Đẩy mạnh chuyển đổi số hướng tới xây dựng nền y tế thông minh
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, ngành Y tế tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, khám, chữa bệnh (KCB) một cách tổng thể và toàn diện, tạo sự thay đổi tích cực trong hoạt động y tế. Qua đó giúp các cơ sở y tế nâng cao hiệu quả KCB, giảm thủ tục hành chính; giúp người bệnh rút ngắn thời gian chờ đợi khi đi khám bệnh, hướng tới nền y tế thông minh trong tương lai.
Hiện nay, hầu hết các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. 100% đơn vị y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện với nhiều tiện ích như đăng ký KCB bằng hệ thống máy lấy số tự động, gọi tên người bệnh theo thứ tự; quản lý đơn thuốc. 100% cơ sở y tế đã thực hiện kết nối dữ liệu phục vụ công tác thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT; triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế điện tử, không dùng tiền mặt.
Đồng thời, áp dụng triệt để việc chuyển đổi số trong kết nối trực tuyến để đào tạo nâng cao nghiệp vụ, chuyển giao kỹ thuật theo hình thức cầm tay chỉ việc, hội chẩn từ xa với các chuyên gia tuyến Trung ương để xử lý những ca bệnh khó, thay cho việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của ngành Y tế tỉnh, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT, đẩy mạnh các ứng dụng như phần mềm HIS, LIS, phần mềm giám định bảo hiểm y tế của BHXH Việt Nam, phần mềm bệnh án điện tử; ứng dụng CNTT trong công tác quản lý vật tư, trang thiết bị y tế, hệ thống vận chuyển mẫu xét nghiệm tự động…
Từ khi bệnh viện đưa hệ thống PACS (hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh) vào hoạt động không chỉ tạo bước đột phá mới trong hội chẩn mà còn tiết kiệm được nhiều chi phí in ấn, không gian lưu trữ phim, giúp việc quản lý, lưu trữ thuận lợi.
Để tạo thuận lợi trong thanh toán viện phí, cuối năm 2020, bệnh viện liên kết với các ngân hàng thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Từ tháng 8/2022 triển khai đăng ký khám bệnh online và qua tổng đài 1800.969.626, với trung bình 400 lượt người gọi đăng ký khám bệnh/ngày, chiếm 40% tổng lượng bệnh nhân tới khám, điều trị, giúp giảm tải thời gian chờ đợi, tăng mức độ hài lòng của người bệnh.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Dương Hà Minh Giám cho biết: "Hiện, trung tâm đang đẩy mạnh việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, ứng dụng VNeID khi người dân đến làm thủ tục KCB BHYT thay cho thẻ BHYT giấy. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trung tâm đã triển khai nâng cấp đường truyền, mạng máy tính; trang bị phần mềm, thiết bị đầu đọc thẻ căn cước công dân gắn chíp.
Mọi thủ tục đều được nhân viên y tế thao tác trên máy tính một cách nhanh chóng và chính xác, rút ngắn thời gian chờ đợi cho người dân, tạo thuận lợi cho các y bác sĩ, hạn chế tình trạng sai sót trong việc thăm khám, trả kết quả cho bệnh nhân".
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Y tế, hiện nay, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh sử dụng hệ thống phần mềm của nhiều nhà cung cấp khác nhau. Nhiều nền tảng cấu trúc dữ liệu và công nghệ khác nhau nằm rải rác ở các đơn vị đang gây khó khăn trong việc thực hiện việc kết nối dữ liệu phục vụ cho quản lý và mất nhiều thời gian khi khai thác số liệu.
Vì vậy, để có thể triển khai các nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số, giai đoạn 2022-2023, ngành Y tế tỉnh đẩy mạnh đào tạo cán bộ y tế thành thạo các thiết bị công nghệ để ứng dụng CNTT thực hiện chuyển đổi số; tham mưu đầu tư hạ tầng CNTT, kho dữ liệu dùng chung của ngành, đầu tư các phần mềm đối với khối quản lý nhà nước và các đơn vị y tế dự phòng, chuyên ngành.
Đối với các cơ sở KCB, triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện hạng I và trung tâm y tế các huyện Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường; giai đoạn 2024-2025 sẽ triển khai ở các cơ sở KCB công lập và tư nhân còn lại.
Đồng thời, tiếp tục học hỏi kinh nghiệm ứng dụng hệ thống RIS-PACS&Telehealth và đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử; giải pháp ứng dụng chữ ký số, chữ ký điện tử tại các cơ sở y tế và vai trò chữ ký số trong quá trình xây dựng bệnh án điện tử, đặc biệt là kinh nghiệm triển khai, ứng dụng bệnh án điện tử tại Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh; ứng dụng CNTT trong quản lý KCB…