Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

Những năm trở lại đây, cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh, ngành Nông nghiệp và lực lượng nông dân tỉnh Hòa Bình đã tích cực thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong sản xuất nông nghiệp bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả. Từ đó từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp; giúp nông dân sản xuất ra những mặt hàng nông sản chất lượng, tiết kiệm được chi phí đầu tư và công lao động, nhưng được bán với giá thành cao, góp phần nâng cao thu nhập.

Những năm trở lại đây, cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh, ngành Nông nghiệp và lực lượng nông dân tỉnh Hòa Bình đã tích cực thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong sản xuất nông nghiệp bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả. Từ đó từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp; giúp nông dân sản xuất ra những mặt hàng nông sản chất lượng, tiết kiệm được chi phí đầu tư và công lao động, nhưng được bán với giá thành cao, góp phần nâng cao thu nhập.

Các sản phẩm của Công ty CP Kim Bôi (thị trấn Ba Hàng Đồi - Lạc Thủy) được sơ chế, đóng gói

Các sản phẩm của Công ty CP Kim Bôi (thị trấn Ba Hàng Đồi - Lạc Thủy) được sơ chế, đóng gói

trên dây chuyền khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018.

Trở lại vùng bưởi Đại Đồng, xã Ngọc Lương (Yên Thủy), những ngày này, các thành viên HTX nông nghiệp Đại Đồng tích cực kiểm tra và ghi chép nhật ký đồng ruộng trên từng diện tích trồng bưởi Diễn xuất khẩu để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Ông Vũ Xuân Oanh, Giám đốc HTX cho biết: Từ năm 2021, sau khi được cấp mã số vùng trồng (MSVT), để định hướng xuất khẩu, việc canh tác bưởi được nông dân đặc biệt chú trọng. Vùng trồng thường xuyên được giám sát quá trình canh tác, nhật ký đồng ruộng, sự xuất hiện của các loại dịch hại cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm. Trước khi xuất khẩu, sản phẩm bưởi Diễn Yên Thủy được lấy mẫu phân tích. Kết quả phân tích dư lượng của 821 hoạt chất bảo vệ thực vật cho thấy các yêu cầu kỹ thuật đã được đáp ứng. Nhờ đó, bưởi Diễn Yên Thủy đã được cấp MSVT phục vụ xuất khẩu và đã có mặt tại các thị trường Anh, Mỹ, EU…

Hiện nay, CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp được coi như chiếc chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu giúp nông dân nâng cao thu nhập cũng như góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản đặc trưng của tỉnh, thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững, hướng đến phát triển kinh tế số. Theo đó, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, ngành Nông nghiệp đồng hành và khuyến khích các đơn vị, HTX, các hộ sản xuất, nông dân các địa phương tăng cường sử dụng các thiết bị thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới trong quá trình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là tận dụng nền tảng số - các trang mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm thị trường.

Sở NN&PTNT thường xuyên cập nhật các thông tin về nông nghiệp lên trang thông tin điện tử để các tổ chức, cá nhân thuận tiện tra cứu, tìm hiểu các văn bản, quy định cũng như thông tin quy trình kỹ thuật nông, lâm nghiệp, thị trường nông sản, phòng chống dịch bệnh… để tăng năng suất và hiệu quả trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, từng bước xây dựng, vận hành và phối hợp quản lý, ứng dụng, phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu các lĩnh vực thuộc ngành. Trong đó, vận hành 31 trạm đo mưa tự động tại các huyện, thành phố; hệ thống camera giám sát khu vực cửa nước ra lắp đặt tại khu vực hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình để theo dõi diễn biến nước hồ khi xả lũ; triển khai sử dụng các phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành như: Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu sâu bệnh hại trên cây trồng; phần mềm quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật PPDMS 2.0 sử dụng nội bộ; phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu tài nguyên đất nông nghiệp; hệ thống truy xuất nguồn gốc xác thực chống giả và kết nối cung cầu tỉnh Hòa Bình; số hóa 100% cơ sở dữ liệu về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; phần mềm dự báo cấp cháy rừng; ứng dụng phần mềm Mapinfor, Qgis trong theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, xử lý bản đồ chuyên ngành…

Cùng với đó, việc cấp MSVT được quan tâm. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 46 MSVT xuất khẩu với tổng diện tích gần 390 ha và 5 mã số cơ sở đóng gói được Cục Bảo vệ thực vật cấp và nước nhập khẩu phê duyệt, duy trì. Trong toàn tỉnh, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP cũng được các chủ thể, doanh nghiệp, HTX đưa lên sàn thương mại điện tử PostMart.vn nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm tiếp tục được thực hiện hiệu quả. 6 tháng đầu năm, ngành Nông nghiệp đã tiến hành giám sát 45 cơ sở được chứng nhận quy trình thực hành nông nghiệp tốt, hữu cơ, ISO trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sơ chế chế biến thực phẩm. Kết quả, có 39 cơ sở chấp hành tốt, 2 cơ sở ngừng hoạt động, 4 cơ sở ngừng sản xuất đối với loại sản phẩm đã được cấp giấy. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ 77 doanh nghiệp quảng bá sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm tại địa chỉ: https://hb.check.net.vn; giới thiệu, kết nối cho 50 lượt doanh nghiệp/HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nông sản…

Đồng chí Bùi Duy Linh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Có thể thấy nền nông nghiệp của tỉnh dần chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại. Nông dân có sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy nông nghiệp, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng nông sản. Một số sản phẩm chất lượng cao đã được xuất khẩu sang những thị trường khó tính trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực bước đầu, CĐS trong nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, để ứng dụng CĐS vào sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ số, hoàn thiện hệ thống dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp; khuyến khích người dân, doanh nghiệp số hóa quy trình sản xuất; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về vai trò, lợi ích của CĐS với ngành Nông nghiệp đến người dân…

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/191106/day-manh-chuyen-doi-so-tr111ng-linh-vuc-nong-nghiep.htm