nằm trong tốp 3 tại Việt Nam vào năm 2025.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

MINH VIỆT (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/day-manh-chuyen-doi-so-de-ket-noi-ben-vung-voi-khach-hang-700842