Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan khối Đảng
Xác định rõ quá trình chuyển đổi số (CĐS) nói chung, CĐS trong các cơ quan Đảng của tỉnh nói riêng là xu thế tất yếu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, trên cơ sở đó, thời gian qua Tỉnh ủy Bình Dương đã triển khai nhiều phần mềm ứng dụng trong khối Đảng. Các hoạt động CĐS bước đầu đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần quan trọng trong cải cách hành chính (CCHC), tiết kiệm thời gian và cắt giảm chi phí...
Số hóa nhiều dữ liệu
Thực hiện Kết luận số 82- KL/TW ngày 16-8-2010 của Bộ Chính trị về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong Đảng; Nghị quyết số 52-NQ/ TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng, ban hành Đề án CCHC trong các cơ quan Đảng và Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 19-5-2022 về CĐS tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trên cơ sở đó, nhằm đẩy nhanh quá trình CĐS tại cơ quan khối Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy đã đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, công chức (CBCC) và người lao động nắm vững chủ trương, định hướng của Thường trực Tỉnh ủy về CĐS; ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc và CCHC trong Đảng; đẩy mạnh CĐS trong hoạt động của các cơ quan Đảng phù hợp với chương trình CĐS quốc gia.
Phần mềm “Phòng họp không giấy của Tỉnh ủy” đã được thực hiện trong các cuộc họp của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh từ cuối năm 2022. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Đến nay công tác CĐS trong các cơ quan khối Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Về số hóa dữ liệu, tính đến đầu tháng 9-2023 tỉnh đã cập nhật vào phần mềm thông tin dữ liệu của đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh, đạt 97%, còn 3% chưa nhập là do thuộc diện đảng viên mới kết nạp và đảng viên tiếp nhận từ ngoài tỉnh đến. Đồng thời, tỉnh đã cập nhật dữ liệu CBCC trên phần mềm quản lý CBCC; triển khai dữ liệu kiểm tra Đảng cho 14 Đảng bộ trực thuộc, cập nhật hồ sơ các đoàn kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, trích xuất báo cáo thống kê trên hệ thống thông tin chuyên ngành kiểm tra Đảng.
Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thành nhập liệu toàn bộ hồ sơ CBCC vào phần mềm quản lý CBCC, bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” trong tháng 11-2023; triển khai các mẫu biểu, form báo cáo điện tử trên hệ thống IOC để các đơn vị gửi báo cáo định kỳ về cho Tỉnh ủy trong tháng 11-2023.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ hình thành cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” (dữ liệu đảng viên, CBCC; kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo); đồng thời toàn bộ quy trình giải quyết TTHC và giải quyết công việc (không mật) sẽ được thực hiện trên môi trường mạng, trực tuyến, toàn trình và liên thông; quy trình hóa, điện tử hóa quy trình giải quyết các công việc giữa các ban xây dựng Đảng, Đảng đoàn, ban cán sự Đảng và các cấp ủy với Tỉnh ủy, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy.
Thường trực Tỉnh ủy trao kỷ niệm chương và tặng hoa chúc mừng cán bộ, công chức các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy tại buổi họp mặt kỷ niệm Ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy năm 2022. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Nhân rộng “Phòng họp không giấy”
Trong thời gian qua Tỉnh ủy đã thực hiện triển khai nhiều phần mềm ứng dụng trong khối Đảng như ứng dụng cung cấp thông tin trên nền tảng di động BDU News; phần mềm theo dõi tiến độ, báo cáo thực hiện các chỉ đạo của các cấp lãnh đạo; phần mềm quản lývăn bản liên thông với các cơ quan Nhà nước... Tiếp nối sự phát triển đó, Tỉnh ủy đã thực hiện triển khai ứng dụng “Phòng họp không giấy của Tỉnh ủy” và bộ TTHC khối Đảng nhằm giảm thiểu văn bản, giấy tờ hành chính, tiết kiệm chi phí, cải tiến, đổi mới lề lối làm việc, góp phần quan trọng CCHC để nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức Đảng và hệ thống chính trị.
Hôm nay, 18-10-2023, đánh dấu kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy. Phát huy truyền thống vẻ vang và kế tục sự nghiệp của các thế hệ đi trước, ngày nay, CBCC Văn phòng cấp ủy của tỉnh đã và đang tiếp bước bằng sự năng động, sáng tạo, hăng say cống hiến, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực không ngừng hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, phục vụ sự lãnh đạo của Đảng. Đội ngũ cán bộ, nhân viên Văn phòng cấp ủy không ngừng trưởng thành và lớn mạnh; trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng; có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn tận tâm với công việc, gương mẫu về chấp hành kỷ luật, về lối sống, xứng đáng là lực lượng tin cậy của cấp ủy các cấp trong tỉnh…
Phần mềm “Phòng họp không giấy của Tỉnh ủy” đáp ứng 5 chức năng chính, gồm: Chức năng họp không giấy (giúp cho các đơn vị dễ dàng tạo cuộc họp và gửi toàn bộ tài liệu để đại biểu nghiên cứu, xem và có ý kiến trước hoặc trong cuộc họp); chức năng xin ý kiến (khi không thể tổ chức họp hoặc không nhất thiết phải tổ chức họp thì sử dụng chức năng này để thực hiện xin ý kiến lãnh đạo xem xét và cho ý kiến trực tiếp trên phần mềm. Khi đó bộ phận thư ký sẽ tổng hợp các ý kiến và ban hành văn bản triển khai thực hiện); chức năng biểu quyết (trong một số cuộc họp sẽ có nội dung cần biểu quyết, phần mềm cho phép bắt đầu biểu quyết, thực hiện biểu quyết trên ứng dụng với thao tác đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả); chức năng xử lý văn bản đến/xử lý đơn thư (sử dụng để đưa những văn bản đến, đơn thư chuyển cho lãnh đạo xem và cho ý kiến nếu có) và chức năng thông tin (phần mềm phòng họp không giấy còn tích hợp thêm các hệ thống thông tin và lịch làm việc của Tỉnh ủy từ phần mềm BDU News và hệ thống Văn kiện Đảng từ cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy). Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ các đơn vị sử dụng phần mềm họp không giấy cho các ban xây dựng Đảng và các huyện, thị, thành ủy, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, Hội Chữ thập đỏ tỉnh…
Bình Dương là địa phương năng động, sáng tạo, phát triển, đã và đang hướng đến giá trị của thành phố thông minh. Việc ứng dụng CNTT, CCHC là xu thế chung phù hợp với yêu cầu của sự phát triển của tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh tinh giảm biên chế, khối lượng công việc ngày càng tăng. Với tất cả ý nghĩa đó, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cấp ủy, cơ quan, tổ chức Đảng sẽ tạo ra một bước tiến dài, góp phần đẩy mạnh CCHC trong Đảng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ.