Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nhà máy thông minh đáp ứng xu thế chuỗi sản xuất toàn cầu

Chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh được xem là xu hướng tất yếu, buộc các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải thay đổi, để nâng cao năng lực sản xuất, tối ưu hóa quá trình sản xuất, đáp ứng chuỗi cung ứng, chuỗi cạnh tranh trên toàn cầu.

Khung cảnh Tọa đàm "Chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt" do Tạp chí Công Thương tổ chức

Khung cảnh Tọa đàm "Chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt" do Tạp chí Công Thương tổ chức

Chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh bước đầu đã có những kết quả tích cực

Chia sẻ tại Tọa đàm “Chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt” do Tạp chí Công Thương tổ chức, ông Chu Việt Cường - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, trước xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ áp dụng các mô hình về chuyển đổi số và phát triển nhà máy thông minh, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nâng cao năng lực và tối ưu hóa quá trình sản xuất, đáp ứng chuỗi cung ứng, chuỗi cạnh tranh trên toàn cầu.

Cụ thể, những năm qua, Cục Công nghiệp đã phối hợp với các doanh nghiệp FDI hàng đầu như Samsung, Toyota,… tổ chức các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số vào quá trình sản xuất cũng như đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số.

Đồng thời, hằng năm, Cục Công nghiệp cũng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu giúp các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiếp cận, học hỏi, tìm kiếm lẫn nhau trong áp dụng chuyển đổi số và mô hình nhà máy thông minh trong quá trình sản xuất.

Đáng chú ý, trong năm 2023, Cục Công nghiệp đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế IFC công bố công cụ đánh giá về chuyển đổi số, bao gồm rất nhiều nội dung từ đánh giá về con người, văn hóa kinh doanh, tính bảo mật và hướng tới tính bền vững.

Kết quả, từ năm 2022-2024, Cục Công nghiệp đã đào tạo được 124 chuyên gia về chuyển đổi số và phối hợp hỗ trợ 36 doanh nghiệp phía Bắc áp dụng mô hình nhà máy sản xuất thông minh.” - ông Cường chia sẻ.

Ông Chu Việt Cường - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương

Ông Chu Việt Cường - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương

Theo đó, là một trong số những doanh nghiệp có cơ hội tham gia dự án “Hợp tác phát triển nhà máy thông minh” do Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Samsung Việt Nam hỗ trợ, ông Nguyễn Văn Minh - Quản lý dự án, Công ty Cổ phần đầu tư AMA Holdings cho biết, sau 2 năm, Công ty đã chuyển đổi toàn bộ cơ chế sản xuất sang chuyển đổi số, mã hóa toàn bộ trên hệ thống từ đầu vào vật liệu đến kho nhập liệu và sản xuất trên từng máy,… theo đó, có thể quản lý trực tiếp rằng sản phẩm này đang được sản xuất trên máy nào, thời điểm nào và giai đoạn nào.

Bên cạnh đó, Công ty cũng có thể quản lý việc xuất hàng, sản phẩm này vào thời điểm nào, cho khách hàng nào, với số lượng bao nhiêu và chất lượng ra sao,…

Với những mục tiêu và kết quả trong 2 năm, từ lúc bắt đầu chuyển đổi số đến nay, Công ty đã được phía Samsung Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao. Đây là những thành quả rất lớn đối với Công ty Cổ phần đầu tư AMA Holdings.” - Ông Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh AMA Holdings, Công ty Cổ phần Sản xuất gia công và Xuất nhập khẩu Hanel (Hanel PT) - một doanh nghiệp đã nỗ lực chuyển đổi hướng tới mô hình sản xuất thông minh từ rất sớm, ông Trần Đức Tùng - Phó Tổng Giám đốc Hanel PT cho biết, là một doanh nghiệp có 24 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử cho các đối tác FDI tại Việt Nam và ở nước ngoài, chúng tôi xác định, nhu cầu về chuyển đổi số là rất cấp thiết.

Trong 5 năm trở lại đây, việc chuyển đổi số thông minh đã trở thành nhu cầu tất yếu của các doanh nghiệp, bởi hoạt động này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi của các doanh nghiệp.

Từ những năm 2010, Hanel PT đã đầu tư một số tiền rất lớn vào hệ thống quản trị dữ liệu doanh nghiệp nhằm định hướng chuyển đổi mô hình sản xuất từ sản xuất, lắp ráp thô sơ (chủ yếu chiếm đến 80-90%) sang tự động hóa thông minh, nâng tỉ lệ tự động hóa sản xuất trong nhà máy lên 60% (giảm tỉ lệ lắp ráp xuống chỉ còn 40%) vào những năm 2017-2018.

Trong suốt quá trình chuyển đổi từ giai đoạn 2016-2017 đến nay, chúng tôi đã tăng trưởng 300% về doanh số. Đây là một kết quả rất ấn tượng và chúng tôi đã được những khách hàng nước ngoài, đặc biệt là các đối tác Nhật Bản tin tưởng và tiếp tục giao thêm các đơn hàng trong thời gian tới.” - Ông Tùng chia sẻ.

Ông Trần Đức Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất gia công và Xuất nhập khẩu Hanel (Hanel PT) cho biết, là một doanh nghiệp có 24 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử cho các đối tác FDI tại Việt Nam và ở nước ngoài, chúng tôi xác định, nhu cầu về chuyển đổi số là rất cấp thiết

Ông Trần Đức Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất gia công và Xuất nhập khẩu Hanel (Hanel PT) cho biết, là một doanh nghiệp có 24 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử cho các đối tác FDI tại Việt Nam và ở nước ngoài, chúng tôi xác định, nhu cầu về chuyển đổi số là rất cấp thiết

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp

Tuy nhiên, ông Tùng cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc chuyển đổi số không phải là dễ dàng. Theo ông Tùng, khó khăn lớn nhất là chuyển đổi số tốn rất nhiều chi phí đầu tư và chưa thể thấy được khoản thu lại trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, để có thể chuyển đổi sang sản xuất thông minh cũng như chuyển đổi số là những lĩnh vực mới, đòi hỏi kỹ thuật triển khai và đội ngũ nhân sự cũng phải có trình độ phù hợp mới có thể đáp ứng được.

Đồng tình với quan điểm này, ông Minh cũng thừa nhận, khi bắt đầu chuyển đổi số, Công ty Cổ phần đầu tư AMA Holdings cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đã xác định được chuyển đổi số là gì, làm như nào đã được lên kế hoạch nhưng việc bắt đầu thực hiện từ điểm nào, giải quyết từ đâu thì đây là những vướng mắc lớn của doanh nghiệp.

Cùng với đó, quá trình chuyển đổi số cũng cần đào tạo, hướng dẫn đội ngũ nhân sự, nhất là những nhân sự quản lý dây chuyền do họ chưa thể tiếp cận được với cách vận hành mới một cách nhanh chóng.

Ông Nguyễn Văn Minh - Quản lý dự án, Công ty Cổ phần đầu tư AMA Holdings

Ông Nguyễn Văn Minh - Quản lý dự án, Công ty Cổ phần đầu tư AMA Holdings

Sau một thời gian thực hiện tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số hướng tới, sản xuất thông minh, ông Trần Kiên Dũng - Chuyên gia ILO, Giám đốc Công ty TNHH ProfM Việt Nam chia sẻ, giai đoạn vừa qua, có thể thấy rất nhiều những điển hình của các doanh nghiệp Việt Nam về cả thành công lẫn thất bại.

Theo ông Dũng, không có phương thức cho thành công nhưng có công thức cho thất bại. Theo đó, 80% doanh nghiệp thất bại trong chuyển đổi số là việc quyết định hơi vội vàng khi chưa có chiến lược hay lộ trình phù hợp. Bên cạnh đó, các giải pháp về công nghệ phù hợp và tài chính, lẫn con người là những yếu tố quan trọng, quyết định yếu tố thành công trong chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Ông Dũng cho biết, chuyển đổi số có thể chia thành 2 nhóm: IT (Information Technology - Công nghệ thông tin) và OT (Operational Technology - Công nghệ vận hành). 2 công nghệ này cần phải vận hành song song và đồng bộ với nhau thì doanh nghiệp mới có thể chuyển đổi số thành công.

Việc đầu tiên mà doanh nghiệp cần làm là chuẩn hóa. Theo đó, doanh nghiệp cần phải chuẩn hóa hiện trường sản xuất chuẩn hóa hệ thống quản lý của doanh nghiệp, các quy trình cần phải được sắp xếp lại, tối ưu hóa lại, vận hành một cách liên tục, trơn tru để có thể thu được các dữ liệu chính xác, dữ liệu sạch.

Bên cạnh đó, hiện trường sản xuất cũng cần sắp xếp lại, sau đó chuẩn hóa các luồng sản xuất được tiến hành trơn tru.

Sau tất cả những việc đó mới bắt đầu số hóa những dữ liệu đã thu nhận được về ánh xạ lên phần mềm và kết hợp nhuần nhuyễn giữa IT và OT, lúc này thì lựa chọn giải pháp nào thì chúng ta sẽ không có một bài toán chính xác mà phải tùy thuộc vào từng doanh nghiệp.

Nắm bắt xu hướng, thúc đẩy sản xuất thông minh, đáp ứng xu thế của chuỗi sản xuất toàn cầu

Chia sẻ tại Tọa đàm, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp đều thống, đồng tình cho rằng, chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh là xu hướng tất yếu.

Theo đó, ông Dũng chia sẻ, trước giai đoạn phát triển VUCA - phát triển nhanh chóng, như vũ bão và mơ hồ như hiện nay, đôi khi chỉ cần bước trước một bước nhưng lợi thế cạnh tranh tạo ra là rất lớn.

“Vì vậy, doanh nghiệp hãy ngay lập tức nghĩ đến con đường chuyển đổi số trước mắt và bắt đầu cho doanh nghiệp của mình.” - ông Dũng khuyến nghị và cho biết, thêm, những năm qua, đồng hành cùng chương trình phát triển công nghiệp với Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương với rất nhiều hoạt động được triển khai đã mang lại khá nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những chương trình đào tạo, tư vấn như Cục Công nghiệp đã phối hợp với Samsung Việt Nam triển khai, cũng cần có những cơ chế, chính sách và tạo ra khung pháp lý, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này.

Ngoài ra, cũng cần tạo ra một nền tảng để các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số có thể kết nối, trao đổi, chia sẻ về những bài học thành công cũng như thất bại để từ đó rút ra kinh nghiệm cho doanh nghiệp của mình.

Ông Trần Kiên Dũng - Chuyên gia ILO, Giám đốc Công ty TNHH ProfM Việt Nam khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam hãy ngay lập tức nghĩ đến con đường chuyển đổi số trước mắt và bắt đầu cho doanh nghiệp của mình trước giai đoạn phát triển VUCA - phát triển nhanh chóng, như vũ bão và mơ hồ như hiện nay...

Ông Trần Kiên Dũng - Chuyên gia ILO, Giám đốc Công ty TNHH ProfM Việt Nam khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam hãy ngay lập tức nghĩ đến con đường chuyển đổi số trước mắt và bắt đầu cho doanh nghiệp của mình trước giai đoạn phát triển VUCA - phát triển nhanh chóng, như vũ bão và mơ hồ như hiện nay...

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Cường cho biết, thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy sản xuất thông minh, đáp ứng xu thế của chuỗi sản xuất toàn cầu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về chuyển đổi số như nghiên cứu, rà soát, đề xuất và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, có thể sẽ ban hành chương trình hỗ trợ sản xuất công nghiệp hướng tới áp dụng 4.0 và tiến tới thông qua chuyển đổi số để phát triển nhà máy thông minh cho tới giai đoạn 2030.

Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên về chuyển đổi số nhằm mục đích nâng cao nhận thức về việc chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Cường cũng bày tỏ mong muốn, các Ban ngành liên quan và địa phương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp giảm thiểu các thủ tục về hành chính về pháp lý, để các doanh nghiệp có thể tiếp cận với chuyển đổi số và nhà máy thông minh nhanh hơn.

Các tổ chức tài chính như ngân hàng có thể có những chính sách ưu đãi về thuế hay cho vay tín dụng, vay vốn trong thời gian dài hạn hơn và lãi suất thấp hơn.

Ngoài ra, các Hiệp hội, ngành nghề cũng sẽ là "cầu nối" giữa các doanh nghiệp với nhau để thông qua đó, các doanh nghiệp có thể học hỏi lẫn nhau để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số hay là áp dụng các mô hình quản lý nhà máy thông minh trong quá trình sản xuất và quản lý của doanh nghiệp.

Huyền My

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/day-manh-chuyen-doi-so--phat-trien-nha-may-thong-minh-dap-ung-xu-the-chuoi-san-xuat-toan-cau-130549.htm